Những nữ phi công hiếm hoi trong buồng lái máy bay của Việt Nam đã trở thành thần tượng của giới trẻ bởi sự xinh đẹp, năng động và công việc đáng ngưỡng mộ của họ.
Hơn tám thập kỷ kể từ khi Amelia Earhart, người phụ nữ đầu tiên bay một mình qua Đại Tây Dương, sự xuất hiện của những người phụ nữ “làm chủ bầu trời” vẫn gần như là ngoại lệ trong buồng lái máy bay. Trên thế giới, chỉ có 5% phi công là phụ nữ và một phần rất nhỏ trong số đó là cơ trưởng. Ở Việt Nam, con số nữ phi công có thể đếm trên đầu ngón tay.
1. Cơ trưởng “thần tượng” Huỳnh Lý Đông Phương
Là nữ cơ trưởng đầu tiên tại Việt Nam, sở hữu gương mặt khả ái và dáng vóc xinh đẹp, Huỳnh Lý Đông Phương trở thành nhân vật nổi bật, có cuộc sống và công việc thú vị được nhiều bạn trẻ coi là thần tượng. Cô nàng sinh năm 1987 theo đuổi công việc cơ trưởng lái máy bay, vốn được mặc định là “chỉ có đàn ông mới làm được” đã truyền cảm hứng mạnh mẽ về đam mê và quyết tâm chinh phục thử thách đến những phụ nữ trẻ khác.
Sinh ra và lớn lên tại Brussels (Bỉ), cô nàng xinh đẹp này đã “phải lòng” những chú chim sắt từ khi còn nhỏ. Đông Phương từng tâm sự: “Sống xa quê hương nên thỉnh thoảng được về thăm người thân, họ hàng ở Việt Nam, tôi thích lắm. Mỗi lần nhìn thấy máy bay, tôi lại cảm thấy như được gặp người quen và nhớ lại những kỷ niệm rất đẹp ngày bé. Khi lớn lên, tôi ấp ủ ước mơ trở thành phi công, như là một cầu nối gần hơn với quê hương và được tới những nơi mình yêu thích. Công việc giúp tôi cảm thấy ấm áp vì mỗi chuyến bay đều gắn liền với sự gặp gỡ, trở về”.
Trước khi gắn bó với nghề “chinh phục bầu trời”, cô từng là sinh viên ngành kinh tế, nhưng năm 2007, cô đã bỏ học để chạy theo đam mê, trở thành học viên ở ESMA, Montpellier, Pháp (một trong những trường đào tạo phi công hàng đầu thế giới). Khóa đào tạo của Đông Phương có 32 người nhưng chỉ có 4 học viên nữ. Đã có lúc, sự căng thẳng trong quá trình huấn luyện, cảm giác tự ti vì mình chưa từng được đào tạo ngành liên quan như các bạn cùng khóa, sự mỏi mệt, áp lực đã khiến Đông Phương nghĩ đến chuyện dừng bước.
Tuy vậy, với khát vọng được làm việc tại “văn phòng trên mây”, 4 năm sau, năm 2011, cô gái trẻ chính thức trở thành cơ phó máy bay thương mại cho Vietnam Airlines. Và từ tháng 8/2015 đến nay, cô chính thức là cơ trưởng đội bay Airbus A321 của Vietnam Airlines.
Ngoài tài năng, vẻ ngoài xinh đẹp, Đông Phương còn nổi tiếng là một người có năng khiếu âm nhạc, hội họa và thể thao. Cô nàng cũng được công chúng chú ý hơn nữa với vai trò là người yêu của ca sĩ Lý Thế Vinh.
2. Nguyễn Thị Ngọc Bích, từ tiếp viên hàng không đến cơ phó
Trước khi trở thành một nữ phi công, Nguyễn Thị Ngọc Bích đã từng gắn bó với những đường bay, nhưng theo một cách khác: là một tiếp viên hàng không. Những ngày đi bay, khát vọng một ngày nào đó mình sẽ là người ngồi trên khoang điều khiển để thật sự làm chủ bầu trời đã thôi thúc cô nàng âm thầm nộp hồ sơ dự tuyển phi công cho Vietnam Airlines. Ngọc Bích đã vượt qua hàng trăm ứng viên (đa phần là nam giới), để nhận một suất trong lớp đào tạo phi công do Công ty CP đào tạo Bay Việt, đơn vị đào tạo phi công thương mại duy nhất tại Việt Nam hiện nay phối hợp với Học viện Hàng không Việt Nam tổ chức.
Hiện tại, cô nàng là một trong số những nữ phi công hiếm hoi thuộc đội bay A321 của Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Biến ước mơ của mình thành hiện thực, từ vị trí luôn đứng sau khoang lái, phục vụ sự an toàn, thoải mái của hành khách trên những chuyến bay, cô gái có nước da bánh mật khỏe khoắn này đã có cơ hội khám phá những hành trình, trải nghiệm mới với việc “cưỡi mây” đằng trước khoang lái.
Năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước ngành giao thông vận tải, nữ cơ phó xinh đẹp sinh năm 1987 này đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng GTVT nhờ thành tích thi đua xuất sắc.
