Tết tới rồi, em thấy ai vui thì vui chứ em thì thấy chán nản vô cùng luôn đó các chị ạ. Thấy tết đến nơi rồi mà em uể oải chẳng muốn đặt vé về quê. Sợ tiền vé xe mắc, sợ tiền phải chi để mua sắm này kia,…và sợ nhất phải đối diện với hàng trăm thủ tục quê mình.
Em thì bình thường mà mấy đứa bạn em hôm qua hôm kia tập hợp lại trên fb tụi nó than vãn đủ kiểu, em nghĩ chắc cũng nhiều người mắc tình trạng giống vầy nhỉ. Đi làm cả năm trời, rất ít khi về quê, mùa Tết thì được thưởng cũng coi như là được nghỉ ngơi, được về sum họp với gia đình. Nhưng thật ra thì buồn nhiều hơn vui, vì cứ mỗi lần về là y như rằng phải “đau đầu nhức óc” với:
Thứ nhất, không phải ai cũng có thể toại nguyện bởi không đơn giản chỉ kiếm đủ tiền tàu xe, đi vài ngày đường là đặt chân tới mảnh đất quê hương yêu dấu.
Tội nhất là có vài đứa quê miền Trung, miền Bắc. Phải đặt vé trước cả tháng mới có vé tạm ổn và rẻ. Nhưng đời trớ trêu, có khi mình có biết lịch nghỉ của mình ra làm sao mà book vé trước. Thành ra tới khi mua vé thì giá vé gấp ba. Một chuyến đi tầm 10 triệu. Tiền để dành + lương thưởng không biết có đủ tiền vé chưa nữa.
Nhiều đứa thì ráng bấm bụng, tụi nó chịu khó xin được về quê sớm rồi book vé bay tạm sang Thái, Campuchia rồi từ bên đó mới bay ngược về. Tiền vé nhỉnh hơn một tý nhưng cũng cực khổ trăm bề, hoãn chuyến, máy bay bị vấn đề,….
Có đứa đi tàu thì mấy ngày này tàu đông khách, toàn bon chen nhau, nhiều khi có đucợ ngồi đúng ghế ghi trên vé đã mua đâu. Và tình hình như vậy, mất đồ, mất tiền, bon chen xung đột là chuyện xảy ra không ít
Những nỗi khổ khó hơn là thậm chí có khi còn bị mua lầm vé chợ đen, hoặc là đau đớn hơn là mua đúng vé nhưng sai chút xíu thông tin nho nhỏ mà không phát hiện, bị hủy vé khi lên tàu mới đau. Coi như tiền mua vé hết mấy triệu bạc mất trắng.
Thiệt là trong số đám bạn có không ít đứa quê miền Tây, tụi nó về cũng ổn vì giờ đã có cao tốc, đi đỡ kẹt hơn xưa nhưng cũng phải xếp hàng dài dài ngóng chờ, tai nạn thì liên miên.
Thứ hai, về quê đâu chỉ vác xác về là xong
Không đơn giản chỉ kiếm đủ tiền tàu xe, đi vài ngày đường là đặt chân tới mảnh đất quê hương yêu dấu. Gánh nặng về tiền quà biếu cho những người bà con trong dòng tộc luôn là nỗi lo sợ cho bất kể ai có gia cảnh còn khó khăn. Nhiều người đã không dám về quê chỉ vì điều này.
“Nếu về mà không có chút quà cáp biếu hai bên nội ngoại, biếu bà con chòm xóm thân quen thì đừng nên về, mệt mỏi lắm con ơi!” – những lời dặn dò, nhắc nhở ấy đã trở thành câu nói quen thuộc với rất nhiều gia đình. Đó là những gia đình thẳng tính. Nhưng thà như vậy không nói, còn 1 vài gia đình tế nhị, ba mẹ còn phải giả đò đi mua quà bánh biếu tết và mang danh nghĩa con cái của mình để đi biếu bà con trong họ. Thấy mình không đủ tiền quà cáp đã đành, thấy ba mẹ còn tội như vậy chỉ có ứa nước mắt.
Có người sẽ bảo “Thời nay đâu còn phong kiến đâu, tự nhiên sống ảo, sĩ diện làm gì cho khổ thân”. Nhưng mọi người có biết rằng đó chính là phong tục, thử mà người đi xa về không đến thăm từng gia đình bà con (theo thứ bậc), không quà cáp coi cả làng xóm đánh giá. Lúc đó người khổ nhất là ông bà cha mẹ mình.
