Bạn có đang hồ hởi, “mặn nồng” với người dưng ngoài kia trong khi về nhà lại lạnh nhạt với chính người thân của mình?
Như trong bài viết dưới đây của chị Khánh Nguyễn đã khiến bao người phải ngẫm nghĩ:
“Người thân cần gì câu nệ”?
“Đọc được câu này cũng đã ít lâu trên Facebook chị Trang, thích lắm vì luôn nghĩ về nó, đôi lần nói ra nhưng hay “bị” xoa dịu bằng lý do “bởi vì chỉ với người thân thì chúng ta mới sống thật, người nào thân mới được thấy những điều đời thường đó”, cũng băn khoăn nghĩ ngợi nhiều. Có thật là thế không? có thật là chúng ta nên xem việc không được đối xử như ngày đầu thương mến là một loại đặc ân cho “những người thân”?
Lằn ranh giữa thân thiết và xem nhẹ thi thoảng cũng mong manh. Như khi ra đường gặp một cô chắc chắn không thể xinh bằng mẹ mình, mặc một chiếc quần short đi uống cà phê thì chúng ta khen ngay “Ôi cô trẻ quá, xì tin quá, con thích cô ghê”, còn mẹ ở nhà mà mặc đồ như thế thì ta lại cau mày khó chịu hoặc có khi chẳng quan tâm vì ta nghĩ “mẹ ở suốt với mình cần gì khen lấy lòng chi”. Còn những người cô kia lâu lâu mới gặp nên thảo mai chút cho phải. Như vậy, cái gì thì “cho phải” nhỉ?
Như người yêu/chồng/vợ lâu ngày trả lời nhau chỉ còn bằng mấy chữ cụt ngủn “ok”,”uh”. Còn các mối quan hệ xung quanh như người yêu cũ, người lâu lâu gặp thì chúng ta bắt đầu trau chuốt từng câu để vừa ý đẹp lòng nhau. Chúng ta biện hộ bằng lý do “người thân cần gì câu nệ”.
“Sao anh không viết vài câu cho vợ?”
“Gửi hình là vợ anh vui rồi, lát về nói sau cũng đâu có sao”
Thật ra con người chúng ta là giống loài ích kỷ bậc nhất. Ai cũng vậy không so sánh đàn ông hay đàn bà chi cả. Một là khi chưa có được thì dốc hết sức để có cho bằng được, chắc là dốc hết một lần luôn nên khi có được chẳng còn gì mà dốc nữa. Hai là khi mất đi thì lại dốc hết sức để níu kéo dù chỉ là chút kỷ niệm nhỏ. Còn những thứ hiện hữu có sẵn như tình thân, tình nghĩa đôi khi chúng ta lại yên tâm về nó quá mà không màng tới.
Anh bạn tôi, ngồi cạnh tôi trong một buổi chiều mưa đầu mùa tại một góc quán quen nhìn ra con đường xanh ngát, lất phất mưa bay. Cảnh đẹp và tình quá, anh lấy máy ra bấm một tấm ảnh. Anh đưa tôi xem rồi gửi vội cho vợ, không nói gì thêm. Sau đó tôi thấy anh ngồi chỉnh sửa ảnh, tìm thêm vài câu thơ văn hợp cảnh, cẩn thận cân chỉnh rồi gửi cho một cô bạn cũ, cô bạn chắc hẳn đã từng cùng anh ngồi ngắm mưa dưới hàng xây xanh mướt thế này.
Tôi hỏi “Sao anh không viết vài câu cho vợ?” anh đáp “Gửi hình là vợ anh vui rồi, lát về nói sau cũng đâu có sao”. Không bàn đúng sai trong việc cốt cách đàn ông của anh bạn tôi nhé, tôi chỉ bàn về cách thức biểu hiện cảm xúc thôi. Xin hỏi, bao nhiêu lần chúng ta đã bỏ quên luôn việc “nói sau”?”
Chúng ta đã đến với nhau bằng những tình cảm mến thương nồng thắm thì sao không thể ở lại bằng tình cảm thắm nồng hơn? Tại sao lại phải ngậm ngùi chấp nhận rằng tình cảm theo thời gian thì phải mờ nhạt đi, người cạnh ta có thể chấp nhận điều đó nhưng nếu lòng ta không muốn thì ta có thể không đồng thuận mà.
Cuộc đời này ngày mai và kiếp sau không biết cái nào đến trước. Tình thân, tình yêu những điều dẫu có là thân quen cũ thì cũng đừng để nó cũ đi thật. Ông bà mình dạy “tương kính như tân” đó thôi. Dễ mà đúng không?
Bạn có đang hồ hởi, “mặn nồng” với người dưng ngoài kia trong khi về nhà lại lạnh nhạt với chính người thân của mình?
Theo Ohman