Có thể bạn đang thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống, ai cũng ngưỡng mộ và vây lấy bạn. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến cái ngày mình sa cơ vì bạo bệnh, xung quanh bạn sẽ còn những ai?
Nếu chưa nghĩ đến, hãy nghe câu chuyện đầy ý nghĩa sau đây.
“A lô anh à! Em đang đứng ngoài cửa, em vừa từ bến xe về đây, sốt ruột quá nên em phải chạy lên xem anh thế nào”.
“Bị điên à, đi về đi mưa gió tối tăm lặn lội mấy chục cây lên đây làm gì, về còn lo 2 đứa ở nhà kia kìa”.
Đọc hai câu hội thoại này, bạn đã lờ mờ đoán ra chủ thể trong câu chuyện là ai chưa. Vâng, là một người vợ lặn lội tận 30 cây số giữa trời mưa gió bão bùng để vào viện thăm chồng.
Nhiều năm trước, khi còn khỏe mạnh, anh chồng là một nhân viên tiếp thị. Nhờ chăm chỉ, anh kiếm được kha khá tiền hàng tháng, nên chi tiêu gia đình có phần thông thoáng. Một vợ, hai con, công việc ổn định, đi đâu anh cũng được bạn bè ngưỡng mộ, người quen chúc mừng. Anh lấy làm mãn nguyện và tự hào lắm.
Thế rồi đùng một cái, “gã” bệnh tật ghé thăm nhà. Chẳng lấy gì của anh, “gã” còn “ban” cho anh hai căn bệnh quái ác ở não và tuyến giáp. 4 lần mổ não, 1 lần mổ u giáp, người đàn ông lực điền mất hoàn toàn sức khỏe, không còn khả năng lao động trong phút chốc.
Kể từ đó, anh vật vã trong cơn đau, nằm xếp xó một chỗ, gánh nặng đổ dồn hết vào tấm vai gầy của vợ. Vậy là chưa hưởng phúc được bao lâu, người vợ phải gồng lưng nuôi chồng, chăm sóc hai con với đồng lương bán hàng chỉ vỏn vẹn 4-5 triệu đồng/tháng. Nếu trong hoàn cảnh ấy, bạn nghĩ mình chống chịu được bao lâu. Còn người vợ ở trên, cô ấy cầm cự đã được 10 năm rồi đấy.
5 lần anh lên bàn mổ, cô vợ chưa bao giờ rời nửa bước, dù gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn chầu chực bủa vây. Trong cơn thập tử nhất sinh, thấy mình trở nên vô dụng, nỗi đau đớn thể xác chẳng là gì với sự bất lực của một thằng đàn ông là hòn đá tảng làm khổ vợ con. Mở mắt ra, thấy vợ ngồi kề bên nắm tay mình thật chặt, anh tủi hổ, uất nghẹn từ đâu chực trào nơi khóe mắt.
Rồi anh nhớ lại, những người ngày xưa từng ngưỡng mộ mình, bạn bè thân thiết từng kề vai bá cổ với mình trên bàn nhậu, giờ này họ ở đâu. Bên cạnh anh giờ chỉ có tấm ga trải giường trắng, chiếc bình vô nước biển nhỏ từng giọt lách tách, sự mỏi mệt của vợ cùng nỗi lo lắng của hai đứa con. Hết rồi sao? Chẳng còn ai nữa sao? Nhận ra sự thật đau lòng ấy, mắt anh càng rớm lệ.
Nhưng không, vẫn còn một người nữa. Đó không phải bạn chí cốt, cũng không phải hàng xóm láng giềng, mà đó là… ông già người dưng nước lã giường bên cạnh. Ông ấy dúi vào tay anh 200.000 đồng mà chẳng chút do dự dù chỉ mới nghe câu chuyện qua đường, với lý do “có chút quà cho các cháu ở nhà”. Bất ngờ quá, anh sụt sùi. Ôm chầm lấy ông lão, anh cất giọng nghẹn ngào: “Bác ơi, tấm lòng của bác con xin nhận, nhưng con nhất quyết không cầm…”.
Không cầm vì lý do gì, chẳng ai biết cả. Bởi người kể, một bệnh nhân chung phòng với nhân vật đã kết thúc câu chuyện tại đây. Chắc có lẽ anh đã nhận ra thứ gì đó, thứ mà nếu không bạo bệnh anh cũng giống như người chồng, bị che mắt bởi cuộc đời giả tạo, tàn nhẫn.
Chẳng riêng gì anh, nhiều cư dân mạng như nhìn thấy chính mình, nên đồng cảm và ủng hộ kịch liệt chỉ trong vài giờ câu chuyện trên “lên sóng”.
Bạn Hằng Đỗ cảm động: “Tôi ngưỡng mộ chị ấy cũng như những người phụ nữ như vậy, những người sẵn sàng bên cạnh người đàn ông họ yêu trải qua bao hoạn nạn. Người đàn ông phải biết trân trọng người phụ nữ bên cạnh anh ta năm anh ta 20 tuổi. Bởi khi đó, là những năm tháng tối tăm nhất trong cuộc đời, không tiền, không sự nghiệp, còn đó lại là những tháng ngày rực rỡ nhất của một cô gái…”.
Bạn Trang Huyen thì lạc quan: “Ông trời lấy đi của anh sức khỏe, nhưng lại ban tặng anh một nguồn sống và nghị lực luôn bên anh và giúp anh vượt qua tất cả. Ông trời không phụ ai cả”.
Người ta thường bảo, lập gia đình như đeo gông vào cổ, không còn tự do sải cánh giữa bầu trời. Nhưng với người đàn ông trong câu chuyện trên, thứ mà anh đang đeo lại là một “chiếc gông vàng”. Mà chắc chẳng riêng gì anh, rất rất nhiều ngôi nhà ngoài kia, những người vợ, người mẹ vẫn ngày đêm miệt mài hi sinh, nâng khăn sửa túi cho người đàn ông của cuộc đời mình.
Bạn có đếm được đã bao lần mình ngây ngất trong men say, trở về nhà và nôn thốc xuống sàn, áo quần bẩn thỉu, nhưng khi tỉnh dậy lại tươm tất thơm tho. Bạn có ngồi nhẩm những lần mình mệt mỏi, cau có vì công việc, rồi khi trở về nhà nghe tiếng trẻ đùa vui thì mọi thứ tiêu tan. Còn “anh em”, họ đã làm gì cho bạn ngoài thúc giục vào cuộc nhậu, đẩy bạn vào quán karaoke rồi khi bạn đau mua cho vài lon sữa, đến hỏi han vài ba câu rồi mất hút.
Thật may khi “ông già người dưng nước lã” xuất hiện giữa lúc người chồng trong cơn tuyệt vọng niềm tin. Xã hội vẫn còn nhiều người tốt và giàu lòng trắc ẩn, có chăng là bạn vẫn chưa tìm ra. Thôi thì giữa lúc tù mù thật giả tốt xấu, cứ trân trọng “cái gông vàng” của mình trước đã. Bởi ngoài vợ con ra, biết có mấy ai còn ở cạnh ta khi nguy khốn.