Thứ ba, hàng xóm họ hàng không bao giờ tế nhị chuyện lương thưởng
Những câu hỏi của bà con họ hàng về lương thưởng, thu nhập các kiểu. Không trả lời thì bị kêu là “hỗn”, còn trả lời rồi thì ấm ức, khó chịu trong lòng gì đâu. Đi tới đâu cũng sẽ bị ám bởi cái cảnh: “Năm nay lương thưởng sao? Có khá không? Kiếm được bao nhiêu mà về ăn Tết lớn ghê vậy? Là người thành phố rồi có khác, chẳng bù…
Phiền phức vậy đó, người ta mang cái danh “bà con họ hàng thân thuộc” ra để hỏi han, ý là quan tâm đến mình dữ lắm mới hỏi thế, nhưng thực chất là do cái thói tò mò cộng thêm thích so đo thôi. Hỏi để biết nó kiếm được bao nhiêu rồi mang ra so với người này người kia, tệ hơn nữa là hỏi để so đo quà cáp. Kiếm được càng nhiều thì quà biếu càng phải “nặng tay”, kẻo không thôi người ta lại trách “nó kiếm được nhiều mà tặng quà tết gì keo kiệt dữ vậy”.
Thứ tư, bánh mứt – mâm cỗ
Tiền chi cho việc sắm sửa quê mình chắc ai cũng biết. Chỉ ăn chính thức 3 ngày Tết nhưng mỗi mùng là phải 1 mâm cỗ khác nhau. Em không rành về miền Trung và miền Bắc nhưng ít nhất chắc cũng mâm ngủ quả, cúng gà, cúng heo, bánh chưng -bánh tét, bánh mứt 10 loại, ….Và đặc biệt là rượu bia.
Không có gia đình nào không có tiệc nhậu, 1 năm nhậu chưa đủ Tết tới còn nhậu gấp mấy lần.
Thứ năm, tiền mừng tuổi chẳng bao giờ làm hài lòng ai cả
Rồi họ so sánh với con nhà này, cháu nhà kia đã biếu quà gì, mừng tuổi bao nhiêu, họ khen “Nhà ấy thế mà có phúc, con cái giàu sang biết chuyện làm nở mày nở mặt cha mẹ. Ai như con cháu nhà mình”…
Mấy đứa nhỏ cũng không hiểu chuyện, nó chỉ biết vòi xin tiền lì xì. Mà thật ra là do ba mẹ đã không nói trước với tụi nhỏ rằng tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa may mắn. Chúng cứ mặc định “phải nhiều tiền thì mới tốt, phải nhiều tiền mới gọi là hên”.
Thứ sáu, gia đình nhỏ vẫn “cơm chưa lo, lo chưa tới”
Những chuyện này mình đọc thấy rất nhiều các mẹ trên webtretho chia sẻ rằng từ khi vào SG lập nghiệp tới giờ 10 năm rồi vẫn chưa có lần nào được về quê mẹ ăn tết cùng gia đình
Sau khi lập gia đình, rất nhiều vấn đề phải lo như chuyện sinh hoạt hằng ngày, chuyện trả nợ tiền mua nhà, chuyện để dành tiền sinh con, tiền cơm áo,…cho gia đình riêng của mình còn chưa kịp thở thì sao gánh vác nổi thêm bao nhiêu thứ chi phí cho Tết. Vì nếu về thì 3 ngày về ngoại nội sao đủ chia, rồi quà cáp gia đình 2 bên, rồi chuyện về nhà phải tốn biết bao nhiêu là thứ. Thôi thì năm nào những gia đình nhỏ này cũng gửi ít tiền biếu gia đình và ăn tết xa quê mà thôi.
Em không có ý phê phán gì về văn hóa giao tiếp, ứng xử, phong tục của người Việt mình. Nhưng chính những cái đó bây giờ không còn phù hợp nữa rồi. Ngày xưa thì chúng ta chỉ cần làm đồng, kiếm nhiêu ăn nhiêu trên mảnh đất quê mình. Còn thời giờ, quê mình không có đủ việc nữa, mức sống lại cao. Phải làm lao động cực lắm mới có dư chút ít mà phải bị những phong tục cổ hủ này làm mệt thêm thì Tết chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Vậy nên, đừng để lễ tết mà khiến con cháu phải ngán ngẩm nữa!! Tết tới, ai muốn con cháu về thăm thì hãy tạo điều kiện cho họ, hãy bớt đi những tục lệ quà cáp và những câu hỏi lương thưởng vô bổ; còn những ai có con cháu không thể về quê ăn tết cũng xin thông cảm cho, họ còn quá nhiều nỗi khổ của họ.
Nguồn WTT