Không cần ý tưởng ghê gớm hay quá lạ lẫm, bạn có thể bắt đầu khởi nghiệp từ ý tưởng cũ nhưng với cách thực hiện mới mẻ, cách làm tốt hơn những người khác thì khả năng thành công của bạn sẽ cao.
Vợ mình mang bầu, tự dưng nghén thèm bỏng, lại đúng dịp trên đường bắt gặp một hàng nổ bỏng tại chỗ nên mình có ghé vào mua. Ăn bỏng từ thuở còn cắp sách đến trường mà cho tới tận bây giờ mình mới biết quy trình làm ra những thanh bỏng gậy là như thế nào. Định bụng chia sẻ với các bạn một bài viết “Bỏng gậy tuổi thơ được làm như thế nào” nhưng sau khi nghe anh bán bỏng kể chuyện và được cậu bạn ủng hộ thì mình lại thay đổi ý định và đưa cậu chuyện bỏng gậy vào chủ đề khởi nghiệp.
Khi nghe tới hai từ “khởi nghiệp” chúng ta thường sẽ cảm thấy vô cùng mông lung và mong manh. Dù cho tục ngữ có câu “Thất Bại là mẹ Thành Công”, ai cũng đã từng nghe qua nhưng mấy người dám thử?
Nếu không tin bạn có thể đem ý tưởng kinh doanh mới mẻ của mình nói với bố mẹ xem sao. Tôi tin rằng đến quá nửa là sẽ bị vùi dập, phản bác. Không phải là bố mẹ không yêu thương chúng ta mà do tâm lý cha mẹ Việt không muốn con mình làm 1 cái gì đó “mạo hiểm” như đầu tư, kinh doanh. Thay vào đó, các bậc phụ huynh muốn con mình phải tập trung học, tạo áp lực không được thua kém bạn bè vì “thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly” mà không hiểu rằng: những kiến thức chúng ta học trong trường với nền giáo dục như hiện tại lại đóng góp không nhiều cho nghề nghiệp sau này.
Đúng thế, nền giáo dục và tâm lý người Việt Nam không quen với thất bại.
Khởi nghiệp bằng cách nào đi chăng nữa, nói chung, cũng đều vì mục đích kiếm tiền bằng mọi cách chính đáng (chứ không phải bằng mọi giá). Không phải nói đâu xa, quanh ta rất nhiều những tấm gương như Nguyễn Văn Hiệp sinh năm 1989, cựu học sinh Ngoại Thương khởi nghiệp từ việc bán đĩa tiếng Anh để rồi trở thành ông chủ trung tâm ngoại ngữ gồm 50 lớp; hay như Đinh Văn Cường (SN 1987, Hà Tĩnh), tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, điểm IELTS 7.0 nhưng lại đi bán bánh mì, và nhờ chất lượng tốt, giá cả hợp lý nên sau 2 năm hoạt động, tiệm bánh mì với logo thương hiệu hình chú dế mèn ngộ nghĩnh của cậu chủ Đinh Văn Cường tại phố Nam Đồng (Đống Đa, HN) được nhiều người ủng hộ, vào những ngày cao điểm thậm chí còn đón tới 400-500 lượt khách.
Được học hành, có kiến thức là những nền tảng vững chắc, là bệ phóng giúp chúng ta tiến nhanh hơn đến thành công. Thế nhưng đó không phải là yếu tố bắt buộc phải có khi muốn khởi nghiệp.
Người thật việc thật, nhân vật chính của chúng ta hôm nay là một chàng thanh niên đến từ Hà Tây với khuôn mặt tròn trĩnh, phúc hậu khởi nghiệp bằng nghề bán bỏng gậy. Món này thì thế hệ 7x, 8x và cả 9x chúng ta ai ai cũng thân thuộc.
Hồi đó chúng mình thường chọn lấy cái bỏng đủ màu xanh, trắng, hồng, cái nào cũng phải thẳng nhất, đẹp nhất nhưng không phải chỉ để ăn mà còn dùng làm bao thứ đồ trên đời, ví dụ như làm kiếm ánh sáng giống trong phim Star Wars chiếu trên tivi, đục khoét những cái lỗ để giả như đang thổi sáo, hoặc chỉ đơn giản là những chiếc gậy để chơi trò Tôn Ngộ Không đánh yêu quái. Bỏng gậy tuổi thơ đến giờ vẫn còn được bày bán ở các chợ, trước cổng trường, quán nước,… thế nhưng chúng được làm như thế nào thì hẳn là nhiều người chưa từng thấy.
