Hình ảnh đáng thương của cụ bà gần 90 tuổi vẫn ngày ngày lọ mọ bán xôi mưu sinh bên góc phố giữa chốn ồn ào nơi thành thị khiến không ít cư dân mạng xót xa.
Trong cuộc sống đầy xô bồ và vội vã này, đôi khi ta vẫn bắt gặp hoàn cảnh vô cùng xót xa của những cụ già dù đã ở cái tuổi cổ lai hy nhưng vẫn phải mưu sinh kiếm sống hằng ngày.
Trên con đường Âu Dương Lân (quận 8, TP. HCM), hình ảnh của một cụ bà với mái tóc bạc trắng ngồi bên thúng xôi đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Trước đó, cư dân mạng cũng đã liên tục chia sẻ thông tin kêu gọi mọi người tới ủng hộ cụ.
Sau khi thông tin về cụ được chia sẻ, đã có rất nhiều độc giả bày tỏ sự quan tâm và tỏ ý muốn giúp đỡ, dù chỉ là bằng những hành động nhỏ nhất như mua xôi ủng hộ cụ mỗi buổi chiều.
Theo tìm hiểu, cụ tên là Nguyễn Thị Nổi (88 tuổi), quê gốc ở huyện Ba Tri (Bến Tre). Hình ảnh ấn tượng đầu tiên khi trông thấy cụ đó là mái tóc trắng bạc phơ, trên môi luôn hàm chứa nụ cười hiền hậu. Hàng ngày cụ Nổi đều mưu sinh bên thúng xôi ở đầu hẻm 90, đường Âu Dương Lân (quận 8, TP. HCM)
Những người dân sống quanh khu vực này đã quá quen thuộc với cụ. Ngày ngày, cụ bán từ 17h – 19h bởi theo lời cụ thì đó là thời điểm tiết trời Sài Gòn trở nên mát mẻ hát, cũng là giờ tan tầm, nhiều người đói bụng sau một ngày làm việc thì cụ mới bán được xôi.
Hoàn cảnh của cụ Nổi đã khó khăn từ nhỏ nên dù đã ở tuổi gần đất xa trời cụ vẫn phải còng lưng mưu sinh kiếm sống. Lên 14 tuổi, cha mẹ đột ngột qua đời khiến cụ và 5 anh chị em khác phải sống cảnh bơ vơ. Thời gian đó, cụ phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc để bươn chải trong cuộc sống. Đến năm 30 tuổi cụ lập gia đình. Sống ở quê nhà được một thời gian, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, năm 1968, cụ cùng chồng ngược Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán xôi và gắn bó đến bây giờ.
Chồng cụ mất sớm vì bệnh hiểm nghèo. Hơn 40 năm qua, công việc của cụ là ngày ngày quẩy gánh xôi nặng trĩu trên vai đi bộ từ nhà đến cầu chữ Y (quận 8, TP. HCM) để bán. Số tiền lãi ít ỏi từ gánh xôi đã giúp cụ chăm lo cho chồng và 2 người con bao nhiêu năm qua. Con trai đầu của cụ là ông Trần Văn Lân (đã qua đời ở tuổi 63), còn con gái Trần Thị Hồng (47 tuổi) giờ cũng tiếp nối nghề buôn bán xôi của mẹ.
Năm 2010, cụ phải chuyển địa điểm bán xôi về đường Âu Dương Lân do gặp phải những thành phần lưu manh, nghiện ngập thường xuyên cướp xôi của cụ.
Ở tuổi xế chiều, cụ vẫn luôn trăn trở, day dứt vì không thể lo cho con cuộc sống đủ đầy. Nhìn con gái phải nai lưng kiếm sống, chật vật mưu sinh, cụ lại thấy xót xa. Con gái cụ cũng từng có một mái ấm gia đình với một cô con gái nhưng người chồng sau đó đã bỏ đi, không đoái hoài đến vợ con. Từ khi con rể bỏ đi, cụ càng thương và chỉ muốn làm nhiều thêm để giúp con và cháu.
Hơn 40 năm qua, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, chẳng ngày nào cụ Nổi nghỉ bán. Khách đến mua xôi của cụ đủ mọi thành phần từ sinh viên nghèo, học sinh, công nhân, người làm văn phòng, khách nước ngoài…
Mỗi lần có khách tới mua xôi, cụ lại cẩn thận bới xôi, gói kín rồi đứng dậy đưa tận tay khách. Nhưng nhìn tấm lưng còng khiến cụ khó nhọc mỗi lúc đứng lên khiến nhiều người không khỏi bồi hồi xót xa.
Cụ Nổi bán hai loại xôi là xôi vò và xôi đậu phộng, giá mỗi gói xôi chỉ 5.000 đồng/gói. Rẻ như vậy nhưng xôi của cụ vẫn rất thơm và chất lượng. Hạt nếp dẻo dẻo kèm với vị đậu phộng béo ngậy ăn kèm cùng bánh tráng mỏng bên ngoài rất ngon. Nhiều người đã từng ăn xôi cụ thổi cho biết xôi rất mềm, rất dẻo, giá lại bình dân, ăn vừa chắc dạ, lại vừa sạch sẽ và đảm bảo.
Cụ chia sẻ mỗi ngày cụ chỉ bán được 2kg xôi, nếu nhiều thêm cụ sẽ không bê nổi. Trừ đi các khoản mua nguyên vật liệu, cụ Nổi chỉ lời lãi được khoảng 30.000 đồng. Lãi không nhiều những cụ vẫn cố gắng từng ngày để mong kiếm được đồng nào hay đồng nấy phụ giúp cho cuộc sống của con của cháu được tốt hơn. Con gái cụ khuyên mẹ ở nhà nghỉ ngơi nhưng cụ không chịu.
Những ngày chưa bán hết, thành phố đã lên đèn nhưng cụ Nổi vẫn tiếp tục tay bưng thúng xôi, tay xách ghế tiếp tục len lỏi vào các con hẻm để rao bán đến khi nào hết mới thôi. Rồi những ngày mưa, buôn bán ế ẩm, cụ lại ngậm ngùi ôm thúng xôi đi về. Người dân ở các con hẻm cũng đã quen dần tiếng rao của một cụ già lầm lũi mưu sinh.
Nguồn: Tổng hợp theo Tintuc.vn
Video: Các mẹ ơi, các mẹ đã xem chưa? Em xem xong mà rụng rời cả tay chân! Sao dạo này nhiều vụ như vầy quá các ơi!