Những bức ảnh mới nhất chụp từ trên không cho thấy đời sống của một bộ lạc không tiếp xúc với bên ngoài ở vùng rừng rậm Amazon, với dân số chỉ khoảng 100 người.
Ảnh được chụp ở vùng lãnh thổ Yanomami, miền bắc Brazil, cho thấy nhiều người – có cả nam và nữ, đang đứng bên trong ngôi nhà khổng lồ được gọi là “Yanomami yano”, nơi sinh sống của nhiều gia đình trong bộ lạc.
Những người này không mặc quần áo hoặc chỉ mặc rất ít. Một số người đang ngước nhìn lên trời – dường như họ đã phát hiện ra mình bị chụp ảnh.
Theo Mirror, những bức ảnh đặc biệt này được công bố giữa lúc có nhiều lo ngại cộng đồng thiểu số ở vùng Amazon này có thể bị các thợ mỏ vàng xóa sổ.
Lý do là người trong bộ lạc “rất dễ bị tổn thương” do bệnh tật đến từ “những người ngoài”, trong khi các thợ mỏ vàng được nói đã mang bệnh sốt rét và các bệnh khác đến khu vực.
Các thợ mỏ cũng được cho là đã làm ô nhiễm nguồn thức ăn, nước uống của bộ lạc do thủy ngân dùng khai thác vàng.
“Khu vực này đang có hơn 5.000 thợ mỏ vàng bất hợp pháp, gây lo ngại nghiêm trọng rằng họ sẽ khiến một số người dễ bị tổn thương nhất trái đất bị tiêu diệt”, trang web của tổ chức nhân quyền Survival International nói.
Theo ước tính, bộ lạc Yanomami có tổng cộng khoảng 35.000 người, trong đó hơn 20.000 người ở Brazil, số còn lại ở vùng núi và rừng rậm Venezuela. Nhiều nhóm của bộ lạc này hoàn toàn không tiếp xúc với người ngoài, thậm chí không tiếp xúc với các thành viên khác cùng bộ lạc.
Thông thường họ sống trong các ngôi nhà lớn “Yanomami yano”, mỗi ngôi nhà lớn có nhiều gia đình cùng ở chung, dưới mỗi mảnh che của ngôi nhà là một gia đình.
Họ ngủ võng, biết dùng lửa và sở hữu một kho kiến thức rất lớn về thực vật, với khoảng 500 loại cây cỏ được họ biến thành thức ăn, thuốc uống và nhà ở. Họ cũng sống bằng cách săn bắn, hái lượm, đánh cá và trồng một số loại cây như sắn, chuối…
Các nhà hoạt động kêu gọi cần bảo vệ khu vực mà bộ lạc này sống và các quan chức cần “tôn trọng quyền được sống ở đó của họ”.
Theo daikynguyen