Tôi năm nay 30 tuổi, tôi chuẩn bị bước sang tuổi 31. Nếu gọi sang chảnh thì tôi vẫn còn độc thân, còn nếu nói phũ hơn thì tôi là gái ế.
Có lẽ tôi cũng giống như rất nhiều những người trẻ ngày nay, chúng ta sợ Tết. Chúng ta sợ phải đối diện và trả lời những câu hỏi khi nào cưới chồng? Bao giờ lấy vợ? Sao mãi không chịu cưới?.
Chúng ta sợ những mâm cơm chất đầy món, ăn thì chẳng ai ăn, nhưng vẫn cứ phải bày biện ra, để lại phải dọn.
Đã nhiều lần tôi có ý định sẽ “đào tẩu” vào dịp Tết. Tôi lên kế hoạch sẽ đi du lịch vào dịp Tết. Tôi sẽ up hình facebook, checkin sang chảnh ở một nơi nào đó. Có thể tôi sẽ nhận được hàng nghìn like, vì cách sống hiện đại, cách sống tự do của tôi.
Thế nhưng tôi lại chưa từng một lần thực hiện kế hoạch đó. Vì cứ tới khi cận kề Tết, nghe những bài hát chúc xuân, nghe những bài hát chúc mừng năm mới tôi lại cảm thấy nôn nao.
Tôi muốn được trở về nhà cùng bố tôi nấu nầu bánh chưng thật to. Tôi muốn được trở về nhà để cùng mẹ tôi đi chợ chiều 30 Tết. Sẽ mua rất nhiều hoa, rất nhiều quà, rất nhiều bánh. Vui lắm!
Tôi muốn được trở về nhà để cùng với bố mẹ và anh trai, ngồi ăn mứt, ăn hạt hướng dương, xem chương trình Táo quân để chờ đón Giao Thừa.
Tôi muốn được trở về nhà để cùng các cô chú và mọi người đi tới nhà họ hàng chúc Tết vào buổi sáng mồng một. Chúng ta, nhất là những đứa con xa nhà đâu biết rằng, bố mẹ ta, mong được tới Tết tới chừng nào.
Vì với bố mẹ: Tết đơn giản nghĩa là các con sẽ về nhà đông đủ.
Nếu các con không về, bố mẹ sẽ không có Tết. Tôi đã chứng kiến, gia đình hàng xóm ở cạnh nhà tôi. Có những năm con cái làm ăn xa nhà, chẳng ai về ăn Tết với bố mẹ. Tết năm đó, cô chú ấy thậm chí chẳng mua bánh chưng, cũng chẳng làm gì cả.
Cô chú ấy bảo, không có đứa nào về nên cũng chẳng muốn bày vẽ. Làm ra có ai ăn đâu, nhìn mâm cơm thì càng tủi thân hơn mà thôi.
Những người trẻ! Chúng ta luôn mơ ước được đi tới nhiều nơi. Chúng ta bận rộn, bởi vậy, chúng ta nghĩ rằng cả năm làm việc vất vả, Tết phải tranh thủ đi chơi. Khám phá chỗ này chỗ kia, chụp ảnh checkin khoe chiến tích với bạn bè.
Nhưng có khi nào, chúng ta tự hỏi, bố mẹ của mình năm nay đã bao nhiêu tuổi rồi? Bố mẹ còn được khoẻ mạnh để cùng chúng ta đón Tết thêm bao nhiêu lần nữa đây?
Chúng ta dạy nhau rằng tuổi trẻ phải sống với ước mơ, với hoài bão của mình. Hãy sống cho mình chứ đừng sống cho người khác. Vì thế chúng ta thích lên là làm, làm theo ý mình. Chúng ta không sai, nhưng có lẽ chúng ta đã quá tệ, quá vô tâm, quá ích kỉ.
Cho dù chúng ta ở nhà cả năm với bố mẹ, nhưng Tết, nếu chúng ta bỏ bố mẹ lại, và xách vali cầm hộ chiếu đi chơi. Bố mẹ dù chẳng ngăn cản đâu, vì bố mẹ sẽ tôn trọng chúng ta. Vì chỉ cần chúng ta thấy vui bố mẹ sẽ vui.
Nhưng tôi tin rằng, bố mẹ sẽ chạnh lòng lắm khi hàng xóm nhà bên, Tết đến, cháu con quây quần đông đủ. Nhà mình thì Tết sao lại vắng vẻ thế này.
Mẹ tôi thường nói “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Dường như sự vị tha và yêu thương vô điều kiện là bản năng của Cha Mẹ. Còn ích kỉ và vô tâm là thói quen của chúng ta – những đứa con.
Tôi thích câu “đi để trở về” mà nhiều bạn trẻ bây giờ đang truyền tai nhau. Đúng, chúng ta thích đi rất nhiều nơi, thích phiêu du cùng bạn bè đó đây, nhưng Nhà là nơi để chúng ta trở về.
Hãy đi, hãy theo đuổi đam mê của mình, sống một cuộc đời thật hoài bão và tự do. Nhưng nếu có thể, thì Tết hãy về nhà để đoàn viên với bố mẹ. Vì cứ đến Tết là bố mẹ của chúng ta lại già đi. Thời gian trôi nhanh lắm chúng ta biết không? Những người trẻ?.
Tết là để trở về, là để đoàn viên. Bởi nếu các con không về, bố mẹ sẽ không có Tết.
Theo Trí Thức Trẻ