Ta luôn mặc định mỗi sinh vật đều chỉ có 1 bố và 1 mẹ nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, em bé này chào đời với gene của 3, chứ không phải chỉ 2 bố mẹ.
3 bố mẹ ở đây không phải là cách nói ẩn dụ mà thật sự theo đúng nghĩa đen, về mặt sinh học!
Tất nhiên, bé trai 5 tháng tuổi này mang DNA của bố mẹ mình, nhưng ngoài ra còn có một phần mã gene từ người hiến tặng, nhằm giúp bé tránh được việc thừa hưởng một bệnh di truyền từ gene từ người mẹ người Jordan của mình – được biết đến dưới tên IS – có thể khiến bé khó sống sót. Các nhà phôi học tin rằng ca sinh này sẽ đẩy nhanh tiến trình trên toàn thế giới, đem đến hy vọng cho hàng triệu người đang phải đối mặt với khả năng sinh con bị bệnh nan y. “Đây là một kỹ thuật mang tính bước ngoặt,” Bác sỹ John Zhang, dẫn đầu nhóm bác sỹ từ Trung tâm Sinh sản New Hope, New York, cho biết.
“Việc này lần đầu tiên chứng minh rằng sự kết hợp gene từ ba người có thể giúp tránh được bệnh tật,” ông chia sẻ. “Chúng tôi giờ đây đã biết sự tái cấu tạo trứng của người có thể giúp sinh ra em bé khỏe mạnh thế nào.”
Ông không cho biết tên của em bé đặc biệt này cũng như tên của bố mẹ bé, tuy nhiên tiết lộ rằng cặp đôi này đã mất hai con cùng vì hội chứng Leigh – bé đầu tiên qua đời khi lên 6, và bé thứ hai vào 8 tháng tuổi. Hội chứng Leigh là rối loạn thần kinh nghiêm trọng, tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh, cản trở khả năng thể chất cũng như trí tuệ của đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đời. Hầu hết những trường hợp bị hội chứng này đều không sống quá 3 năm, do suy phổi. Và các xét nghiệm đã cho thấy, trong trường hợp này, mẹ của những đứa trẻ mang gene bệnh trong ty thể của mình, và truyền sang con theo DNA. Quá đau khổ vì những mất mát trước đó, cặp đôi quyết định sang Mỹ để gặp bác sỹ Zhang và ê-kíp, những người chuyên nghiên cứu những phương pháp cải tiến; tuy nhiên do các quy định chặt chẽ tại Mỹ, họ phải sang Mexico để hoàn thành công việc này.
Đứa trẻ được sinh ra nhờ kỹ thuật gọi là cấy ghép nhân, theo đó, bác sỹ Zhang lấy nhân từ trứng của người mẹ, sau đó cấy vào trứng được hiến tặng (đã loại bỏ nhân), và dùng trứng này để thụ tinh với tinh trùng của người bố. Năm quả trứng đã được tạo ra với kỹ thuật này, nhưng chỉ một sống sót, và thế, đã là quá đủ!
Đáp lại cả những lo lắng, sợ hãi, cả sự phấn khích của cả cộng đồng y khoa, bác sỹ Zhang chỉ ra rằng: “Đây mới chỉ là khởi đầu.”
Cho đến giờ, các nhà phôi học đang tập trung vào việc coi kỹ thuật này là cách để tránh các bệnh di truyền từ bố mẹ sang con. Tuy nhiên, bác sỹ Zhang cho rằng ứng dụng của phương pháp là “không giới hạn”, thậm chí có thể can thiệp vào DNA của thai nhi trong bụng mẹ để chỉnh sửa lại những khiếm khuyết về ngoại hình hay kỹ năng của bé. “Tất cả đều có khả năng, chỉ là chúng ta áp dụng kỹ thuật này thế nào. Trên nền tảng mới này, có thể mở rộng đến đâu thì tôi thật sự không thể hình dung.” Ông chia sẻ thêm. “Và cũng như với bất cứ tiến bộ của các kỹ thuật mới nào, chúng ta luôn phải ghi nhớ đến hiệu quả và sự an toàn. Kể cả với IVF.”
Các chuyên gia khác, như Giáo sư Simon Fishel thì cho biết: “Có những căn bệnh chúng ta không muốn con mình sinh ra mắc phải, hơn thế nữa, muốn xóa bỏ chúng khỏi các bộ gene, và phương pháp này có thể giúp đạt điều đó.” Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh bất cứ phương pháp nào lần đầu áp dụng trên người, sau khi đã thành công ở các nghiên cứu động vật, cũng cần nhiều năm để chứng minh và để giúp mọi người thật hiểu được khả năng ảnh hưởng của nó.