Có câu “con gái là con người ta, con dâu mới là con mình”, tôi thấy vế đầu rất đúng, còn vế sau thì chưa chắc. Nhiều nàng dâu cũng cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với nhà chồng, nhưng đổi lại thì vẫn bị đối xử như người dưng nước lã mà thôi.
Tôi có cô bạn học cùng quê cưới được ông chồng cũng khá giả, gia đình có của ăn của để. Ai nhìn vào cũng bảo nàng ấy số sướng. Thế nhưng, tâm sự với tôi, bạn chia sẻ: “Làm dâu tủi nhục lắm mày ơi. Tao cưới chồng năm trước thì năm sau đẻ, lại bể kế hoạch nên đẻ liên tiếp 2 đứa 2 năm. Thế mà mẹ chồng tao không hề giúp mó tay giúp đỡ tí nào. Một tay tao bồng bé nhỏ, chân thì đưa nôi bé lớn. Chồng đi làm ăn xa, tao ở nhà chồng như con ghẻ. Khổ không kể sao cho xiết
Nhà nàng ấy cách nhà chồng có 200-300m thôi nhưng ba mẹ chồng kiên quyết không cho nàng ấy về nhà mẹ đẻ ở cữ với lý do: “Con gái đã gả mà cứ về nhà mẹ đẻ người ta cười, nói nhà chồng không biết dạy con dâu”. Thế là con gái sinh, mẹ đẻ muốn qua chăm con mà phải xin phép rồi lén lút chăm con, chăm cháu. Vậy mà mẹ chồng còn ca cẩm là con dâu sướng, chỉ ở nhà trông con, chả phải làm gì mà còn than thở.
Cô bạn nói trong nước mắt: “Tao cũng không biết làm sao tao vượt qua được mấy năm đó nữa. Giờ nghĩ lại vẫn kinh hãi. Một nách hai con, chồng thì làm ăn xa. Tết qua chúc tết mẹ đẻ mà ngồi từ 8h-11h trưa phải về, chẳng kịp ăn miếng cơm trưa vì mẹ chồng bắt về chứ đi thăm mẹ đẻ gì mà lâu vậy. Buồn và tủi lắm”.
Thế đấy, cưới chồng rồi có cảm giác như trở thành trẻ mồ côi. Nhà mình thì không về được, có về cũng làm khách được vài bữa rồi lại phải đi. Còn nhà chồng thì cũng coi mình như người dưng nước lã mà thôi. Nếu chồng thương thì còn có nơi nương tựa chứ gặp ông chồng vô tâm thì coi như bơ vơ không chốn dung thân.
Khi còn con gái, ở nhà được “nâng như trứng, hứng như hoa” nhưng đến khi về nhà chồng thì chẳng khác nào con ghẻ, osin ở trong nhà. Có người may mắn gặp được bà mẹ chồng dễ tính hay được ở riêng thì còn đỡ. Chứ ai đang phải làm dâu hẳn cũng thấm thía câu nói “khác máu tanh lòng”.
Như mình may mắn lấy chồng rồi lập nghiệp trên thành phố nên không phải làm dâu. Thế nhưng, một tháng cũng phải chạy về nhà chồng ít nhất một lần vì nhà chồng cách thành phố chỉ hơn 50km và chồng thường xuyên “nhớ mẹ”. Mỗi lần về là coi như mất toi hai ngày nghỉ cuối tuần để mà lo cơm nước cho nhà chồng. Trong khi đó chồng hẹn bạn bè đi nhậu, cafe, bỏ vợ ở nhà vừa chăm con vừa làm việc nhà. Vì vậy, nói thiệt sau hơn 5 năm cưới chồng mà tôi chẳng biết chỗ nào ở quê chồng ngoài con đường về nhà chồng. Vì chồng tôi chở tôi về nhà xong là thả đó, đi chơi một mình, mặc vợ xoay sở với đủ công việc nhà chồng.
