Chuyện phong bì cưới xin luôn là một đề tài mà cô dâu chú rể nào cũng quan tâm. Cũng vì cái phong bì to hay nhỏ mà đôi khi ảnh hưởng đến hòa khí của đôi vợ chồng trẻ, thậm chí bất mãn giữa nhà trai và nhà gái.
Nhiều người quan niệm phải làm đám cưới to cho mát mày mát mặt với bà con chòm xóm mà không thấy rằng sau cái đám cưới to là cả một hệ lụy kéo tới. Với những người có tiền thì chuyện tiền nong cũng không quan trọng lắm, vì thế nếu có thâm hụt vài chục triệu cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng với những người lao động phổ thông, có khi một tháng cả hai vợ chồng thu nhập chưa đến 10 triệu mà nợ đám cưới lên đến mấy chục triệu thì thực sự là cơn ác mộng.
Cô em bà con xa của tôi mới cưới chồng ở quê cũng rơi vào trường hợp dở khóc dở cười này. Cả hai gia đình đều bình dân, hai vợ chồng cũng làm công nhân, lương cả hai cộng lại mới xấp xỉ 8-9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do gia đình cũng không khá giả gì nên hai em phải lo mọi chi phí đám cưới. Thế nhưng, khi em tôi bàn với gia đình chồng gộp chung đám cưới thành một để tiết kiệm chi phí thì nhà chồng không đồng ý, cho rằng như thế sẽ làm mất mặt gia đình.
Cuối cùng, hai vợ chồng em đành phải chia làm hai tiệc, một tiệc nhà gái và một tiệc nhà trai. Buổi tiệc nhà gái diễn ra suôn sẻ vì cô em tôi cũng “liệu cơm gắp mắm”, đãi tiệc ở một nhà hàng bình dân ven thành phố nên chi phí mỗi bàn cũng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng cả tiền nước uống. Với chi phí đó, bạn bè đi 200-300.000đ là đã đủ bù tất cả chi phí, thậm chí dư để lo các khoản như xe cưới, chụp hình…
Thấy chi phí cũng gọn đẹp, cô em tôi cũng hớn hở lắm. Thế nhưng, đến khi nhà trai đãi cô em tôi mới ngã ngửa. Quê chồng em tôi cũng cách nhà gái 100km nên đời sống cũng không nghèo khó lắm nhưng họ vẫn theo lệ quê là thuê người về nấu đám, bà con hàng xóm ăn đám từ trưa đến chiều suốt hai ngày.
Em kể: Đến độ 6 giờ chiều, rạp đã dỡ, khách khứa họ hàng về hết, em với chồng đang dọn dẹp quét tước, rửa chén… thì mẹ chồng gọi vào buồng. Trên giường là cái hòm mừng trái tim, cộng thêm cả mấy xấp phong bì dày cộp mà các bà, các cô gởi mừng hai đứa.
Mẹ chồng em bảo: “Chúng mày đều làm ở Hà Nội nên bố mẹ đặt cỗ to, cả công nấu, nước uống tính ra là xấp xỉ 800 một mâm. Từ hôm qua đến nay ăn hết tất cả 119 mâm, mà mẹ đặt 120 mâm, coi như là vừa khéo. Chúng mày thấy mẹ tính giỏi không chỉ thừa ra có mỗi một mâm.”
Lúc đó em nghĩ: “Ồ, cỗ to như thế mà cả đồ uống hết có 800 nghìn, rẻ quá! Nhà hàng bình dân nhà mình đã hết 1,5 triệu một mâm rồi”.
Thế rồi mẹ chồng lấy bút, lấy sổ ra bảo em ghi tiền mừng cưới vào sổ để sau này “trả nợ”.
Đến lúc chồng em đọc số tiền trong phong bì mừng mà em tí ngất. Cỗ nhà người ta to nhất làng mà toàn mừng năm chục với một trăm… Anh chồng thấy em giật mình nên vội nói nhỏ: “Ở quê mọi người chỉ mừng thế thôi, gọi là của ít lòng nhiều. Mà đám nhà mình có phúc lắm mới nhiều cụ già đến ăn đấy, chứ không phải đám nào các cụ cũng đến đâu”. Vừa nói chồng tôi vừa đọc: “Cụ Hai nhà bác Trung năm chục, cụ Tứ xóm 6 năm chục…”
Em kể, sau khi tổng kết thì lỗ gần 20 triệu đồng. Mẹ chồng đứng lên nói: “Đấy mẹ giao lại tiền và sổ cho hai đứa tự lo mà trả nhé. Ah, còn tiền thuê rạp, thuê loa, rồi hoa hét, tạp phí lù hết hơn một chục nữa, chúng mày liệu mà lo nốt”.
Nghe đến đây thì cô em tôi ù hết cả hai tai, chóng hết cả mặt. Nó rấm rứt khóc bảo: “Hai vợ chồng làm lương chả bao nhiêu, giật áo vá vai mới đủ sống qua ngày, giờ tự nhiên nợ một đống tiền, kiểu này có mà cày bừa 2-3 năm mới trả hết được. Vậy chắc chả dám đẻ con ấy chứ”.
Cả đêm hôm đó, em tôi ngồi cự nự với chồng bảo nhà làm cho to vào, chẳng hỏi ý kiến em giờ lại kêu hai vợ chồng trả nợ là sao. Chồng em tôi chắc cũng áy náy, dỗ dành khuyên can cả đêm mà em tôi vẫn chưa nguôi. Thiệt là khổ.
Vì vậy tôi nghĩ, chuyện đám cưới mặc dù là chuyện quan trọng, ai cũng muốn làm lớn. Thế nhưng cũng nên xem thử điều kiện kinh tế mình có phù hợp hay không chứ đừng để cho sau đám cưới mà khổ sở vì trả nợ, đến lúc đó thì vui đâu không thấy, chỉ thấy bất hòa, cãi vã và mệt mỏi mà thôi.
Theo webtretho
Xem thêm video người đàn ông đánh phụ nữ dã man ngoài đường