Vào thời xưa, dù khoa học kỹ thuật chưa phát triển như hiện nay nhưng người dân Việt Nam ta đã biết xây nhà vệ sinh để giải quyết nhu cầu căn bản nhất của con người.
Và những căn nhà vệ sinh này, dù còn rất thô sơ, nhưng có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu trong kinh thành hay những vùng làng mạc có người dân sinh sống. Chỉ riêng hoàng cung của vua chúa là không có. Vì sao lại như vậy?
Hoàng cung là nơi ăn chốn ở và làm việc của các bậc thiên tử, chính vì thế số lượng binh lính, cung nữ và người hầu kẻ hạ ở đây là rất đông. Đấy là chưa kể một số lượng lớn các vương phi và công chúa hoàng tử sống, sinh hoạt trong cung. Mà vào thời đó, kỹ thuật thông gió và khử mùi còn chưa phát triển. Nếu hàng vạn con người cùng đi giải quyết ở một chỗ thì e rằng cả hoàng cung sẽ nồng nặc mùi xú uế, nơi ở của hoàng đế vì thế sẽ m ất đi sự sạch sẽ và tôn nghiêm.
Do đó, người trong cung đã làm ra những chiếc thùng bằng gỗ có nắp đậy, bên trong trải rơm hay cỏ để khử bớt mùi. Mỗi khi có một anh lính hay một cô cung nữ nào đó muốn giải quyết nhu cầu cá nhân, họ sẽ xách chiếc thùng ra một chỗ kín đáo. Sau đó tự tay mang đem đổ và để lại vị trí cũ.
Còn đối với các bậc thiên tử thì sao? Xưa kia bên nước Hán đã từng có một vị hoàng đế bị ám sát trong khi đang ngồi trong nhà vệ sinh. Vì thế ngay cả chuyện giải quyết nhu cầu cá nhân, các vị vua cũng không được ở một mình mà đi ngay trong phòng, có thái giám hầu hạ. Sau khi ngủ dậy, nhà vua sẽ ngồi vào một chiếc ghế thiết kế riêng cho việc đi vệ sinh, bên dưới có đặt một chiếc chậu, xung quanh chậu được rải trầm hương để che đậy mùi xú uế, bên trong có rắc tàn hương để vua không nhìn thấy chất thải của mình.
Khi mọi việc xong xuôi, thái giám sẽ dùng một chiếc khăn mềm để lau sạch cho nhà vua, rồi thấm một chút mật ong vào cửa hậu của ngài để tránh những căn bệnh như trĩ hay táo bón. Hoàng hậu và các hoàng tử công chúa cũng đi theo cách tương tự, riêng những thứ trong chậu của nhà vua sẽ được chuyển đến cho ngự y để nghiên cứu sức khỏe.
Sau đó, thái giám hoặc cung nữ sẽ bưng đến cho nhà vua một chén trà thuốc để ngài súc miệng, gọi là rửa long câu. Họ thường thử trước một ngụm để chắc chắn trà không có độc rồi mới dâng lên cho ngài. Nhà vua nhấp chén trà, súc miệng vài cái rồi nhổ vào một chiếc ống bạc được thái giám hoặc cung nữ bưng hầu kế bên. Ngài đứng dậy, đi một bài quyền dưỡng sinh, rồi ngồi vào bàn dùng bữa sáng do thái hậu tự tay chuẩn bị sẵn từ trước, gồm một bát miến gà, một đĩa bánh nhỏ làm từ bột gạo, trứng, mật ong, và một ấm trà sâm, tất cả đều có người nếm thử.
Xong xuôi, hai cung nữ sẽ lau người cho nhà vua bằng nước ấm, chải đầu vấn tóc cho ngài, thay quần áo cho ngài, rồi khoác lên người ngài một bộ trang phục tùy vào việc ngày đó nhà vua có thượng triều hay không. Nếu không thượng triều, nhà vua sẽ đến ngự thư phòng để duyệt tấu sớ.
Tất cả những công việc nói trên đều bắt đầu từ khi nhà vua thức giấc, thường là vào cuối giờ Dần, tức khoảng 4h30 sáng. Nếu không phải thượng triều, vua có thể dậy muộn hơn khoảng một canh giờ.
Thế mới biết việc chuẩn bị cho chuyện sinh hoạt thường nhật của vua chúa phong kiến thời xưa là vất vả như thế nào, chỉ cần làm vua phật lòng, việc bay đầu hay bị trục xuất khỏi cung là không thể tránh khỏi. Ấy thế mà vẫn có nhiều cung nữ xem đó là một niềm vinh dự lớn, vì nó cho thấy vị trí và cấp bậc của họ trong cung.
Theo yan