“Không hoa, không quà, anh ấy chẳng tặng gì cho tôi cả” – đó không phải là cách đúng đắn để phụ nữ nhìn về ngày 8/3.
Phụ nữ vòi quà, đàn ông mệt mỏi
“Thích cái gì thì cứ gửi hình cho anh ấy hoặc post lên Facebook để phím trước, anh ấy còn biết đường tặng”, tôi nghe đâu đó phụ nữ mách nhau cách để có được món quà đúng ý ngày 8/3.
Có một thực tế đáng buồn là một bộ phận không nhỏ phụ nữ coi các ngày lễ 14/2, 8/3… là ngày nhận “chiến lợi phẩm”. Mối quan tâm của họ chỉ dừng lại ở chỗ anh ấy tặng gì cho mình?.
Có người còn hậm hực so sánh: “Chồng người ta tặng cả iphone, chồng mình thì…”. Có người thậm chí còn giận dỗi chồng hay bạn trai vì không hoa không quà.
Tâm lý chuộng quà của phụ nữ khiến đàn ông coi việc tặng quà như một trách nhiệm. Ngày 8/3 cũng trở nên nặng nề vì “phải tặng quà”. Nhiều anh còn tỏ ra chán trường đến mức than thở “lại đến 8/3 rồi!”.
Sự biến tướng của 8/3 trong tâm lý của một phần không nhỏ người Việt chính là lý do khiến cuộc tranh luận về ngày Quốc tế phụ nữ nổ ra hằng năm.
Đàn ông vẫn luôn cảm thấy ấm ức “Sao phụ nữ có lắm ngày lễ thế?”, “Sao ngày lễ nào đàn ông cũng phải tặng quà phụ nữ?”. Phụ nữ cũng không ít người tự ti, buồn lòng vì “không nhận được gì cả”.
Vậy ta bỏ ngày 8/3 nhé?
Đã có không ít ý kiến (cả đàn ông và phụ nữ) đề xuất nên bỏ ngày 8/3. Vì sao lại thế? Như đã nói ở trên, sự biến tướng của ngày này khiến họ mệt mỏi. Họ chỉ nhìn thấy bề nổi mà bỏ qua ý nghĩa thực sự của Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Câu trả lời của tôi là cho đến khi phụ nữ đạt được sự bình đẳng như đàn ông thì 8/3 vẫn cần được duy trì. Bởi phụ nữ vẫn đang phải hứng chịu bạo lực, sự bất bình đẳng trong thu nhập và địa vị.
Quốc tế phụ nữ không đơn thuần là ngày “đàn ông tặng quà phụ nữ” hay “ngày tôn vinh phụ nữ” mà đầy đủ hơn đây là ngày phụ nữ đoàn kết lại để tôn vinh những thành tựu mà phụ nữ đạt được, đồng thời nhắc nhở “nửa còn lại của thế giới” trân trọng phụ nữ, để buộc thế giới phải thừa nhận sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại với phụ nữ.
Nhiều nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam vẫn kỷ niệm ngày 8/3 nhưng mục đích kỷ niệm của họ là phục vụ cho mục tiêu bình đẳng giới. Tôi mong rằng phụ nữ Việt Nam chúng ta cũng coi 8/3 như một công cụ để đấu tranh cho bình đẳng giới và hành xử đúng đắn theo hướng nhìn này.
Nên hành xử thế nào?
Nhìn hoa, đếm quà – đó không phải cách đúng đắn để kỷ niệm ngày 8/3.
Nếu người đàn ông của bạn yêu thương, tôn trọng và chia sẻ mọi gánh nặng với bạn (cả việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái) thì ngày 8/3 đã không còn lý do để tồn tại trong gia đình bạn nữa. Tuy nhiên, người đàn ông tinh tế sẽ không thiếu hoa, quà tặng bạn trong ngày này bởi họ luôn tìm cách để khiến bạn vui và hạnh phúc hơn.
Nếu bạn nhận được một món quà đắt tiền, một bó hoa thật lớn từ người đàn ông thì cũng đừng vội cười mãn nguyện nếu hằng ngày anh ấy vẫn gác chân đợi cơm, mặc bạn bù đầu với lũ trẻ. Nếu anh ấy làm điều gì đó thật lãng mạn thì bạn cũng đừng vội hạnh phúc nếu hàng ngày anh ấy vẫn đối xử thô bạo, đánh bạn như cơm bữa.
Hãy cảm ơn anh ấy vì món quà nhưng cũng đừng quên trò chuyện để anh ấy hiểu rằng bạn cần một người chồng thấu hiểu và sẻ chia, cùng xây dựng và chăm sóc gia đình. Bạn muốn được yêu thương, trân trọng chứ không xứng đáng nhận đòi roi.
Dĩ nhiên không chỉ ngày 8/3 chúng ta mới trò chuyện để đàn ông hiểu mà nỗ lực ấy cần phải thực hiện hàng ngày cho tới khi không còn sự bất bình đẳng.
8/3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ, vì thế bạn đừng lấy đàn ông làm trung tâm, vui buồn theo hành xử của họ. Hãy tự tạo niềm vui cho mình bằng cách tham gia các hoạt động hội nhóm, gặp gỡ bạn bè.
Nếu bạn độc thân, nếu người đàn ông của bạn khô khan, và bạn muốn có một món quà thì hãy vui vẻ chọn lấy món đồ mình thích rồi dùng tiền trong túi mình để trả.
8/3 vui, buồn, hay hạnh phúc là ở cách nhìn, cách hành xử của bạn mà thôi.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Theo WTT
Xem thêm: ‘No đòn’ vì tội từ chối mua hoa quả đắt tiền cho bạn gái.