Khởi nghiệp từ bỏng gậy – một hướng đi mới mẻ ít người dám thử
Anh S. sinh năm 1988, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ học từ sớm để phụ bố mẹ kiếm tiền. Làng anh sống có rất nhiều người làm bỏng và truyền nghề lẫn cho nhau, nhưng chủ yếu vẫn là đem bỏ mối buôn, rồi số bỏng ấy lại được chia nhỏ ra tới khắp các khu chợ, quán nước,… Thế nhưng anh S. lại muốn tìm một hướng đi riêng: phải nâng tầm “bỏng gậy” quê mình lên cao hơn, biến nó thành một màn trình diễn lạ mắt bằng cách nổ bỏng bán ngay trước mắt để thỏa mãn cái trí tò mò cho khách, giúp người mua yên tâm hơn khi trực tiếp cầm trên tay sản phẩm nóng hổi mới ra lò.
Theo lời anh S., đồ nghề sản xuất bỏng là một chiếc máy nổ giống như động cơ xe công nông hoặc máy bơm nước được gắn lên khung sắt có bánh xe để tiện cơ động. Tất cả chi phí cho bộ máy như vậy vào khoảng 20 triệu đồng. Hàng ngày anh chở cỗ máy nổ bỏng từ chỗ trọ ra nơi bán, trải bạt và đặt lên đó 1 chiếc chậu nhôm để đựng thành phẩm. Em trai anh S. ngồi ghế nhựa, tay đỡ thanh bỏng không ngừng tuồn ra từ máy nổ bỏng và cắt thoăn thoắt. Vì làm việc sát cạnh máy nổ khá ồn nên cậu phải đeo tai nghe.
Những nguyên liệu trộn sẵn được đem vào máy nổ, theo một đường ống dài những hạt gạo được nghiền kết dính với nhau nhờ sức nóng và cứ như vậy nối nhau trôi ra khỏi máy. Khi mới ra lò, bỏng gậy còn nóng bốc khói và mềm, nhưng khi nguội lại trở nên giòn và cứng.
Mẹ anh S. cho bỏng vào các túi nilon, buộc kín và xếp thành từng chồng để anh sẵn sàng giao khi có khách mua. Mỗi túi như vậy giá 10 nghìn đồng, khá nhiều bỏng và so với bim bim thì không đắt vì gói bim bim nhìn to là vậy nhưng bên trong ruột chỉ có một nửa, còn lại toàn là không khí.
Anh S. cho biết, nguyên liệu làm bỏng gậy gồm có gạo tẻ thơm, đỗ tương rang, mì tôm và đường kính trắng hoặc đường đỏ, hoàn toàn không có chất bảo quản hay mì chính nên an toàn hơn bim bim sản xuất công nghiệp, cho trẻ em ăn cũng an tâm.
Mình có gợi ý cho anh về việc trộn thêm bột socola hoặc bột trà xanh vào để tăng tính đa dạng cho sản phẩm. Anh S. giải thích rằng như vậy sẽ khiến giá bỏng tăng nên hiện tại anh chỉ làm bỏng gậy thuần túy nhất để phục vụ đại đa số khách hàng, nhưng nếu khách có yêu cầu thì anh vẫn sẽ phục vụ tận tình theo đúng khẩu vị, ví dụ như bỏng gạo lứt dành cho người ăn kiêng, bỏng hoa quả với thành phần có hoa quả sấy thơm ngon hay thậm chí là bỏng rong biển…
Trong vài phút ngắn ngủi trò chuyện với anh S. thì mình để ý thấy lượng khách tới mua khá đông, cũng có lẽ một phần do mình vía tốt. Anh S. cho biết, mỗi ngày anh làm việc từ 10h sáng đến 7, 8h tối, bán được từ 100 – 200 túi bỏng. Nhẩm tính sau khi trừ tiền dầu chạy máy, tiền nguyên liệu thì thu nhập một ngày của 3 mẹ con anh vào khoảng trên dưới 1,8 triệu đồng. Dự định của anh S. là khi nào có đủ điều kiện thì anh sẽ mở hẳn một trang web chuyên bán bỏng gậy đủ vị, có cửa hiệu đàng hoàng để biến bỏng gậy dân dã thành món ăn vặt hảo hạng. Mình cũng thấy ý tưởng đó rất hay, và nếu có thể cải tiến tự động hóa khâu cắt bỏng, đổ nguyên liệu thì năng suất sẽ tăng lên rất nhiều.
Anh S. có yêu cầu không tiết lộ danh tính và khuôn mặt vì ngại ngùng, khiêm tốn cho rằng mình vẫn còn rất nghèo và việc bán bỏng như anh đang làm không có gì đáng nói cả. Thế nhưng cá nhân người viết thì cho rằng: Bán hàng không có gì là thấp kém, trái lại, nó là một nghề vinh quang vì những người bán hàng là lực lượng nuôi sống cả xã hội, vậy tại sao chúng ta không bắt đầu khởi nghiệp ngay hôm nay, bởi thực tế khởi nghiệp thực ra không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ. Không cần ý tưởng ghê gớm hay quá lạ lẫm, bạn có thể bắt đầu từ ý tưởng cũ nhưng với cách thực hiện mới mẻ, cách làm tốt hơn những người khác thì khả năng thành công của bạn sẽ cao.