Năm thứ 2 đi làm dâu, lại còn là dâu trưởng trong nhà, nên bà mẹ 1 con Minh Thu cũng có ít nhiều kinh nghiệm trong việc tính toán các khoản chi cho dịp Tết sắp tới.
Vừa hết giờ làm, tất tả đi chợ rồi về nhà cho kịp cơm chiều, chị Nguyễn Minh Thu (25 tuổi, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) chỉ mong một ngày có nhiều hơn 24 tiếng để quán xuyến thêm được nhiều thứ hơn.
Lập gia đình xong chị sinh liền một bé gái, thành ra bây giờ việc nhà bận rộn hơn trước rất nhiều.
Hồi còn độc thân thì Minh Thu chẳng phải lo nghĩ gì mấy, lúc nào đi làm về cũng có cơm mẹ nấu sẵn sàng, Tết tư bận rộn cỗ bàn thì cũng chỉ phụ giúp một xíu.
Giờ thì cứ bóc lịch đến tầm rằm tháng Chạp là chị bắt đầu phải ngồi bàn với chồng kế hoạch chi tiêu sắm Tết, tính toán đủ thứ.
Năm nay là cái Tết thứ 2 ở nhà chồng với vai trò dâu trưởng, Minh Thu đã có thêm chút kinh nghiệm trong việc chăm lo nhà cửa, quản lý tài chính, ra dáng bà nội trợ đảm đang.
Trước khi “hao hụt ngân quỹ” vì các khoản chi tiêu lễ tết, thì Minh Thu xứng đáng là mẹ bỉm xuất sắc khi có thêm nguồn thu nhập khác ngoài lương, từ việc buôn bán mỹ phẩm xịn từ Đức, Pháp, Nhật.
Thu chia sẻ: “Vì mình có người quen giúp đỡ nên cũng tranh thủ tập tành kinh doanh được mấy tháng, ngoài giờ làm ở cơ quan thì mình cứ chăm chỉ bán hàng online thôi, kiếm thêm chút ít để cho vào quỹ riêng hai vợ chồng.
Tết năm nay cũng hòm hòm, được bao nhiêu lãi mình gom để đấy, chờ đến Tết thì bỏ ra”.
Hai vợ chồng Minh Thu đã có thêm bé Chíp, bé được gần 2 tuổi rồi nên cũng tốn một khoản kha khá mua sắm cho con dịp Tết Âm lịch.
Hai vợ chồng ổn định công việc rồi, nhưng tổng thu nhập mỗi tháng tính cả 2 ví cũng không nhiều, chỉ tầm hơn chục triệu, Minh Thu cũng phải cân đối chi tiêu sinh hoạt hàng tháng khá nhiều.
Ở với bố mẹ chồng, ông bà khá dễ tính, thoải mái, không đòi hỏi con dâu phải quán xuyến mọi thứ, để 2 vợ chồng chị đi làm, việc nhà đã có osin, nhưng đến Tết thì họ nghỉ, nên bà mẹ trẻ đã rục rịch lên kế hoạch mua sắm, đi chợ luôn từ bây giờ.
Sau khi tổng kết, cân đối lại ngân quỹ thì Minh Thu đã thống nhất với chồng, Tết năm nay chi tiêu đơn giản, tiết kiệm, bởi ông bà hai bên cũng nhắn trước là ông bà tự sắm ít nhiều.
Ngoài ra, con nhỏ tốn kém bỉm sữa nên chị cũng mang tâm lý rất thực tế, như bao bà nội trợ khác, không muốn lãng phí vào mấy khoản màu mè phô trương, Tết đủ đầy là được, có dư dả thì để dành cho công việc khác quan trọng hơn sau này.
Quả là một bà mẹ thông minh, chu đáo, đúng “bệnh nghề nghiệp” kế toán luôn.