3. Hà Thị Diệu Hiền: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu
Cũng là một nữ cơ phó A321 của hãng bay quốc gia, Hà Thị Diệu Hiền (1985) vốn có duyên với ngành bay từ lâu. Chị xuất thân là một kiểm soát viên không lưu thuộc Công ty Quản lý bay miền Bắc, gắn bó với radar, đường băng, sân đỗ… hơn là với máy bay. Sau mỗi giờ, mỗi ngày tháng làm kiểm soát viên không lưu, điều khiển máy bay cất hạ cánh, tình yêu nghề, yêu máy bay và những khoảng trời cứ thế lớn dần lên.
Và sau 5 năm chỉ ở dưới mặt đất, trong một lần được bay chuyến bay cảm giác – chuyến bay mà kiểm soát viên không lưu bay cùng phi công để hiểu hơn công việc của người lái, chị bắt đầu nhen nhóm ước mơ về một góc nhìn mới, được gần hơn, hiểu hơn máy bay và bầu trời. Và chị đã chọn học trở thành phi công, chọn việc để máy bay trở thành ngôi nhà thứ hai của mình.
Cuối năm 2012, sau khi hoàn thành khóa học bay ở Mỹ, chị trở về Việt Nam và trở thành một trong những nữ phi công hiếm hoi của Vietnam Airlines.
4. Trần Trang Nhung, cơ phó xinh như hotgirl
Trần Trang Nhung (1987) đã bén duyên với nghề bay từ năm 2005, sau một lần đọc được thông báo tuyển nữ phi công. Cô nàng vừa bí mật nộp hồ sơ, vừa đi thi Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm ấy, cô trúng tuyển một lúc hai bên, và Trang Nhung quyết định bỏ qua khoa Công nghệ thông tin đại học Bách khoa để phiêu du cùng ước mơ bay. Trang Nhung được đào tạo bài bản tại Pháp và trở về nước năm 2009. Cô nàng này là cơ phó điều khiển Airbus 321 đầu tiên của Việt Nam.
Năm 24 tuổi, tình yêu giữa cô và anh chàng phi công – bạn học đã là sợi dây gắn kết Trang Nhung chặt hơn nữa với nghề bay, với bầu trời. Cô có một cuộc sống giản dị bên chồng và con trai, cùng với những chuyến đi liên miên theo lịch bay, để làm dày thêm thành tích cũng như khát vọng chinh phục thế giới của mình.
5. Nguyễn Kim Châu, nữ cơ phó trẻ nhất Việt Nam
Trẻ nhất trong số những nữ phi công ở Việt Nam là Nguyễn Kim Châu, cô nàng sinh năm 1989. Cũng tương tự như Trang Nhung, Kim Châu quyết định chọn máy bay và những chuyến đi là nghề nghiệp của mình, từ khi tốt nghiệp lớp 12. Cô nàng từng… nhịn ăn để “biểu tình”, ép bố mẹ đồng ý cho quyết định lạ đời của mình. Trong khi các bạn cùng tuổi tập trung “cày” sách vở ngày đêm để mong có một chỗ trong giảng đường đại học hay cao đẳng, Kim Châu chỉ toàn… chơi: đi bộ, chạy bộ, bơi, chơi cầu lông, bóng chuyền… để rèn luyện thể chất và trau dồi thêm ngoại ngữ.
Sau khi trúng tuyển bước đầu, để có được bằng lái điều khiển máy bay và chính thức trở thành phi công, các học viên phải đi học ở Australia hoặc Pháp, trải qua những giờ thực hành gắt gao… nhưng không phải ai cũng được đi du học cả 4 năm, mà danh sách này phải được các chuyên gia nước ngoài tuyển chọn. Sau khi được đào tạo trong nước một năm, năm 2009, Kim Châu cũng được chọn đi đào tạo ở Pháp.
Cuối năm 2010, kết thúc khóa đào tạo phi công ở Pháp trong 1 năm 8 tháng, Châu về nước và bắt đầu công việc là nữ lái phụ cho ATR72 – sức chứa 72 hành khách, bay chặng ngắn và chỉ có 1 lái chính, 1 lái phụ. Tháng 9/2013, Châu được điều động làm cơ phó Airbus 330 có sức chứa 250 hành khách và có thời gian bay 8-10 tiếng… điểm đến Nhật, Nga, Australia, Hàn Quốc. Airbus 330 có 2 lái chính và 2 lái phụ.
Kim Châu từng tiết lộ, việc làm phi công, dù thú vị và đầy những trải nghiệm tuyệt vời khi được lướt đi giữa những tầng mây, được thấy những vì tinh tú sa trên cửa sổ, nhưng không bay bổng như mọi người tưởng tượng. Bởi lẽ, khi ở trên cao, người ta phải quên hết mọi thứ từ những niềm vui nho nhỏ, những trạng thái cảm xúc dạt dào ở dưới mặt đất… để chỉ biết rằng mình đang điều khiển, đang bay như một cánh én nhỏ trong bầu trời bao la và vô tận. Vì đằng sau tay lái, là thân phận, là sự an toàn của hàng trăm con người.
Với khát khao chinh phục bầu trời, những nữ phi công xinh đẹp, đầy tự tin và quyết tâm của Việt Nam đã là một phần trong số 5% phụ nữ ít ỏi trên thế giới, những người đã chứng minh: bầu trời, khoang lái không chỉ dành cho phái mạnh.