Đi làm cả tuần mệt mỏi, chỉ ước được nghỉ ngơi vào hai ngày nghỉ cuối tuần thế nhưng nếu về nhà chồng thì coi như còn mệt hơn đi làm. Sáng chưa đến 6h mẹ chồng đã dậy quét sân, thế là mình phải lồm cồm bò dậy ngay nếu không muốn mang tiếng con dâu hư thân mất nết. Trong khi cả tối đã phải vật lộn với con nhỏ vì lạ chỗ con không ngủ được. Rồi thì nấu ăn sáng cho cả nhà, dọn dẹp rửa chén, rồi lại cho con ăn là đến giờ nấu ăn trưa. Cứ thế mà hết ngày. Sau hai ngày cuối tuần, lên thành phố còn bơ phờ hơn là đi làm nữa. Thế nên đừng hỏi vì sao tôi chẳng thích thú gì khi nghĩ đến việc về nhà chồng “chơi”.
Còn chồng tôi thì sướng lắm, ở nhà ổng thì vậy không nói chứ lên nhà vợ còn sướng hơn nữa. Dù quê vợ cũng cách thành phố chưa đến 200km nhưng một năm chồng chỉ chở vợ con lên thăm nhà 1-2 lần. Vì vậy, mỗi lần về là ba má vợ mừng lắm, thịt gà thịt vịt linh đình. Và nhiệm vụ của chồng tôi chỉ là tiếp rượu ba vợ. Còn lại thì công việc vẫn là vợ và mẹ vợ đảm đương. Lỡ có nhờ chồng xuống nhặt rau phụ thì chồng chưa kịp trả lời mẹ vợ đã giành lấy: “Để đó cho mẹ, để nó ngồi chơi”. Trời ạ, thế là ông chồng tôi lại từ tốn ngồi xuống. Rất ngoan hiền. Sướng như vậy đấy mà mỗi lần kêu lên thăm nhà vợ là lại õng ẹo đến ứa gan.
Thế đấy, ba mẹ mình nuôi mình hơn 20 năm cho ăn học đủ thứ rồi cưới chồng xong là lo chồng, lo nhà chồng, còn nhà mình chả lo được quái gì. Thế mà lúc sinh con cũng một tay ngoại lo, lâu lâu thiếu tiền ngoại lại dúi cho vài trăm mua sữa cho con, còn nhà nội thì trừ lần đầu tiên lên thăm khi dâu sanh xong thì thôi luôn, chưa bao giờ thấy nội hỏi thăm cháu ra sao, thậm chí cháu bệnh nhập viện cũng chẳng thấy một cuộc gọi hỏi thăm của nội. Đúng là “cháu bà nội, tội bà ngoại”.
Rồi lúc vợ chồng lục đục, người lo lắng khuyên can toàn là ba má mình, kêu mình phải nhịn, phải nhường, phải nhún đủ thứ. Còn mẹ chồng mình trước mặt mình thì nói: “Mẹ không muốn hai đứa chia tay, còn con cái nữa. Thằng T nó không phải thì để mẹ nói nó, con cứ bình tĩnh”. Thế nhưng quay sang thì nói với chồng mình: “Không hợp thì chia tay, không đứa này thì cưới đứa khác”. Ôi đắng lòng. Thế nên đừng nói là xem con dâu như con gái, không có chuyện đó đâu. Giờ mình thấm thía lắm.
Vì thế, mình không khuyên các bạn nói xấu hay xa lánh gì nhà chồng. Nhưng cũng đừng hy sinh hay hy vọng quá nhiều là gia đình chồng sẽ đối xử mình như gia đình mình. Hãy cố gắng sống tốt và yêu thương cả đôi bên gia đình vì cha mẹ mình mới là người sẽ đứng bên mình khi vấp ngã.
Còn các ông chồng cũng nên suy nghĩ lại mà thương vợ con mình hơn. Vì yêu các anh mà chị em tôi phải rời xa cha mẹ, chẳng phụng dưỡng được gì để lo lắng cho nhà các anh. Vì vậy, nếu không phụ giúp được gì cũng đừng bắt chúng tôi phải lo lắng hy sinh cho gia đình anh, còn các anh lại chẳng quan tâm gì đến gia đình vợ. Hãy nghĩ nếu sau này con gái các anh đi lấy chồng, rồi cũng chỉ biết đến ba má chồng mà chẳng về thăm các anh rồi các anh sẽ hiểu cảm giác của ba má vợ.
Nguồn Webtretho