Sau 8 tiếng lần theo dấu vết tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã bắt giữ nghi phạm Lê Tấn Tài (SN 1982, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để điều tra về hành vi giết người.
Bước đầu, tại cơ quan điều tra, Tài đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Theo đó, vào tối ngày 14/10, sau cuộc nhậu với bạn bè, như thường lệ Tài về chòi bảo vệ ở bãi tắm Mân Thái, quận Sơn Trà để xin ngủ nhờ. Khi thấy ôngTrần Văn Bang (SN 1965, ngụ quận Sơn Trà, là bảo vệ bãi tắm Mân Thái) đốt giấy gần chòi bảo vệ, Tài xông vào đánh vì cho rằng ông xúc phạm mình.
Ông Bang đã bỏ chạy ra hướng bãi biển nhưng bị Tài đuổi kịp. Lúc này, Tài đã dùng một tay để siết cổ, một tay lần lượt móc hai mắt của nạn nhân. Khi ông Bang tử vong, Tài hất nạn nhân ra bãi biển rồi thản nhiên bỏ trốn.
Nghi can khai nhận gây án trong tình trạng say rượu và đã sử dụng ma túy đá. Kết quả test nhanh tại thời điểm bắt giữ, đối tượng dương tính với chất ma túy
Trả lời trên báo chí, Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc, Công an Đà Nẵng cho biết, Lê Tấn Tài và nạn nhân từng ăn chung ngủ chung với nhau. Tối 14/10, Tài cũng tìm tới chỗ ông Bang nhưng sau đó xảy ra mâu thuẫn với ông này dẫn đến xô xát. Khi ông Bang bỏ chạy, Tài đuổi theo, vật ngã ông Bang xuống đất, đấm vào mang tai và vào trán khiến ông này gục tại chỗ. Sau đó Tài lôi ông Bang dìm xuống biển cho đến chết. Không dừng ở đó, Tài còn kéo ngược ông Bang lên và móc cả hai mắt của nạn nhân.
“Đây là hành vi phạm tội hết sức tàn độc, dã man lần đầu tiên xảy ra ở Đà Nẵng. Sau khi khám nghiệm tử thi, bộ phận kỹ thuật hình sự khẳng định ông Bang bị móc cả hai mắt, chứng tỏ kẻ gây án hết sức hung hãn và nhiều khả năng đây là một đối tượng “ngáo đá”– Đại tá Trần Mưu cho hay.
Trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ án giết người mà nguyên nhân chính là do trước khi gây án, các đối tượng đã sử dụng ma túy và các chất kích thích như rượu, bia gây ra cái chết cho nạn nhân một cách dã man.
Trao đổi với phóng viên về vụ án trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, (Đoàn luật sư Hà Nội khẳng địnhpháp luật buộc công dân phải nhận thức việc sử dụng các chất kích thích là ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Nếu dụng các chất kích thích mà gây ra hậu quả sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó.
Điều 14 BLHS đã qui định “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Trước hành vi móc mắt nạn nhân, luật sư Thơm cho rằng cơ quan điều tra cần thiết làm rõ động cơ nếu nhằm mục đích che dấu hành vi phạm tội vì sợ nạn nhân sẽ nhìn thấy phát hiện thì sẽ phải chịu trách nhiệm về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm m khoản 1 điều 48 BLHS: “Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội”.
Vụ trọng án xảy ra cũng đã được Cơ quan cảnh sát điều tra CATP Đà Nẵng làm rõ do nghi can Lê Tấn Tài (SN 1982, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) gây ra cái chết cho ông Trần Văn Bang (SN 1965, ngụ quận Sơn Trà, là bảo vệ bãi tắm Mân Thái) trong tình trạng đối tượng đã uống rượu và sử dụng ma túy khi thực hiện hành vi phạm tội.
Xét hành vi phạm tội của đối tượng thấy rằng chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt khi thấy ông Trần Văn Bang đốt giấy gần chòi bảo vệ, Tài xông vào đánh vì cho rằng ông xúc phạm mình. Khi thấy ông Bang đã bỏ chạy nhưng đối tượng vẫn đuổi theo truy sát đến cùng. Tài đã dùng một tay để siết cổ, một tay lần lượt móc hai mắt của nạn nhân. Khi ông Bang tử vong, Tài hất nạn nhân ra bãi biển nhằm mục đích che dấu hành vi phạm tội và bỏ trốn. Hành vi phạm tội của đối tượng đã có dấu hiệu phạm Tội giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm n, khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự 1999.
Quá trình điều tra, cần thiết phải làm rõ các vấn đề liên quan đến nhân thân, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của của đối tượng đã từng đi điều tri bệnh liên quan đến tâm thần liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích hay không. Nếu đối tượng có dấu hiệu bất thường về tâm thần thì cần thiết phải cho đối tượng đi giám định năng lực chịu trách nhiệm hình sự để làm căn cứ xử lý theo qui định của pháp luật. Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của Bị can
Nếu xác định bị can không có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi mà chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà giết người thì còn bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng có tính chất côn đồ.
Nếu đối tượng bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và khả năng điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi.