Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông TS.Nguyễn Hoàng Diệp cho rằng, cha mẹ chính là người làm hư con trẻ và biến tướng nét đẹp lì xì đầu năm mới thành thói xấu của người Việt.
Trong những ngày Tết, không khó để bắt gặp những đứa trẻ mới được 3,4 tuổi đã nói: “Cháu thích tờ polyme hơn”. Cũng không ít những đứa trẻ bóc phong bao lì xì ra thấy tiền to thì vui mừng, phấn khởi nhưng lại tiu nghỉu khi được mừng tuổi ít.
Về vấn đề này, PV VTC News có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông TS.Nguyễn Hoàng Diệp để tìm hiểu về phong tục lì xì đầu năm.
– Ông có thể giải thích ý nghĩa của việc mừng tuổi hay lì xì vào dịp Tết?
Không biết từ bao giờ tục mừng tuổi đầu năm ra đời để rồi lưu truyền từ năm này sang năm khác. Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà những người mình yêu quý để thăm hỏi và chúc Tết đồng thời không quên mừng tuổi (lì xì) khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc.
Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết. Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc…
Sáng mùng Một là thời điểm thích hợp nhất để mừng tuổi. Tất cả con cháu trong gia đình tụ hợp lại để chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ý nghĩa chính không nằm ở tiền mà quan trọng là ở thông điệp. Con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn. Vì thế, tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ nhưng gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.
– Ngày nay, không ít người cứ mỗi dịp Tết đến là lại băn khoăn nên mừng tuổi bao nhiêu, lì xì như vậy là nhiều hay ít? Ông có nhận xét gì về điều này?
Thời nay, việc mừng tuổi trẻ em không giống như xưa nữa. Việc lì xì không còn mang ý nghĩa tượng trưng dẫn đến mối lo tiền mừng tuổi cho trẻ con là điều đau đầu với nhiều người lớn.
Có nhiều người mừng tuổi cho trẻ em nhưng không phải đơn thuần để làm chúng vui mà là làm vui cho người lớn. Người lớn ở đây có thể là người có chức vụ, người bề trên, có ảnh hưởng hơn.
Có nhiều người lại lấy việc mừng tuổi cho con trẻ để thể hiện, để tranh đua nhau. Ví dụ, anh lì xì con tôi 500 ngàn, tôi cũng phải lì xì lại con anh từng đó mới phải phép. Hoặc có những trường hợp khách đến nhà chơi, họ cố đưa con trẻ ra như ngụ ý nhắc nhở khách phải mừng tuổi cho con cháu mình.
Có thể thấy rằng nét đẹp truyền thống từ xa xưa của cha ông ta đã bị biến tướng đi rất nhiều.
– Ý ông là chính người lớn đang làm hư con trẻ bằng tiền lì xì?
Chính xác! Nhiều bậc cha mẹ khi mừng tuổi hoặc chứng kiến người khác mừng tuổi thì bình luận trước mặt trẻ em rằng thằng này khôn, thằng kia dại hoặc so sánh người này mừng nhiều người kia lì xì ít.
Điều đó vô tình đã gieo vào đầu chúng những tư tưởng như chỉ thích những người lì xì nhiều, càng nhiều càng thích. Thậm chí tôi còn thấy có bà mẹ nói bô bô, kể rất hào hứng với người khác khi thấy con mình vứt bao lì xì của người lớn vì bóc ra thấy ít tiền quá. Cái này cực kì nguy hiểm với trẻ em.
– Nguy hiểm như thế nào, thưa ông?
Cha mẹ thiếu hiểu biết mới mong người khác lì xì nhiều tiền cho con trẻ. Cũng giống việc trẻ em văng tục chửi bậy, người lớn thay vì làm gương cho con trẻ lại thường xuyên nói những lời vô văn hóa sẽ tạo nên tính cách xấu cho trẻ. Còn nhỏ đã chứng kiến việc đối xử với đồng tiền sai lệch thì có thể bị ảnh hưởng sau này.
Việc trẻ con có tiền tiêu xài sớm mà không cần phải lao động khiến chúng có tư tưởng coi rẻ đồng tiền. Chúng không cần cố gắng dẫn đến thái độ sống chây ì, ỉ lại và dựa dẫm vào người khác. Trẻ em biết tiêu tiền sớm cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề.
Đặc biệt, đối với các bé trai thì bỏ học để ra các quán game, các bé gái thì phấn son điệu đà từ bé… Đấy là còn chưa kể đến việc khi đã quen với việc tiêu tiền, lúc không có chúng sẽ nảy sinh tư tưởng nói dối, trộm cắp tiền của cha mẹ, hàng xóm.
– Vậy theo ông, để giữ được nét đẹp của phong tục này người mừng tuổi cần phải cư xử, thực hành thế nào?
Theo tôi nên có thái độ yêu thương và trân trọng con trẻ bằng tình cảm chứ không phải bằng tiền bạc. Tức là, không phải cứ thương nhiều thì tặng lì xì nhiều tiền.
Chúng ta vẫn nên duy trì thói quen lì xì tiền lẻ cho con trẻ như xưa kia. Đồng thời dạy trẻ cách vui vẻ và cảm ơn những người dành cho mình lời chúc mừng đẹp đẽ, lịch sự. Cổ vũ tinh thần con trẻ nếu thấy chúng biết hành xử lễ phép trước mặt người lớn. Có như vậy thì chúng ta mới không làm hư con trẻ, duy trì nét đẹp truyền thống và không biến nó thành thói xấu của người Việt.
Xin cảm ơn ông!
Theo WTT