Những chiếc khuy nhỏ trên túi quần jean có vẻ không quan trọng nhưng lại giữ vai trò vô cùng quan trọng và không phải ai cũng biết câu chuyện về nguồn gốc của chúng.
Quần jean “len lỏi” có mặt ở từng con phố trên khắp thế giới, là trang phục chưa bao giờ lỗi thời dù nhiều thế kỷ qua đi. Có thể nói quần jean là “bạn đồng hành” không thể thiếu trong tủ quần áo của mỗi người.
Ngày nay, quần jean được cải tiến khá nhiều về kiểu dáng cũng như màu sắc, mang tính ứng dụng cao, thích hợp với mọi dáng người, lứa tuổi và giới tính.
Mặc dù quần jean thường xuyên được chúng ta sử dụng hàng ngày nhưng có lẽ ít ai để ý đến những khuy nhỏ được đính trên miệng túi những chiếc quần ấy.
Có vẻ như nhiều người chỉ nghĩ rằng những khuy nhỏ đó chỉ là vật trang trí thêm cho chiếc quần bò nhưng thực chất nhà sản xuất cố ý tạo nên những chiếc “khuy thừa” ấy là có nguyên nhân của nó.
Vào thế kỷ 18, thế giới phát triển, công việc đòi hỏi người công nhân phải làm việc với tần suất cao, cần đến những bộ trang phục có độ bền lớn, quần jean ra đời và hoàn toàn được làm bằng cotton. Đơn giản bởi chất liệu này dai, chắc, những người mặc chúng khi hoạt động nhiều sẽ không lo bị rách.
Tuy nhiên, các công nhân làm việc chân tay nặng nhọc lại thường làm rách toạc phần miệng túi quần và phải thường xuyên mang đến nhờ thợ may vá lại.
Vào năm 1870, ông Jacob Davis, một thợ may ở Reno, Nevada, Mỹ, thường nhận được yêu cầu may lại những chiếc túi của công nhân.
Nhận thấy đây là sự cố thường gặp với những chiếc quần nên ông Jacob đã nghĩ ra một phương pháp khắc phục, đó là gia cố lại túi quần bằng đinh tán mà ông thường dùng ở phần dây đai trên tấm chăn đắp cho ngựa. Thiết kế này đã giúp chiếc quần jean bền chắc hơn và không bị rách túi thường xuyên nữa.
Từ đó, chiếc quần được gắn những khuy nhỏ bắt đầu phổ biến khắp Reno. Tuy nhiên, khi nghĩ ra ý tưởng này, ông Davis không thể có đủ vốn để sản xuất và đã bắt tay với Levi Strauss, người khai sinh ra hãng quần bò huyền thoại Levi’s, để cho ra đời những chiếc quần bò được gia cố bằng đinh tán như ngày nay. Sau đó, phát minh của Jacob Davis được cấp bằng sáng chế vào ngày 20/5/1873, ông cũng trở thành một trong số các giám đốc sản xuất của Strauss.