Thống kê của Liên minh bảo vệ chó Châu Á vừa công bố mỗi năm có khoảng 5 triệu con chó được tiêu thụ tại Việt Nam, xếp thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Kết quả dường như không cũ, nhưng vẫn gây sốc với nhiều người, đặc biệt là những ai có tình yêu với chó mèo – các con vật nuôi thân thuộc trong gia đình.
Trong vấn đề “bàn tiệc thịt cầy”, người Việt rất mâu thuẫn với nhau. Đa phần ai cũng thích ăn thịt chó, đặc biệt là các ông, và dường như ai cũng có ký ức đẹp đẽ về con vật này, ít nhất là một lần. Những đứa bé được ông bà, ba mẹ gọi thân mật hay mắng yêu ở nhà là “Chó con”, “Cún con”,… Những con chó được nuôi nấng từ nhỏ ở trong nhà với cái tên nghe vui tai, thân thuộc là Phèn, Đen, Vện hay Tô Tô,… Chú chó nhỏ đó nghiễm nhiên được xem như một thành viên trong gia đình, tình cảm người nuôi dành cho những chú chó vì thế cũng rất thật. Thế nên, việc họ tức tối lao vào đánh đấm, quyết truy đuổi tới cùng kẻ đánh bả trộm chó là điều không sai.
Dân tình có thể lên án việc cả làng xóm kéo đến đập cho mấy tên trộm chó một trận nhừ tử, nhưng việc người nuôi mất đi một con chó cũng không hẳn là một vụ mất cắp tài sản thông thường. Thử tưởng tượng một chú chó được bạn nuôi từ nhỏ, nó dần quen hơi những thành viên trong gia đình, vừa về tới nhà đã thấy nó chạy ra đầu ngõ vừa vẫy đuôi vừa liếm chân mừng chủ về, rồi một ngày nó bị đánh bả chó bởi những kẻ xa lạ, không căn nguyên mà chết. Nhìn con chú mà cả nhà bạn yêu thương nằm mềm oặt, mắt lờ đờ nhìn bạn, miệng sùi bọt mép rồi dìm lịm đi, ai có lương tâm mà cầm lòng nỗi giây phút ấy?
Thế nên cũng là con người họ lao vào đòi công bằng cho chính “thành viên nhỏ” của nhà mình. Họ trút những cơn giận dữ lên kẻ vừa thủ ác kia trước khi giao công an xử lý. Và trong một đám đông đang vây lấy “kẻ thủ ác” kia vài người dùng smartphone quay lại cảnh đánh đấm đó và đăng lên mạng xã hội, dân tình lại được một phen khẩu chiến bênh vực nhau. “Kẻ trộm chó cũng là người sao có thể hành xử như vậy?”, bên còn lại cũng khăng khăng “Con chó chỉ là một con vật vô tội sao chỉ vì miếng ăn mà hành động như vừa giết đi một con người.”
Đã có những vụ việc người dân vì truy đuổi kẻ trộm chó phải đánh đổi lại bằng tính mạng mình. Không chỉ những người trộm chó bị đánh “thập tử nhất sinh”, những người nuôi chó cũng đã có lúc bị tấn công ngược lại. Những kẻ trộm chó mỗi ngày lại sắm thêm vài chiêu mới hơn, nhằm bả thêm được nhiều chó hơn. Chúng trang bị từ đánh bả đơn thuần, đến xài thòng lòng, súng kích điện,… rồi sẵn sàng dùng chính cây súng đó hay bột ớt, gậy gộc đáp trả lại người đang truy đuổi.
Vừa bị mất chó, vừa bị chính kẻ trộm kia tấn công cơn giận dữ nhất thời bộc phát càng dữ dội hơn. Cả làng, cả xóm đang điên tiết lên vì bị mất trộm, vừa hay lại nghe ai đó trong xóm mình bị đánh lại, cơn giận dữ càng như “dầu đổ vào lửa”, và trong một đám đông đi đòi công bằng cho chú chó nhỏ, lại thêm bị kích động không gì là không thể xảy ra.
