“Họ đã đánh tôi còn đăng clip tràn lan lên mạng, cùng là con người sao nỡ làm như vậy? Giờ tôi không muốn sống nữa, ai cũng khinh thường, chế giễu tôi”.
Đó là những dòng chia sẻ của cô gái Phú Yên bị lột đồ, đánh hội đồng, đập liên tiếp bằng mũ bảo hiểm trong clip dài 3 phút được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 2/10 vừa qua.
Chưa hết bàng hoàng sau sự việc bị nhóm ba người đập tới tấp, thậm chí dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, V.T.Q.N. (trú tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chia sẻ hiện tại, cô phải vào bệnh viện khám và điều trị do những tổn hại thể chất.
Nạn nhân tổn thương tâm lý
“Tôi bị thương khá nặng ở đầu, tay, chân và vai. Gia đình đưa tôi đi viện để chữa trị”, thiếu nữ cho hay.
Đặc biệt, sau khi bị quay đoạn video lột đồ tung lên mạng và lan truyền trên nhiều diễn đàn, nạn nhân đã đăng tải dòng trạng thái không muốn sống, vì sợ mọi người coi thường, khinh rẻ.
“Tôi xin mấy anh chị gỡ clip xuống. Mọi người thấy tôi chưa đủ nhục nhã hay sao, muốn tôi chết mới vừa lòng sao? Bây giờ ra đường ai cũng khinh tôi”, N. viết trên trang cá nhân.
Hiện tại, dù được người thân và bạn bè động viên, Q.N. vẫn chỉ muốn ở một mình, không dám ra đường. Cô rất sợ bị mọi người bàn tán, chỉ trỏ.
Trước đó, nhiều trường hợp bị tổn hại về mặt tinh thần như thiếu nữ trên. Nạn nhân của những vụ ẩu đả thường phải chịu hậu quả lớn, nhẹ thì đi viện do tổn hại thể chất, nặng hơn thì trầm cảm, thậm chí có người tìm đến cái chết.
Cách đây một tháng, nữ sinh lớp 10 tên H. (sống tại Sầm Sơn, Thanh Hóa) cũng bị nhóm bạn đánh hội đồng, lột áo ngay giữa đường.
Theo đó, ba cô gái lao vào đấm đá, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu khiến H. bị thương. Nhóm này còn cố lột quần áo của nữ sinh trước khi rời đi. Một số người nhanh chóng dùng điện thoại quay lại màn xô xát rồi đưa lên mạng.
“Sau khi bị đánh, lột quần áo, mình xấu hổ không dám nói với gia đình, người thân. Sau đó, bố mẹ phát hiện sự việc, đưa mình đến viện kiểm tra và điều trị”, nữ sinh kể lại.
Đầu tháng 1 vừa qua, học sinh lớp 7 tại Huế phải xin chuyển trường do bị lan truyền clip nhóm người đánh hội đồng mình.
Cuối năm 2015, trường hợp nữ sinh lớp 10 tại Phú Thọ bị đánh dẫn đến đa chấn thương, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ không đáng có. Nạn nhân thâm tím vùng mắt, lún xương cánh mũi.
Sau vụ việc, cô gái phải điều trị mất một tháng. Khi kể lại giây phút xô xát, bạn trẻ này vẫn còn hoảng sợ.
Nhiều bạn trẻ quá manh động
Trường hợp Đ.T.L. (15 tuổi, ở Hải Dương) bị nhóm bạn cầm guốc đánh vào người dẫn đến xuất huyết não, tử vong là bài học không thể quên với cộng đồng mạng.
Tòa án Nhân dân Hải Dương đã đưa nhóm ba nữ sinh (cùng 15 tuổi) ra xét xử tội giết người. Sau sự việc, người chết, kẻ tù tội khi tuổi đời còn quá trẻ.
Trở lại vụ cô gái ở Phú Yên bị đánh đập, lột đồ, xem xong clip dài 3 phút, phần lớn dân mạng đều tỏ ra ngán ngẩm, bất bình, thậm chí sợ hãi vì sự manh động của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
“Cùng là con người sao họ có thể vừa dùng chân tay đánh liên tiếp, vừa kêu muốn giết chết người khác như vậy? Tôi cảm thấy sợ hãi các bạn ấy… Vụ việc một lần nữa báo động về tình trạng bạo lực trong giới trẻ”, thành viên Hòa My chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm về những vụ bạo lực học đường, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư Phạm Hà Nội) cho hay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ cách giáo dục trong gia đình đến những ảnh hưởng tại đường phố, môi trường…
“Không ít gia đình lấy trò chơi điện tử, tivi làm phương thức giải trí cho con. Đầu óc trẻ đã quá căng thẳng sau một ngày học tập, làm việc, lại thêm bị ức chế. Điều này làm một bộ phận người trẻ trở nên thiếu linh hoạt, số khác có thiên hướng thích bạo lực, đập phá”, nữ tiến sĩ nói.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – chuyên gia tâm lý Đại học Sư phạm TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Tâm lý xã hội Việt Nam – cũng bày tỏ những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó những kẻ bắt nạt có thể khiến giới trẻ bị stress.
Các em bị bắt nạt thường không muốn đến trường. Tình trạng này kéo dài, bạn trẻ dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém. Hậu quả bạo lực học đường sẽ trực tiếp ảnh hưởng việc học tập, cũng như tương lai của học sinh, nếu không được can thiệp kịp thời.