Mấy ngày gần đây, những dòng chia sẻ về hoàn cảnh của một cụ bà ở Nghệ An của anh thợ điện đã làm không ít người bất ngờ về sự bất hiếu của những đứa con dành cho một bà mẹ già.
4 người con của cụ, gia cảnh ai cũng khá giả nhưng lại bạc đãi mẹ già ở cái tuổi hơn 80. Thậm chí họ còn cố ‘moi’ 10.000 đồng tiền điện của mẹ già nghèo khổ.
Con trai cố “moi” 10 nghìn/tháng tiền điện của mẹ già nghèo khổ
Chủ nhân của dòng chia sẻ đó là anh Lý Cường, hiện đang công tác tại trạm điện huyện Anh Sơn, Nghệ An. Anh Cường cho biết: “Hôm đó, cơ quan mình có việc về xã Thọ Sơn để sửa chữa điện. Bà cụ nghe thấy có thợ điện nên đi bộ vài cây số ra chỗ bọn mình làm để nhờ vả”.
Anh Cường cũng cho hay, đường đi về nhà cụ rất xa, nằm ngoằng nghèo trên sườn đồi, đường đi lối vào rất khó khăn: “Mình phải mất nửa giờ đồng hồ để đưa cụ về tận nhà. Nhà cụ khó đi lắm, vì vùng này toàn núi cao. Mình nghĩ cũng phục cụ thật, một thân một mình già cả đi đường núi ghập ghềnh như thế.”.
Toàn văn đoạn chia sẻ của anh Cường trên trang cá nhân:
“Cháu ơi! Bà nhờ các cháu tí được không?
Nghe tiếng gọi mình ngoảnh lại nhìn đập vào mắt mình là một cụ bà gầy gò và khắc khổ đang cả ngồi cả thở.
– Dạ. Bà nói đi ạ!
– Nhà bà mất điện ba hôm rồi, nhờ cháu vào sửa cho bà, rồi bà trả tiền công. Chứ mất điện bà đi không thấy gì ngã sưng cả trán. Rồi bà tháo khăn ra mình thấy một vết thâm to gần bằng bàn tay trên trán.
Thấy lạ mình gặng hỏi cụ: “Thế cụ ở một mình hay sao mà mất điện ba ngày rồi mà không có ai gọi thợ điện xã họ sửa cho?”.
Cụ ngồi ngẫm một chút có vẻ như do dự khi nói ra điều gì đó. Vừa lúc có bà đứng gần nói:
“Bà có bốn người con ở gần đây, đứa nào cũng cửa nhà khang trang nhưng cụ vẫn sống một mình từ khi ông mất.
– Dạ cụ chờ con tí làm xong đây rồi con vào sửa cho ạ.Ông mất năm 1992, từ đó con cái cũng cho bà ra ở riêng. Bà sống nhờ tiền trợ cấp của nhà nước. Thắp điện nhờ thằng con đẻ tháng nó lấy 10 nghìn đồng. Mất điện nhờ nó sửa mà nó bảo không biết sửa”.
Một lát sau nói cụ lên xe rồi mình đèo cụ về nhà. Nhà bà cụ nằm sâu nhất trong xóm cạnh bên bờ suối, cụ không chỉ nhà chắc có lẽ mình nghĩ đây là cái chòi canh mía của nhà nào đây.
Rồi cụ nói nhà trên đường là nhà con trai cụ mắc điện cách nhà cụ khoảng 60m. Sửa điện xong, cụ bảo hết bao nhiêu tiền cụ trả cho con. Mình cười trêu bảo cụ:”Hết hai trăm cụ ạ”.
Thấy vẻ bối rối của cụ mình cũng không đùa nữa rút tiền ra đưa cho cụ mấy trăm, bảo cụ mua cái gì mà ăn đi chứ ai nỡ lấy tiền cụ làm gì trời nó đánh chết à. Đang chuẩn bị lên xe đi, cụ hỏi một câu: “Sao nhà con tốt với bà thế?” Thấy vẻ mặt lo lắng rồi cụ rút trong túi áo ra một cái “ví” may bằng vải đếm đi đếm lại được có 36 nghìn đồng. Cụ bảo: “Bà có được từng này tiền nữa, hai anh em cầm tạm 30 nghìn cho bà xin, vì bà mấy hôm không nấu được cơm ra mua hai gói cháo ăn rồi!”
Chợt ngẫm, xã hội đầy người tốt hơn bọn con cụ à. Chỉ có con cụ là không phải người nên không được gọi là người xấu thôi”.
Cụ già bị các con bạc đãi là do khó tính?
Anh Lý Cường cho biết: “Mới hôm qua thôi quay lại thăm cụ thì cụ bảo đừng có đưa gì lên mạng nữa. Mình nghĩ chắc cụ sợ các con cụ đe dọa gì đó nên mới thế. Mình chỉ dám đứng ngoài hỏi thăm thôi vì nhà con trai cụ toàn chó nằm ngay bên cạnh”.
Nhà bà cụ tuềnh toàng được xây dựng tạm bợ, chỗ thủng chỗ vá bằng những ngọn lá chuối. Dưới cái rét thấu da, thấu thịt của mùa đông vùi núi miền tây Nghệ An, cụ vẫn co ro trong cái rét với một chiếc áo mỏng tang. Anh Cường cho biết: “Nhiều người dân biết chuyện cũng cho cụ tấm áo hay nắm gạo”.
Phóng viên báo Người Đưa Tin ngay sau khi được anh Cường chia sẻ câu chuyện trên đã ngay lập tức liên hệ về địa phương thì nhận được câu trả lời của ông Nguyễn Văn Cảnh, trưởng công an xã Thọ Sơn.
Ông Cảnh cho biết: “Bà cụ này có tên là Vũ Thị Chặm, năm nay đã hơn 80 tuổi rồi. Cụ Chặm có 4 người con, 3 trai 1 gái thì ông con trai lớn khó khăn còn đâu các người con còn lại cũng có của ăn của để”.
Một bà mẹ có thể chăm cho cả một đàn con nhưng một đàn con chưa chắc đã chăm sóc cho mẹ già được như thế. Công cha, nghĩa mẹ như trời biển nhưng không phải gia đình nào cũng có những người con hiếu thảo với cha mẹ. Dù với bất cứ lý do gì mà để mẹ đã già cả phải sống cô quạnh, thiếu thốn như vậy vẫn thật đáng lên án và đáng btrách.
Ông này cũng cho biết, trước cụ Chặm có ở với mấy anh con trai. Nhưng hết anh cả đến anh út nuôi cụ song vì tuổi già, cụ khó tính nên anh em trong nhà dựng cho cụ cái túp lều để cụ sống một mình: “Mỗi tháng địa phương có hỗ trợ cụ Chặm 270.000 đồng/tháng. Sau khi biết sự việc, địa phương có mời ra đình họp và rút kinh nghiệm rồi”.
Theo Daikynguyen