Gần 10 năm sau ngày người vợ quá cố giã từ cõi trần sang thế giới bên kia, người chồng quái đản trong một đêm chiêm bao mộng mị đã vùng dậy ra nghĩa trang, khai quật mộ của vợ rồi mang xác về ôm ngủ, thậm chí hàng ngày “trang điểm” cho bộ hài cốt đã rã xương chẳng khác nào người còn sống. Sau khi báo chí lên tiếng, chính quyền vào cuộc, tưởng rằng câu chuyện đã chấm dứt.
Nhưng không, khi cái tên Lê Vân được “xướng lên”, bất kỳ người dân nào ở cái thị trấn nhỏ Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn có thể nhớ được mồn một về “kẻ điên khùng ôm xác vợ ngủ” đã làm xáo trộn đời sống thường nhật vốn thanh bình của họ.
“Với tôi, vợ chưa bao giờ chết”
Thực hư chuyện ông Vân “khùng” (biệt danh người dân tổ 12, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam đặt cho ông Lê Vân) tự ý đào mộ vợ bất chấp sự can ngăn của bà con, chính quyền địa phương đã tỏ như tờ giấy trắng.
Nhưng khi trở lại gặp “dị nhân” này, chúng tôi vẫn không thể dằn lòng mà kìm nén lại nỗi tò mò vì ngay cả thời gian nhiều phương tiện thông tin đại chúng về tìm hiểu, ông chưa bao giờ kể tường tận. Quả thật, rất khó để lý giải vì căn cớ gì, một người đàn ông vốn không có triệu chứng tâm thần và trước đây sống không mất lòng bất cứ ai, từ người già đến con trẻ lại nảy sinh việc làm khiếp đảm như vậy.
Chính điều này cộng với những thắc mắc, hoài nghi, liệu sau khi chính quyền địa phương vào cuộc, người dân quyết liệt khuyên bảo, “người vợ” được bao bọc, phủ lên mình lớp thạch cao pha trộn xi măng đã được chôn cất đàng hoàng theo đúng lẽ đời hay chưa luôn thôi thúc chúng tôi bằng mọi giá một lần nữa quay trở về thị trấn nhỏ bé bên dòng sông Thu.
Bây giờ, khi mọi việc đã được phơi bày trước bàn dân thiên hạ, ông Lê Vân có vẻ cởi mở hơn, trải lòng trò chuyện với chúng tôi. Cái đêm ông lẳng lặng mò ra nghĩa địa đào xác vợ, người đời đến nay vẫn chưa hiểu rõ cặn kẽ từng tình tiết ly kỳ trong suốt quá trình từ lúc khai quật mộ vợ, đến khi “ẵm” bộ hài cốt về “trú” trong nhà. “Lúc hay tin vợ mất, tôi đang đi làm ăn xa ở tận Tây Nguyên. Trong đêm tổ chức khâm liệm, tôi đã quyết liệt phản đối chôn cất bà ấy. Nhiều người hùa vào bảo tôi bị điên, người chết không chôn xuống dưới đó làm sao siêu thoát đầu thai làm người. Hơn một năm sau kể từ ngày chôn cất, vào một đêm mưa gió tơi bời, tôi đã âm thầm vác cuốc xẻng ra nghĩa địa đào lấy bộ hài cốt của vợ gói trong một bao vải. Sợ người khác phát hiện, nên tôi không dám mang về nhà ngay mà đào riêng một cái hố nhỏ cạnh mộ, rồi giấu hài cốt bà ấy trong đó lấp đất lại”, ông Lê Vân kể lại bằng giọng chậm rãi, nghe như pha chút liêu trai.
Ông cũng nói thêm, kể từ khi đưa xác vợ khỏi quan tài, đêm nào nằm ngủ ông cũng vắt tay lên trán suy nghĩ tìm cách mang vợ về nhà. Suy tính mãi, cuối cùng trong một lần ra Bắc làm thuê, ông nảy ra ý định đặt mua một khối thạch cao, rồi ngày ngày mang khối thạch cao cùng với đủ vật liệu như xi măng, cát, keo “ăn dầm ở dề” ngoài nghĩa địa với “sáng tạo” phủ lên bộ hài cốt khô kia một bộ khung, tạc như bức tượng. “Sau 2 tháng, tôi đã hoàn thành xong ý tưởng và thực hiện cuộc “giải cứu” vợ thành công. Tôi mang bức tượng về trong những ánh mắt nhìn khó hiểu của các con. Ban đầu, chúng chỉ nghĩ chắc tôi vì thương nhớ mẹ tụi nó nên tạc tượng để có người bầu bạn sớm hôm. Về sau, thấy tụi nhỏ cứ ngày ngày ra mộ thắp hương, khấn vái mẹ mà tôi thấy khùng ơi là khùng, một lần buột miệng tôi mới kể lại đầu đuôi câu chuyện rằng tôi đã giải cứu mẹ tụi nói khỏi tay thần chết và mang bà về với cuộc sống dương gian. Pho tượng trong nhà chính là mẹ của tụi nó”, ông Vân kể tiếp.
