“Nghe sư Phúc nói: ‘Cứ yên tâm để mẹ con nó ở đây, sống tôi nuôi, chết tôi chôn’, gia đình tôi không nghi ngờ gì, nghĩ chùa chiền là chốn yên bình để con tôi bình tâm trở lại. Ngờ đâu…”.
Báo phụ nữ vừa nhận được đơn kêu cứu của chị Lê Thị Hào (SN 1984), ở thôn Lương Xá Nam, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương, về việc gia đình chị gửi con trai cho một vị sư thầy ở huyện Kinh Môn để đưa chị đi chữa bệnh. Sau đó, đứa trẻ bị đưa sang một ngôi chùa khác ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Suốt một năm qua, gia đình chị nhiều lần xin đón con về, nhưng sư trụ trì đòi phải nộp 100 triệu tiền “chuộc”.
Gửi con là… mất luôn
Vốn là người có sức khỏe yếu, nên sau gần một năm trời vừa nuôi con gái, vừa cùng mẹ ruột lặn lội tìm con trai, chị Lê Thị Hào kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác. Bà Cao Thị Lộc (mẹ chị Hào) kể: “Hào lấy chồng tận Bình Thuận. Chồng bị nghiện, gia cảnh khó khăn nên thường xuyên đánh đập vợ con. Khi Hào mang thai đứa con thứ hai, chúng tôi phải đón mấy mẹ con về Hải Dương lánh nạn. Tâm lý Hào hoảng loạn, nên gần như một tay tôi nuôi cháu Nguyễn Thiện Nhân.
Thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, bà Hứa Thị Len, một người họ hàng, đang trụ trì chùa Văn Tiên, ở thị trấn Kinh Môn, Hải Dương (pháp danh là Thích Đàm Phúc), bảo tôi đưa mẹ con Hào đến chùa nương nhờ cửa Phật.
Sư Phúc nói: “Cứ yên tâm để mẹ con nó ở đây, sống tôi nuôi, chết tôi chôn”. Gia đình tôi không nghi ngờ gì, nghĩ chùa chiền là chốn yên bình để con tôi bình tâm trở lại. Ngờ đâu…”.
Bà Lộc kể tiếp: “Sư Phúc không cho Hào đưa cháu Thiện Nhân cùng đến chùa nên tôi phải nuôi cháu, dù lúc đó cháu chưa đầy tuổi. Hào cùng con gái là Yến Nhi đến chùa ở được một thời gian thì Hào lên cơn co giật, ngã vào bếp lửa, bị bỏng nặng.
Sư Phúc điện thoại yêu cầu người nhà vào đưa Hào đi bệnh viện. Tôi nói với sư: “Nhà neo người, không biết gửi thằng bé Thiện Nhân cho ai trông”. Sư Phúc lại bảo: “Cứ để thằng bé đó nhà chùa sẽ lo”. Rồi sư Phúc cùng một đệ tử đến nhà tôi đón cháu đi.
Tôi nghĩ, sư Phúc sẽ đưa cháu Thiện Nhân (lúc đó 15 tháng tuổi) về chùa trông nom khi gia đình tôi đưa mẹ cháu đi bệnh viện, không ngờ một tháng sau, tôi quay lại tìm cháu, chỉ nghe sư Phúc buông một câu: “Tôi cho nó đến ở chỗ sướng rồi”.
Ông Lê Văn Tích (chồng bà Lộc) bức xúc: “Gia đình tôi đòi đón cháu Thiện Nhân về, sư Phúc cứ dối quanh, lúc nói đã cho cháu đến chùa ở Hải Dương, lúc bảo cháu ở Thái Bình, rồi ở tận miền Nam… Chúng tôi phải gửi đơn yêu cầu Công an thị trấn Kinh Môn giúp đỡ, sư Phúc mới cho biết đã gửi cháu Thiện Nhân sang chùa Sùng Đức, thuộc thôn Cao Kênh, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và nói: “Muốn đón cháu về thì phải có tiền chuộc, trả công cho nhà chùa đã nuôi cháu thời gian qua”. Gia đình tôi làm lớn chuyện, sư Phúc mới chịu dẫn chúng tôi đến chùa Sùng Đức gặp sư Thích Diệu Hữu để tìm cháu Nhân”.
Trẻ có gia đình hóa mồ côi
Bà Lộc và chị Hào cùng đi với sư Phúc đến chùa Sùng Đức, thì sư Phúc lại nói, sư Hữu đã đưa cháu Thiện Nhân đi chơi, không biết lúc nào mới trở lại chùa, khuyên mẹ con bà Lộc quay về và bỏ mặc hai mẹ con lại đó.
Chị Hào kể: “Mẹ con tôi cố chờ đợi. Một ngày sau thì thấy sư Hữu bế con tôi về chùa. Sư Hữu không chịu trả con cho tôi và nói: “Giờ nó đã là con của nhà chùa. Sư Phúc đã cho sư Hữu toàn quyền nuôi cháu, muốn nhận lại phải có tiền chuộc”. Mẹ con tôi khóc hết nước mắt, van xin khản cổ, sư Hữu vẫn xua đuổi chúng tôi, không cho nán lại chùa”.
