Những bức ảnh tình cờ ghi lại về cuộc sống bình dị, thân thuộc luôn mang tới ấn tượng sâu sắc cho người xem. Và giữa những ngày giáp Tết, những bức ảnh này sẽ khiến tim bạn chùng xuống.
Bức ảnh khiến người xem thêm động lực để cố gắng mỗi ngày
Chủ nhân của những bức ảnh chụp hai bố con người thợ sửa xe ven đường là Ngô Trần Hải An. Anh được biết đến với vai trò là một phóng viên ảnh đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời còn khá nổi tiếng trong cộng đồng phượt thủ.
Hải An là một trong những “phượt thủ” giàu kinh nghiệm của miền Nam, đi nhiều nơi trên đất nước và là người đầu tiên khám phá những cung đường phượt mới như: Mốc biên giới 79 cao nhất Đông Dương, mốc 42 cao thứ hai Đông Dương, cực đông, núi Tà Chì Nhù, Hòn Hải…
Cũng chính nhờ thú đam mê đi đây đi đó và ghi lại những khoảnh khắc đẹp, ý nghĩa trong cuộc sống bằng ống kính của mình đã giúp Ngô Trần Hải An sở hữu một gia tài với nhiều bức ảnh đời thường ấn tượng, được cộng đồng mạng đặc biệt yêu thích.
Anh chia sẻ về hoàn cảnh chụp những bức ảnh ghi lại cảnh hai bố con người thợ sửa xe đang ngồi ăn vội bát cháo giữa trưa, ngay tại vỉa hè cũng là nơi họ đặt một vài món đồ nghề để làm việc:
“Hôm ấy là giữa trưa, khi đến đoạn ngã tư Nam Kì Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu, đang dừng đèn đỏ thì mình nhìn thấy hai bố con chú đang ngồi ăn vội bát cháo trên vỉa hè.
Mình trông thấy liền vội vàng tấp xe vào lề đường và lôi máy ra chụp. Nhưng không muốn làm phiền đến giây phút ăn uống, nghỉ trưa ít ỏi của họ nên mình chụp vu vơ một vài hình rồi mới nép vào chỗ khuất chụp ảnh hai bố con, mong muốn bắt trọn những giây phút tự nhiên, “đời” nhất”.
Khi về nhà, Hải An kể lại câu chuyện xoay quanh bức ảnh, khiến nhiều người không khỏi xúc động và suy ngẫm: “Sáng nay chạy qua Quận 7 làm phóng sự, choáng với cặp khế cảnh 12 tỷđang được bày bán.
Trưa về bắt gặp hai cha con xì xụp ăn vội bátcháo mấy ngàn. Vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. Thấy vui vui, thôi mình cũng kiếm gì ăn rồi cày tiếp. Ngày cuối năm rồi, vớt vát miếng nào hay miếng nấy!”
Được biết, gia đình của hai bố con người thợ sửa xe ở quê khá khó khăn, nên em bé không được đi học mà phải lên thành phố, hằng ngày lại theo bố lên đi sửa xe. Rồi cứ đi 4 – 5 ngày đến 1 tuần mới về phòng trọ một lần.
Quả thật, trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, giữa những ngày Tết đang cận kề, người ta vội vã, chen chúc giữ phố xá, dường như ai cũng muốn nhanh chóng chọn được cho mình một vài bộ áo quần đẹp nhất, những chậu cây, hoa cảnh khéo nhất để chơi Tết.
Thế nhưng đối lập với cuộc sống đủ đầy ấy, thì đâu đó vẫn còn những mảnh đời đang vất vả mưu sinh, Tết với họ dường như cũng chẳng khác ngày thường là bao khi họ không có điều kiện để sắm sửa, vui chơi ngày Tết.
Tết – có chăng là những ngày họ cố gắng làm nhiều hơn, kiếm thêm chút ít trang trải cuộc sống.
Thước hình mà chàng phóng viên ảnh ghi lại được mọi người chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người nhận xét rằng những câu chuyện và hình ảnh rơi nước mắt luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.
Nhưng đối với những tấm ảnh này, nó không hề gợi cho người xem cảm giác buồn bã mà có lẽ, mỗi chúng ta đều cảm thấy thêm mạnh mẽ, có động lực để cố gắng như hai bố con người thợ sửa xe, và thấy cuộc đời đáng yêu, đáng sống, đáng để mỗi người trân trọng hơn những gì mình đang có.
“20 năm sau bạn sẽ hối hận về những gì chưa làm hơn những gì bạn đã làm”
Đó là câu nói của Ngô Trần Hải An, được nhiều bạn trẻ rất tâm đắc: “20 năm sau bạn sẽ hối hận về những gì chưa làm hơn những gì bạn đã làm.
Hãy xách ba lô bước ra khỏi bến đỗ an toàn để khám phá thế giới xung quanh, để thấy bạn trưởng thành từ những bước chân nhỏ bé, để sống lắng nghe, yêu thương và sẻ chia hạnh phúc”.
Hải An là kho kiến thức sống về du lịch, cố vấn các cung đường, tư vấn trên truyền hình và nếu cần, các phượt thủ khác thường gọi điện nhờ hướng dẫn hoặc phái người đến cứu hộ khi gặp nguy hiểm.
14 năm đi “phượt”, đã giúp ảnh thay đổi rất nhiều. Có nhiều trải nghiệm sống hơn, trưởng thành hơn, hiểu được nhiều hơn về các vùng miền văn hóa, những mảnh đất và con người khác nhau.
“Đi nhiều, và chia sẻ cũng nhiều hơn. Mình đã được gặp rất nhiều người tốt giúp đỡ mình dọc đường, dù họ chỉ là người hoàn toàn xa lạ, thì khi trở về, không cớ gì mà mình không giúp đỡ những người mình gặp.
Chính họ đã thay đổi con người phố thị trong mình và các bạn khác, thay vì sống dè chừng, mạnh ai nấy sống, thì họ đã làm cho chúng mình phải suy nghĩ về lòng tốt và sự trong sáng của họ, để rồi cảm nhận nhiều hơn, cho đi nhiều hơn…” – Hải An tâm sự.
Đối với chàng trai đam mê xê dịch này, ban đầu anh đi vì muốn ngắm cảnh đẹp, nhưng theo thời gian, nhiều điều đã thay đổi. Đi “phượt” khiến anh trưởng thành hơn, hiểu biết, sự tự tin tăng lên.
Chàng phượt thủ chia sẻ: “Nhờ những người xa lạ giúp đỡ, mà khi trở về thế giới đang sống, cách nhìn nhận con người và sự việc trong mình cũng khác.
Đến những vùng Tây Bắc, gặp những người đồng bào, dù không biết mình là ai, họ vẫn cho ăn, dành chỗ ngủ tốt nhất cho khách… Họ đã dạy cho mình những bài học về cuộc sống”
Chính “xê dịch” giúp anh nhìn thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Không chỉ riêng anh, hầu hết những người đi khi trở về đều là những người cởi mở, vị tha, sẵn sàng giúp đỡ người khác, suy nghĩ cũng không hạn hẹp cá nhân như trước, và đặc biệt, làm từ thiện rất nhiều.
Theo WTT
Xem thêm: Tết Facebook hay Tết gia đình?