Đáng tức giận hơn, những đối tượng trộm chó đa phần là thanh niên trai tráng, khỏe mạnh. Sức dài vai rộng công việc lương thiện không làm, mà lại đi làm điều thất đức trên, càng khiến những người dân vốn hiền lành trở nên hung hãn hơn bao giờ hết. Có cả những băng nhóm trộm chó có tổ chức và lên kế hoạch hẳn hoi. Một đêm đi “săn” nếu không có gì xảy ra, chúng có thể kiếm vài chục triệu tiêu xài thoải mái mà chẳng mất sức là bao, nguồn tiêu thụ thứ hàng bất chính này còn dễ hơn cả, chẳng quán thịt cầy nào mà nỡ từ chối nguồn sống của họ cả. Còn nếu bị người dân phát hiện hô hào thì nhanh chân chạy trốn, khi cần có thể chống trả lại để thoát thân.
Dưới góc độ pháp luật, trộm chó là hành vi trộm cắp tài sản, nhưng tài sản ở đây chưa đến mức trên 2 triệu đồng, không thể cấu thành tội phạm hình sự, kẻ trộm chó chỉ bị xử phạt hành chính rồi cũng được thả về. Vì thế trong cơn phẫn uất, người dân càng có cớ để dạy cho chúng một bài học, hoặc đánh cho mền ra như con chó nhỏ tội nghiệp của mình rồi mới giao cho công an xử lý.
Những kẻ trộm chó hẳn cũng có gia đình, có cha mẹ, anh chị em,… chung sống hằng ngày, cũng có ký ức, sự thân thương, gần gũi. Trong đó, không ít người đã làm chồng, làm cha thì tình thương, sự che chở họ dành cho những thành viên nhỏ hơn mình hẳn phải lớn lao hơn. Thế nhưng, chúng vừa mới cướp đi một thành viên nhỏ trong gia đình khác và quẳng nó không thương tiếc vào quán thịt chó, để trở thành những món ăn khoái khẩu phục vụ các bợm nhậu đang ngà ngà say. Hành động trộm cắp ấy đáng lên án và miệt thị hơn bất kỳ một hành động bất lương nào. Chứng kiến sự ra đi đột ngột của một thành viên nhỏ nhà nhưng quen thuộc và trung thành nhất nhà, bản năng yêu thương tự nhiên của những người thân trỗi dậy, thế nên họ lao đến đòi lại công bằng cho sinh mệnh nhỏ chết yểu kia.
Hành vi trộm chó là bất lương và không dung túng được. Kẻ trộm chó sai, sai ngay từ đầu và đáng bị xử phạt. Nhưng khi mà một đám đông lao vào đấm đá túi bụi những con người trở nên yếu thế kia, thậm chí có kẻ trộm chó đã chết, đã mất thở và được cáng khiêng ra sau khi bị đánh tập thể. Những kẻ trộm chó sai trái và độc ác, nhưng những người thân của chúng thì vừa mới gánh một nỗi đau khác do đám đông đó gây nên. Suy cho cùng thì “cái ác này lại làm nảy sinh cái ác khác”, những mâu thuẫn như thế cứ ngày một sinh sôi và như được tiếp thêm rộng ra. Những kẻ trộm chó bị xử như thế thì đúng rồi, nhưng chúng ta không thể xoa dịu nỗi đau của chính mình, bằng cách gây ra một nỗi đau khác với những người thân của kẻ trộm. Dạy cho bọn chúng một bài học vừa đủ để chúng tỉnh ngộ là được, trong cơn giận dữ hãy cố kiềm chế, vì bạn không thể tước đi mạng sống của một con người khác chỉ để xoa đi cơn cuồng nộ của chính mình.
Đức Phật dạy rằng “Vạn vật, chúng sinh là bình đẳng” và “Gieo nhân nào ắt gặt quả đó”. Đừng để cuối cùng, bạn là nạn nhân của những kẻ bất lương kia, nhưng lại đứng cùng hàng ngũ với chúng. Cả những người đang gắp miếng thịt chó còn tươi sắp đưa vào mồm nữa, đã bao giờ nghĩ chính vì miếng ăn lấp đầy bao tử của mình, mà bao nhiêu gia đình, bao nhiêu đứa trẻ đã mất mát đi một tình thương chẳng bao giờ họ kiếm lại được hay lấp đầy nó không?
Nguồn Web trẻ thơ