Theo GS Nguyễn Lân Dũng, CSGT phải đứng ở vị trí dễ quan sát để hướng dẫn người tham gia giao thông, nhưng nhiều CSGT lại núp dưới gầm cầu, gốc cây để rình phạt”.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 171/2013) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Dự thảo mới hướng tới ba mục tiêu chính: tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng; mô tả lại một số quy định chưa rõ gây ra những cách hiểu khác nhau; bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi trong thực tế gây nguy hiểm tới an toàn giao thông nhưng trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt.
“Hà Nội lộn xộn nhất trong các thành phố”
GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học-Giáo dụccủa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu lên con số trung bình mỗi ngày có 30 người chết vì tai nạn giao thông và nhấn mạnh con số này hầu như trong nhiều năm nay không thay đổi.
“Tôi nhớ trong một kỳ họp Quốc hội, có đại biểu phát biểu số người chết không tăng như thế là tiến bộ vì dân số thì tăng lên. Nhiều đại biểu không đồng tình với phát biểu “vô cảm” về những cái chết do tai nạn giao thông. Cho nên việc đổi mới, có các chế tài xử phạt để hạn chế tai nạn giao thông là rất cần thiết”- GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Tuy nhiên GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, dự thảo có nhiều bất cập vì quá dài và không có phương pháp để cho người dân dễ hiểu. “Chúng tôi ngồi đây, cầm một tập dày như thế này và nghe đại diện Ủy ban an toàn giao thông báo cáo mà cũng không thể nhớ được thế thì làm sao người dân biết được. Vì thế việc quan trọng đầu tiên là phải tuyên truyền để mọi người hiểu rằng, phải tôn trọng luật lệ giao thông, đã vi phạm giao thông là sai luật và sẽ bị phạt”.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng băn khoăn khi tham gia giao thông, có thành phố thì an toàn giao thông rất cao, có thành phố thì rất mất an toàn. “Tôi vào Đà Nẵng và không bao giờ thấy xe máy đi trước mặt ô tô. Ô tô một làn, xe máy một làn. Ở Hà Nội, xe máy cứ phóng vèo trước mặt ô tô, mặc dù đường còn rộng. Vậy quy định như thế nào để kiểm soát được tình trạng này thì trong dự thảo không có.
Hiện nay việc biển báo, phân làm đường đang làm khó người tham gia giao thông, biển báo treo thì ở trên cao, nhiều khi khuất tầm nhìn. Cũng cần phải có thêm một điều khoản về phân làn đường. Nếu đường nào rộng phải kẻ đường riêng cho xe máy, ô tô. Việc này rất quan trọng vì Hà Nội nhiều khi đi không nổi. Hà Nội lộn xộn nhất trong các thành phố. Cần phải tập trung làm thí điểm về giao thông ở Hà Nội”.
Mức phạt phải phù hợp với mức thu nhập của người dân
Theo dự thảo, người đi xe máy đi vào đường cao tốc bị phạt 2-3 triệu đồng tùy tốc độ, bị tước giấy phép lái xe có thời hạn (trước là 200.000-400.000, không bị tước giấy phép). Cùng với đó xử phạt người đi bộ; vượt quá tốc độ; tăng mức xử phạt đối với xe quá tải trọng (lái xe bị phạt 8-12 triệu đồng nếu quá tải trọng 50%; chủ xe cũng bị phạt nặng).
Việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ôtô sẽ bị phạt 600.000 – 800.000 đồng. Xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên bị xử phạt 800.000 đến 1,2 triệu đồng. Dự thảo cũng đưa ra quy định mới buộc tất cả người ngồi trên ôtô phải thắt dây an toàn, xử phạt xe chạy trên hè phố…
Dự thảo cũng đề xuất sẽ tăng mức xử phạt về vi phạm nồng độ cồn; tốc độ; giao thông trên đường cao tốc. Với nồng độ cồn, sẽ có 3 mức đối với xe ô tô; 2 mức đối với xe máy.
Với người lái ô tô, dự thảo đề xuất phạt tiền 2-3 triệu đồng khi vi phạm dưới 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở; phạt từ 8 đến 12 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở (mức 2), bị tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng (mức cũ phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng); mức cao nhất là với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ phạt tiền 16-18 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước…
Người điểu khiển môtô, xe gắn máy cũng chịu mức phạt từ 4 đến 6 triệu đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, bị tước giấy phép lái xe 4-6 tháng…
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, không phải cứ phạt tiền nhiều thì giải quyết được. “Tôi cho rằng, những người soạn thảo những quy định này chưa hiểu được mức lương hiện nay của người Việt Nam là bao nhiêu.
Ở cơ quan tôi mức lương cao nhất là lương Tiến sỹ, kể cả ở Đức, Mỹ, Nhật về cũng chỉ có 3,5 triệu đồng/tháng. Với mức lương như thế mà phạt 8-10 triệu đồng do uống bia vi phạm giao thông thì họ không có tiền. Nếu đứng ở cạnh quán bia để phạt thì mỗi tuần thu vài tỷ là bình thường.
Trong dự thảo ghi mức cồn để bị phạt như thế là quá thấp, chỉ cần uống một chai bia là có nồng độ cồn như vậy. Như vậy, 100% người ở quán bia ra đều bị phạt. Vậy có đủ dụng cụ để đo không? Nếu không đủ thì lúc phạt lúc không, người phạt người không phạt sẽ không công bằng”.
Phải có quy định phạt nặng “anh hùng núp”
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, phạt vi phạm giao thông cần phải thêm 2 đối tượng là cán bộ của ngành giao thông và cán bộ ngành công an. Nếu đề ra quy định mức phạt 250.000 đồng không ghi biên bản, không chắc rằng số tiền đó được nộp cho Nhà nước. Đã có những clip truyền hình quay cụ thể việc công an “đút túi” tiền phạt, nên việc này nó liên quan rất lớn đến ngành công an.
“Trong 3 kỳ là đại biểu Quốc hội, tôi đã đi thăm nhiều trại giam và thấy nhiều cán bộ trong ngành rất vất vả, thậm chí hy sinh tính mạng vì nhiệm vụ, nhưng một bộ phận CSGT đang làm xấu đi hình ảnh của ngành công an. Làm thế nào để hạn chế được tình trạng “anh hùng núp” đang khá nhiều hiện nay. CSGT phải đứng ở vị trí dễ quan sát để hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng làn đường, nhưng nhiều CSGT lại núp người gầm cầu, gốc cây để rình phạt”- GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, trong thời gian rất dài vừa qua, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông do không có đường chắn tàu hỏa, đèn tín hiệu hỏng. Vậy lỗi này phải thuộc về ngành giao thông. “Trong dự thảo phải có quy định phạt nặng những cán bộ trong ngành giao thông vì họ tạo ra môi trường gây tai nạn giao thông”.
Nguồn: Nguoiduatin.vn
Video: Chữa khỏi bệnh dạ dày đơn giản qua bài thuốc của bác ấy chuyên đi làm phúc.