Hôm qua, báo chí lại xôn xao với thông tin bệnh nhân nhiễm HIV lên cơn ngáo đá đã lấy kéo rượt đuổi bác sĩ, khiến cả khoa cấp cứu náo loạn trong đêm.
Bài viết trên các báo cho biết, bệnh nhân này tên là V.T.T. (43 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). Trước đó, khoa Cấp cứu của bệnh viện Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân T. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai trong tình trạng ngáo đá, đứt động mạch do dùng dao cắt cổ tay để tự tử.
Khi bác sĩ chuẩn bị sơ cứu thì T. nhảy xuống giường, giật lấy kéo từ xe tiêm thuốc đe doạ bác sĩ. T. còn rượt đuổi ê kíp trực làm sáu bác sĩ phải bỏ chạy, trốn vào nhà vệ sinh. Những bảo vệ có mặt tại hiện trường cũng hoảng loạn chạy trốn. Vụ việc gây náo động tại khoa, khiến nhiều bệnh nhân khác và người nhà hoảng sợ.
Những câu chuyện này gây chấn động với “người ngoài”, còn trong ngành y tế, mọi người biết rõ nó không hề là chuyện hiếm.
Năm ấy, tôi còn là sinh viên. Trong một đêm trực, một bệnh nhân bị vết thương dập nát phần mềm cẳng chân, được mổ làm sạch vết thương.
2 giờ sáng, khi các bác sĩ đang cắm cúi mổ, bệnh nhân chợt vùng dậy, chụp ngay mớ dụng cụ, khua loạn xạ. Các bác sĩ và nhân viên phải dạt ra xung quanh. Anh ấy giật đứt hết dây cột tay chân, vùng dậy, bước xuống bàn mổ, dồn đuổi các bác sĩ và nhân viên khiến họ phải nhảy ra cửa sổ chạy thoát thân.
Anh ta tìm được cửa và đi ra hành lang, rồi bước ra khu hành chính. Nhìn thấy điện thoại bàn, anh ấy chụp lấy ống nghe, giật đứt dây, rồi dùng nó để đập vỡ cửa kính. Anh ném các mảnh kính vỡ về hướng có bóng người.
Bảo vệ chỉ có thể đứng ở xa vì trong tay anh ấy luôn lăm lăm mảnh kính.
Trong các phòng mổ, các bác sĩ đang mổ, không thể bỏ bệnh nhân để chạy. Cũng không ai có thể đứng ngoài nhìn để biết bệnh nhân sẽ đến phòng nào mà thông báo, nên tất cả đều rất lo sợ, không biết lúc nào thì bệnh nhân sẽ xông vào.
Bảo vệ phán đoán rằng anh ấy đang tìm đường thoát ra ngoài. Một anh bảo vệ vừa chuẩn bị tư thế để tránh miếng kính vỡ mà bệnh nhân sẽ ném tới, vừa đi lại hướng cửa xuống thang bộ, mở cửa cho anh ta nhìn thấy. Anh bệnh nhân cứ trần truồng đi theo cầu thang xuống tới đất. Toàn bộ thân nhân bệnh nhân được sơ tán ra khỏi khu vực.
Chỉ có một người vào khu vực, đó là vợ của bệnh nhân. Chị ấy được bố trí nấp sau một cây cột thông với hành lang để có thể chạy thoát thân. Khi chị vợ gọi to tên bệnh nhân, anh ta sững người, buông rơi mảnh kính.
Mấy bảo vệ xông vào khống chế. Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ, được gây mê để tiếp tục mổ.
Chuyện đáng nhớ tiếp theo là sau khi tôi đã ra trường được vài năm.
Một bệnh nhân bị u não đang nằm chờ mổ ở khoa đã bất ngờ nổi cơn, cầm dao con dao Thái Lan nhọn hoắt đâm những người xung quanh. Thân nhân bệnh nhân bỏ chạy tán loạn.
Còn lại một mình, anh ấy gườm gườm nhìn những bệnh nhân đang nằm trên giường. Đó là những bệnh nhân hôn mê hoặc bị liệt. Họ không thể chạy được. Thân nhân bệnh nhân đứng bên ngoài la hét hoảng loạn.
Anh bệnh nhân dừng lại vài giây, rồi tiến đến một bệnh nhân và vung dao lên.
Không còn cách nào khác, một bác sĩ và mấy điều dưỡng đang có mặt gần đó lao vào khống chế. Anh ta xoay qua đâm thẳng vào bụng bác sĩ. May mà bác sĩ kịp né và đẩy tay anh ta.
Lưỡi dao đâm thủng chiếc áo blouse của bác sĩ, rách toạc một đường dài. Vị bác sĩ ôm chặt bệnh nhân. Những điều dưỡng xung quanh lao vào tước dao khỏi tay người bệnh. Khi bảo vệ lên tới nơi thì bệnh nhân đã được chích thuốc an thần và nằm yên.
Cách đây khoảng hai năm, một bác sĩ đưa ra hình ảnh một bệnh nhân bị trói trên giường bệnh. Hầu hết các ý kiến trên mạng đều cho rằng việc trói bệnh nhân trên giường bệnh là dã man, và cho rằng các bác sĩ vô cảm, vô lương tâm khi trói người bệnh.
Khi tôi cho rằng việc trói bệnh nhân là cần thiết, phải thực hiện đối với những bệnh nhân không kiểm soát được hành vi mà không có cách khác, thì bị cả cộng đồng mạng, trong đó có một số bác sĩ, ném đá.
Câu chuyện người bệnh nhiễm HIV lên cơn ngáo đá giật kéo, rượt đuổi các bác sĩ và nhân viên y tế ở bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, là một câu chuyện không đến nỗi quá hiếm gặp trong ngành y. Một số báo xoáy vào chi tiết nhiễm HIV.
Thực ra, chuyện nhiễm HIV hay không không quan trọng. Đối với ngành y, bất cứ bệnh nhân nào cũng phải áp dụng biện pháp an toàn như nhau.
Ở Mỹ, những đối tượng nghiện như vậy được coi là đối tượng có nguy cơ tiềm năng của bạo hành y tế. Các bệnh viện phải đưa những bệnh nhân đó đến những khu vực mà nhân viên có lối ra để thoát thân nếu bệnh nhân tấn công. Tất cả các nhân viên đi vào khu vực đó đều phải được cảnh báo về nguy cơ bị tấn công.
Nếu việc tấn công xảy ra mà người tấn công là kẻ nghiện, không bị ảo giác do bệnh tật gây ra, sẽ bị phạt tiền. Nếu gây thương tích, kẻ tấn công đó sẽ bị bỏ tù.
Ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có những quy định cụ thể về việc phòng ngừa và chống lại việc tấn công nhân viên y tế. Đây là việc phải làm, để hạn chế nguy hiểm cho nhân viên y tế và cho cả những bệnh nhân đang điều trị, như hai trong số rất nhiều trường hợp tôi đã dẫn ở trên.