Gia đình bà Lộc nghèo khó, không thể có 100 triệu để “chuộc” cháu, nên đành chấp nhận thỉnh thoảng đến thăm cháu ở chùa Sùng Đức, chờ các sư nghĩ lại. Có lần, sư Hữu đến tận nhà bảo ông Tích và bà Lộc là cháu Thiện Nhân ốm đau suốt nên gia đình cứ yên tâm để nhà chùa nuôi dưỡng, khi nào cháu khỏe mạnh lại chùa trả cháu về nhà.
Để làm vậy, ông bà phải “cúng” giấy khai sinh lên chùa, dâng cháu lên đức ông để chùa xin ngài ban phước lành cho cháu. Tin lời, bà Lộc đã đưa giấy khai sinh của cháu cho sư Hữu. Một thời gian sau, thấy việc thăm nom cháu bị cản trở, bà Lộc mới hiểu là mình đã bị lừa.
Bà Lộc nói: “Gần đây, gia đình tôi được biết, cháu Thiện Nhân đã biến thành trẻ mồ côi, bị đổi tên thành Trần Mạnh Hùng (sinh ngày 23/1/2014), đăng ký theo hộ khẩu của sư Thích Diệu Hữu tại xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Khi đăng ký đổi tên, sư Hữu đứng tư cách là mẹ đẻ”. Gia đình bà Lộc đã viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương và Hải Phòng đề nghị làm rõ số phận cháu Thiện Nhân.
Phải rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được với sư Hữu, trước sự chứng kiến của Công an xã Hợp Thành. Sư Hữu cho biết đã nhận nuôi bé Nguyễn Thiện Nhân thông qua sư Phúc ở chùa Vân Tiên – Kinh Môn và thừa nhận đã “phát” giá 100 triệu nếu gia đình chị Hào muốn đón cháu về. Sư Hữu khẳng định: “Làm phúc thì tùy cái, chứ không phải cái gì cũng làm phúc. Số tiền đó chỉ là công tôi nuôi cháu thời gian qua”.
Ông Đoàn Ngọc Thiện – Trưởng Công an xã Hợp Thành ái ngại: “Qua phóng viên tôi mới biết sự thật. Sư Hữu hiểu nhân thân của cháu Thiện Nhân nhưng vẫn làm thủ tục biến cháu thành trẻ mồ côi nhặt ở cổng chùa là việc làm không thể chấp nhận. Hiện sư Hữu đăng ký hộ khẩu, giấy khai sinh cho cháu Thiện Nhân là Trần Mạnh Hùng và vì là trẻ mồ côi nên cháu được hưởng trợ cấp xã hội. Ngoài cháu Thiện Nhân, sư Hữu còn đang nuôi nhiều cháu bé khác. Tất cả đều khai là trẻ mồ côi…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Đức – Chủ tịch UBND thị trấn Kinh Môn cho biết: “Chùa Vân Tiên nơi sư Phúc trụ trì đang nuôi giữ rất nhiều trẻ em. Về trường hợp cháu Thiện Nhân chúng tôi không được sư Phúc trình báo. Nhà chùa không đăng ký tạm vắng tạm trú với chính quyền về trường hợp cháu bé này. Khi gia đình cháu Nhân phản ánh sự việc, chúng tôi đã cử công an thị trấn xác minh. Sư Phúc đang chối cãi những việc liên quan đến cháu Thiện Nhân. Chúng tôi cũng chưa có bằng chứng về sự liên quan giữa sư Phúc và sư Hữu”.
Ngày 5/10/2016, để xác định mối liên quan giữa sư Phúc và sư Hữu, chúng tôi vào vai người nhà chị Hào, muốn trả tiền “chuộc” cháu Thiện Nhân. Trao đổi với sư Thích Đàm Phúc, trụ trì chùa Vân Tiên, chúng tôi được “rỉ tai” là phải khuyên chị Hào rút đơn tố cáo, gia đình chẳng có bằng chứng gì về sư Phúc đem cháu cho sư Hữu, làm ầm lên như thế cũng không đòi được cháu.
Sư Phúc nói: “Tôi được một anh phật tử ở công an tỉnh tư vấn rồi, tôi không có liên quan nên chẳng việc gì phải sợ về mặt pháp luật cả. Chị có thiện chí thì sang nói khó với sư Hữu ở chùa Sùng Phúc, trả người ta tiền công nuôi dưỡng rồi đón cháu về. Gia đình không nuôi được cháu, tôi phải liên hệ khắp nơi mới có người nhận nuôi cho, giờ rõ là làm phúc phải tội. Trả tiền cho người nuôi con cháu mình là đúng rồi. Nhà chùa làm phúc thì cũng phải đúng mới làm chứ” (!).