Thoáng nghe, các con ông ai cũng nghĩ ông nói đùa, pha trò lố bịch như kẻ tâm thần. Nhưng về sau, chính ông Vân đã dẫn 7 đứa con của mình ra nghĩa địa mở nắp quan tài và ai nấy đều bàng hoàng khi phát hiện trong đó chỉ có mỗi chiếc mền cũ rách, còn bộ hài cốt mẹ đã không cánh mà bay. Lúc đó, các con ông hết thảy như chết lặng vì không dám tin vào những gì mắt thấy tai nghe, rằng người cha hằng ngày hiền từ, hết mực yêu thương, chăm lo gia đình lại đi làm cái việc “chẳng giống ai”. Thế nhưng, bất chấp lời khuyên nhủ thiết tha của các con, lời quở trách trong họ tộc, những xầm xì, đồn đại của xóm giềng, ông Vân “khùng” vẫn quyết tâm không từ bỏ hành động kỳ quặc của mình, bởi với ông, đơn giản là “vợ tôi chưa chết”.
Chính quyền cũng đành “bó tay”
Trao đổi cùng PV, ông Trần Trọng Sanh, chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam, cho biết: “Năm 2005, chính quyền địa phương có tiếp nhận phản ánh của người dân về việc ông Vân mang xác vợ đã chôn cất về nhà, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống địa phương. Khi đó, chúng tôi đã trực tiếp mời ông Vân lên Ủy ban làm việc. Nhưng sau cái gật đầu ậm ừ đối phó, ông Vân hoàn toàn ngó lơ, khiến người dân lại tiếp tục phàn nàn. Quả thực, chúng tôi đã làm đủ mọi cách nhưng với bản tính bảo thủ, cố chấp của ông Vân, đến nay vẫn chưa thể giải quyết êm xuôi”.
Vậy là suốt gần 10 năm qua, “dị nhân” có một không ai ở xứ Quảng ngủ chung với bức tượng có thi hài vợ bên trong như vợ chồng, bất chấp người đời cười chê, khiếp đảm. Thậm chí, nhiều lần chính quyền đã can thiệp nhưng ông vẫn nhất quyết không mang vợ đi chôn. Mỗi ngày đi chợ, ông đều không quên ghé vào các tiệm bán hàng mỹ phẩm đặt mua những loại son phấn dành cho phụ nữ. Ban đầu, những người bán hàng tưởng đâu ông mua cho con gái, nhưng về sau có người đến nhà chơi mới phát hiện lão “dị nhân” say sưa “trang điểm” cho pho tượng bằng thạch cao.
Pho tượng được ông Vân lau chùi thường xuyên, từ chân tay đến từng hàng lông mi, ông cũng “khắc họa” lên chẳng khác gì một con người thật. “Vợ mình thì mình phải có trách nhiệm làm đẹp chứ. Mấy chú thấy vợ tui bây giờ có khác gì mấy cô hoa hậu người mẫu không, thậm chí còn đẹp nghiêng nước nghiêng thành so với nàng Kiều thuở xưa. Nguyễn Du đã nâng tầm Thúy Kiều đẹp bao nhiêu thì tôi trang trí vợ tôi đẹp chừng đó”, giọng cười ngây dại, ông vừa nói vừa say mê nói về bộ hài cốt được phủ thạch cao với chúng tôi.Không chỉ phấn sáp, chính tay ông còn lùng sục khắp các cửa hàng vải lớn nhỏ tìm mua các loại vải tốt nhất về may áo quần cho “vợ”. Từng đường kim mũi chỉ để may hàng chục bộ áo quần mỗi năm theo ông là tình yêu, tình thương bao la xuất phát từ trái tim ông. “Ngày còn sống, bả chưa bao giờ mặc bộ đồ nào ra hồn. Nay thác đi rồi, tôi muốn tự tay may áo cho vợ. Mỗi ngày đều đặn, tôi thay đồ cho vợ 2 lần. Quần áo vợ mặc, tôi để giặt riêng, vì đồ của vợ là những thứ không thể tạp lẫn với các loại khác, như thế sẽ mất đi sự thanh cao. Nhiều người chửi tôi điên, suốt ngày đi giặt giũ, tưới ráy cho một người xương tàn cốt rã, nhưng trong thâm tâm, tôi luôn tin rằng bà ấy vẫn luôn sống kề cận bên mình. Xác bà ấy, tôi sẽ mãi mãi ôm ngủ đến khi nào nhắm mắt xuôi tay”, ông Vân quả quyết với vẻ nghiêm nghị.
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là trong gia đình ông Vân, không chỉ mình “dị nhân” này ôm hài cốt vợ mà ngủ. Từ trước đến giờ, đứa con trai nhỏ đang học lớp 9 của lão cũng ngày qua ngày ngủ với hài cốt mẹ. Cậu con trai út cũng giống như lão, vẫn coi bức tượng bất động kia là mẹ của nó và hằng đêm nó vẫn thủ thỉ trò chuyện. “Cả ba và cháu đêm nào cũng ôm bức tượng mẹ ngủ, cháu chẳng sợ gì cả, ban đầu thấy hình bức tượng tô son trát phấn lòe loẹt, cũng thấy hãi nhưng dần dần cũng quen. Nhiều đêm nhớ mẹ, cháu vẫn ôm bức tượng và tưởng tượng như mình đang được ôm mẹ”, vẻ ngây ngô, cậu con trai út Lê Quốc Hoàng Tuấn của ông Vân, bộc bạch.
Nguồn Web trẻ thơ