Gần 20 năm với 12 lần đi “cắt thịt” khiến cho đôi chân và tay trái của ông chỉ còn chưa đầy 10 cm. Riêng tay phải còn ngón cái và ngón trỏ.
Đã từ lâu, người dân xóm Giữa, thôn Cầu Quan, xã Tân Dân (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) truyền tai nhau câu chuyện tình cảm động của bà Trần Thị Mến (SN 1965) gần 20 năm cõng chồng Ngô Văn Phúc (SN 1965) bị cụt hai chân cùng tay trái đi khắp các bệnh viện chạy chữa, khiến cho ai ở trong thôn ngoài xã đều cảm phục và thương xót.
Gặp vợ chồng bà Mến giữa buổi chiều muộn tháng 12, khi bà cùng chồng và đứa cháu nội hơn 2 tuổi đang chuyện trò rôm rả. Tuy nhiên, khi hướng ánh mắt nhìn xuống đôi chân và một bên tay trái bị cụt của chồng, bà không khỏi nghẹn ngào: “Nếu như chồng tôi không mắc phải căn bệnh quái ác này thì gia đình đâu đến nỗi kiệt quệ và tôi cũng không phải cõng ông ấy đi chạy chữa khắp nơi”.
Tiếp lời vợ, ông Phúc kể, sau khi kết hôn năm 1984, vợ chồng ông sinh được hai người con. Ngoài cấy vài sào ruộng khoán, khi rảnh rỗi ông đi xây để có thêm tiền nuôi các con ăn học và gia đình sinh sống. Nhưng hạnh phúc của vợ chồng ông chỉ kéo dài được gần chục năm thì tai hoạ bất ngờ ập đến.
Khoảng năm 1993, trong những lần đi làm thợ xây ông thấy các đầu ngón chân tê và đau nhức, 3 năm sau ông đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và phát hiện bị viêm tắc động mạch các đầu chi. Bắt đầu từ đây, cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác, từ một người đàn ông to khoẻ, khéo tay có tiếng trong vùng, ông Phúc bỗng trở thành người tàn tật không thể đi lại được và nhờ vợ cõng trên lưng, kể cả ở bệnh viện hay trong sinh hoạt hàng ngày.
“20 năm qua, tôi đã đi khoảng 10 bệnh viện khác nhau, chữa đông y, tây y mà bệnh vẫn không khỏi. Mỗi năm, tôi phải bỏ một phần cơ thể của mình, cứ hoại tử đến đâu các bác sĩ lại cưa đến đó. Nhiều lúc tôi chỉ muốn mình chết đi cho đỡ khổ vợ con, nhưng hình như ông trời không cho tôi chết thì phải…“, ông Phúc nghẹn ngào.
Biết chồng mắc phải bệnh hiếm gặp cần nhiều tiền điều trị, bà Mến đã chạy vạy khắp nơi để tìm cách cứu chữa. Tuy nhiên, lúc đầu do người làng không hiểu về căn bệnh này, họ xì xào to nhỏ cho rằng, ông Phúc bị bệnh hủi, bệnh “Giời đày” càng khiến bà khổ tâm hơn. Nhiều lúc, bà muốn buông xuôi tất cả, nhưng thấy chồng bị bệnh tật hành hạ, bà lại gượng sống làm chỗ dựa cho chồng và các con.
Bà Mến cho biết: “Khi gia đình không còn tiền để chạy chữa, tất cả họ hàng, anh em ruột thịt đã cho vay mượn. Thậm chí có những năm đến Tết, dân làng còn quyên góp ủng hộ gia đình từ cân gạo, mớ rau để sinh sống. Đó chính là động lực giúp vợ chồng tôi vượt qua khó khăn để điều trị bệnh”.
Những ngày đầu chữa bệnh, chồng bà còn đi lại được, nhưng về sau bệnh tình càng nặng và đến khi hai chân của chồng bị cưa cụt thì cuộc sống của ông Phúc phải phụ thuộc vào đôi vai của bà Mến. Lần nào, thấy bà cõng ông Phúc cùng túi quần áo, người làng lại hỏi: “Hai vợ chồng đi cắt thịt đó hả?”. Nghe xong, bà thấy nhót lòng đau xót.
Lần đầu tiên khi nghe thấy bác sĩ thông báo chồng bị cắt chân bà Mến không dám nhìn và phải chạy ra ngoài trấn tĩnh, nhưng rồi mọi thứ thường xuyên diễn ra, cho nên bà phải nuốt nỗi đau vào lòng để động viên chồng. Gần 20 năm với 12 lần đi “cắt thịt” khiến cho đôi chân và tay trái của ông chỉ còn chưa đầy 10 cm. Riêng tay phải còn ngón cái và ngón trỏ.
Có những đêm đau nhức không chịu được, ông Phúc la hét và lết ra ngôi mộ của bố gần nhà gào khóc. Thấy vậy, bà Mến lại đi tìm và động viên, an ủi chồng và cõng ông về nhà. Bình thường thì không sao, cứ vào mùa đông thì bệnh tái phát và có thời gian 3 tháng ông không ngủ được vì những cơn đau hành hạ. Những lúc đó, chỉ có bà Mến là người ở bên ông.
Ông Phúc tâm sự: “Nếu như bà ấy có bỏ tôi, tôi cũng không hề trách móc, vì bản thân tôi mắc phải căn bệnh này cũng không muốn vợ con khổ. Nhưng mỗi khi tôi có suy nghĩ đó, bà ấy lại chia sẻ, giúp tôi vượt qua mọi sự đớn đau và cõng tôi đi chữa bệnh. Bà ấy không để tai những lời đàm tiếu không hay, lời nói ác ý của một số người. Thấy vậy, tôi chỉ biết thương và cảm ơn vợ tôi nhiều lắm”.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Mến cười nói: “Khi lấy nhau thì đã xác định sướng khổ, vui buồn có nhau. Bây giờ không may chồng mình mắc phải căn bệnh này mà mình lại bỏ đi thì cũng không được và không có lương tâm người vợ nào lại cho phép. Tuy hiện nay gia đình tôi phải đi ở nhờ, cuộc sống còn khốn khó nhưng tôi luôn vững niềm tin vào chồng, vào tình yêu của mình đã dành cho ông ấy”.
Trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phúc chia sẻ, vào khoảng năm 1998, cứ mỗi khi cưa một phần cơ thể ở Bệnh viện Việt Đức xong, ông được các bác sĩ cho về điều trị tại Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương. Tại đây, ông đã gặp chị Hoà quê ở Sầm Sơn (Thanh Hoá) chữa bệnh phù động mạch. Thấy ông mắc bệnh trọng và nghèo khó, cho nên ngày nào chị Hoà cũng mua cháo cho vợ chồng ông ăn. Đến khi ra viện, chị còn vận động mọi người trong khoa quyên góp ủng hộ.
“Lúc này vợ chồng tôi chỉ mong được gặp lại chị ấy để cảm ơn nhưng không biết chị ở đâu mà tìm. Tôi chỉ biết, nhà chị Hoà ở gần khách sạn Đông Phương, con trai làm trên Hà Nội và có người bạn làm ở Sở giáo dục tỉnh Thanh Hoá cũng mắc bệnh giống tôi. Nếu như còn sống năm nay chị khoảng 70 tuổi”, ông Phúc cho biết.
Lặng người trước những lời Phật dạy về duyên nợ trong tình yêu