Những khoản chị Thu dự kiến bỏ ra mang tính chất khá truyền thống, đúng theo phong tục tập quán ngày Tết trong mỗi gia đình, bao gồm quà biếu nội – ngoại và lì xì. Chi tiết các khoản được chị Thu ghi ra như sau:
– 2 triệu: biếu bố mẹ vợ + quà Tết + hoa quả + chai rượu vang.
– 2 triệu: biếu bố mẹ chồng (hoa quả, thực phẩm, bánh kẹo ông bà đã mua sẵn).
– 5 triệu: tiền lì xì dự tính cho các cháu và em trong nhà, hàng xóm, người quen (50.000 – 100.000/ bao lì xì).
– 2 triệu: tiền điện thoại, xăng xe đi lại chúc Tết, đi lễ chùa đầu năm, du xuân với gia đình.
– 2 triệu: chúc thọ năm mới ông bà nội ngoại 2 bên.
– 3 triệu: mua quần áo, giày dép mới cho 2 vợ chồng và Chíp.
Tổng: 16 triệu.
“Chốt sổ” xong, bà mẹ một con không nén nổi tiếng thở dài. Chưa đến Tết đã thấy… “bay” mất 4 tháng lương ngồi văn phòng của chị.
Tuy nhiên, Thu không thấy tiếc rẻ gì cả, vì đó là những khoản cần thiết phải chi, bày tỏ tấm lòng đạo hiếu của phận dâu con trong nhà.
Ông bà nội ngoại cũng không thiếu thốn gì, dặn vợ chồng chị tiết kiệm cho tốt. Và may mắn hơn là vợ chồng chị không nợ nần gì, nên tiền trong nhà thoải mái thu chi.
Nhà chị Thu còn có mối hàng ở trong Đà Lạt, nên Tết năm nào cũng có đặc sản uy tín giá tốt từ trong đó chuyển ra, từ mứt Tết đến các loại rau củ… giúp chị cắt giảm được một món lớn khi đi chợ, hoặc mang đi biếu xén.
Nếu không, chắc chi phí đội lên phải tầm hơn 20 triệu, bởi bánh kẹo mứt Tết ngon, chất lượng tốt không bao giờ có giá rẻ.
Chị cũng có một vài bí kíp riêng để làm bà nội trợ thông minh, đó là tích cực ủng hộ thực phẩm sạch từ quê chuyển ra của bạn bè, đồng nghiệp.
Cứ thấy ai quảng cáo bán đặc sản vùng miền dùng cho ngày Tết với giá “hữu nghị”, rẻ hơn ở chợ là chị Thu đặt hàng ngay, tránh phải bon chen ngoài chợ mà lại sợ không an toàn, nhất là thịt lợn, thịt gà…
Ngoài ra, bà mẹ trẻ còn chăm chỉ trồng rau trên sân thượng, để cả gia đình có rau ăn Tết thả ga miễn phí.
Minh Thu cũng quán triệt tự cắt giảm mỹ phẩm, dùng hết những đồ đã có, bởi tự chị thấy mình tốn kém quá nhiều vào đống kem dưỡng, nước hoa, mặt nạ, quần áo… mà có khi chẳng bao giờ dùng đến.
Lắm lúc tiếc “quỹ riêng”, nên chị còn thỏ thẻ xin tiền chồng, bị ông xã mắng suốt nên Thu dần nghĩ, thôi thà đi bán còn hơn đi mua, thêm tiền vẫn tốt hơn là bỏ ra.
Trông thế thôi chứ bớt son phấn cũng bớt được mấy triệu đồng, để đó đút vào két, lúc nào hai vợ chồng đi du lịch còn sướng hơn.
Nghĩ đến đây, Thu hí hửng duỗi chân đi ngủ. Thế là tạm yên tâm rồi, đã có kế hoạch chi tiêu hợp lý, ông xã cũng gật gù, cứ vậy mà triển khai thôi.
Các mẹ các chị cũng có thể tham khảo danh sách chi tiêu dự kiến của Minh Thu, đối chiếu với tình hình nhà mình mà điều chỉnh cho phù hợp.
Theo Trí Thức Trẻ