Thay vì đi “đường thẳng” vào đại học, nhiều người đã lựa chọn đi “đường vòng” qua các hệ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng… Họ đổ tiền bạc, thời gian vào “sự học” chỉ lấy tấm “vé vàng” bằng cử nhân để xin việc. Thế nhưng, chuyện đã khác…
Công nhân tuyển dụng thạc sĩ
Quê ở Hà Tây, hai chị em Hà cách nhau 1 tuổi, nhưng tính tình lại trái ngược. Hoa là chị, học giỏi và tính tình thùy mị. Hà kém chị một tuổi, nhanh nhạy hơn nhưng mức học chỉ trên trung bình.
Năm 2012, khi Hoa chuẩn bị là sinh viên năm 2 đại học khối C thì Hà chấp bút đăng ký vào một trường cao đẳng theo yêu cầu bắt buộc của bố mẹ. Sau kỳ học đầu tiên, không có hứng thú nên Hà quyết định ở nhà đi làm công nhân tại một công ty Nhật.
Quan niệm về bằng cấp vẫn bị coi trọng hóa ở quê, trái ngược với cái nhìn không thiện cảm với Hà thì Hoa luôn là tấm gương sáng của cả gia đình.
Ra trường với tấm bằng đỏ, được sự động viên của mọi người, Hoa tiếp tục đăng ký học cao học để mong lấy được bằng thạc sĩ, mang danh giá cho gia đình.
Thế nhưng, danh thì có, giá lại chẳng thấy đâu. Cầm tấm bằng thạc sĩ, Hoa chật vật gửi hồ sơ khắp nơi cũng không xin được việc. Gần một năm trời làm đủ việc tạm thời như bưng bê, thu ngân, viết luận án thuê, cuối cùng, Thạc sĩ văn học cũng được nhận vào làm biên tập cho một trang tin điện tử về phụ nữ với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, không có chế độ hay ăn trưa.
Chi phí thuê phòng trọ, sinh hoạt đắt đỏ trên đất Hà thành, với mức lương hiện tại, Hoa phải ki cóp lắm mới đủ. Bố mẹ có gợi ý xin một “chân” giáo viên trung học biên chế ở quê nhưng phải mất gần 400 triệu đồng nên cô không đồng ý. Bởi chi phí cho “sự nghiệp lấy bằng danh giá” đã khiến kinh tế gia đình làm nông lụi bại.
Trái ngược với chị gái, Hà – em gái Hoa lại có cuộc sống sung túc ở quê. Với 7 năm kinh nghiệm, Hà được lên chức trưởng nhóm, tổ trưởng rồi chức trưởng phòng. Cô còn được công ty cho học tiếng Nhật, có bằng N3, được hỗ trợ thêm 3 triệu/tháng, với mức lương trên 10 triệu đồng cùng các phụ cấp và bảo hiểm khác.
Công ty gần nhà nên Hà chẳng mất tiền thuê nhà, hay các chi phí phát sinh, tháng nào cũng tiết kiệm được 7-8 triệu đồng.
Khi thăm chị ở Hà Nội, thấy cực chẳng đã, Hà thuyết phục chị vứt bỏ 2 chữ “danh giá” ảo tưởng về quê làm ở công ty mình, mức lương khởi điểm cho công nhân cơ bản cũng được hơn 4 triệu đồng chưa kể tăng ca và phụ thu.
Đốt tiền vào “bằng cấp”, lương 1,5 triệu đồng/tháng
Đổ tiền bạc, thời gian vào học lấy bằng không phải là câu chuyện cá biệt của chị gái Hà, mà không ít người vẫn chưa thoát khỏi những quan niệm và gánh nặng về 2 chữ “bằng cấp”.
Khi thấy học sinh trong làng ngoài xã túa đi học cao đẳng, đại học thì ông Hải, bà Quỳnh (Thái Bình) ra đứng vào ngồi vì đứa con duy nhất đã tốt nghiệp phổ thông, không đậu đại học vẫn nằm lì ở nhà.
Dù biết con không đủ sức đi “đường thẳng” vào đại học nhưng ông bà Quỳnh vẫn động viên con đi “đường vòng” qua hệ liên thông. Chiều lòng bố mẹ, Phượng gửi hồ sơ lên trường Trung cấp y Hà Nội.
Đúng với mong muốn của gia đình, sau gần 4 năm ròng đi “đường vòng” để có tấm bằng cao đẳng y dược, Phượng rải hồ sơ khắp nơi, từ bệnh viện đến phòng khám tư, tới các tỉnh vẫn không một hồi đáp. Thời buổi công việc khó khăn, đặc biệt ngành y cần bằng cấp và kinh nghiệm thấp nhất là đại học mới xin được việc, Phượng lại nghe theo bố mẹ, tiếp tục “mài đũng quần” dưới ghế nhà trường để chờ ngày lấy tấm vé xin việc.
Sau quãng thời gian “dùi mài kinh sử”, trượt lên trượt xuống, Phượng cũng sở hữu “vé vàng” cử nhân y học. Nhưng rốt cuộc, tấm vé ấy cũng không giúp cô gái quê lúa xin được một công việc nào ưng ý.
Được người bạn giới thiệu tới phòng khám tư trên đường Phạm Văn Đồng, Phượng không khỏi sốc khi mức lương học việc đã thương lượng chỉ 1,5 triệu đồng, không bao ăn.
Dù có bằng cử nhân ngành y, nhưng chưa có kinh nghiệm nên Phượng chỉ được làm việc vặt như bưng trà cho khách, ghi thông tin. Sau gần 1 tháng, công việc chuyên ngành duy nhất Phượng được làm là lấy men răng.
Với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, chưa đủ trả tiền thuê phòng trọ, Phượng bấm bụng làm 2 tháng rồi quyết định dọn đồ về quê.
Tốt đẹp thì khoe ra, xấu xa đậy lại. Dù gật đầu với hàng xóm mỗi khi nhắc tới con có bằng cử nhân ngành y, thế nhưng, bố mẹ Phượng không khỏi mệt mỏi và đổ lỗi do cơ chế.
Làm công nhân tại một công ty điện tử trên thành phố Thái Bình, có xe bus đưa đón tận nhà, chế độ bảo hiểm ăn trưa đầy đủ, Phượng được trả 4 triệu đồng cho khâu đứng máy.
Nhận lương tháng đầu tiên gần 5 triệu đồng (cả tiền tăng ca) – số tiền cao nhất từ trước tới nay kiếm được, Phượng đã khóc. Bởi đây là quãng thời gian hạnh phúc và ý nghĩa nhất mà cô gái Thái Bình cảm nhận được trong đời.
Dù không là quá muộn, thế nhưng, Phượng cho biết, sẽ chẳng bao giờ để con cái đời sau phải bước lại vết xe đổ của chính mình.