Khó có gì trên cuộc đời này có thể sánh được với tình yêu thương thiêng liêng, cao quý mà cha mẹ dành cho con cái. Vì con, cha mẹ có thể không tiếc cả máu xương, thân thể, chỉ mong sao con có được cuộc sống đủ đầy, có được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Câu chuyện của người cha Ấn Độ dưới đây sẽ giúp bạn thấu hiểu tấm lòng cha mẹ ấm áp và bao la đến nhường nào.
Ông Vishal sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo ở miền Tây Ấn Độ. Như bao người đàn ông ở nông thôn xứ này, ông thất học nhưng tháo vát và rất giỏi nghề làm nông. Kể từ ngày xuất ngũ trở về quê lập gia đình, trên vai ông là hết thảy bao lo toan, gánh nặng cho mái ấm thân thương, nhỏ bé ấy. Nhiều khi cũng mệt mỏi lắm nhưng ông vẫn luôn cố gắng, bởi cả nhà chỉ trông chờ vào mảnh ruộng và công xá đi làm thuê, làm mướn của ông. Ông sao có thể để vợ con mình đói rét được.
Cực nhọc là vậy, nhưng bà con lối xóm, bạn bè thân quen đều biết ông Vishal luôn lạc quan lắm. Ông từng kể với mọi người rằng, những năm tháng chiến tranh, không dưới hai lần ông may mắn thoát khỏi tay thần chết. Cho nên, những năm tháng sau này, với ông, dù có vất vả thế nào, ông cũng vẫn cảm thấy không thấm tháp gì, vậy nên ông luôn có thể tươi cười, vui vẻ. Ông Vishal chẳng cần gì, được sống đến ngày hôm nay, so với những đồng đội đã ngã xuống, là ông thấy mãn nguyện lắm rồi! Tất cả những gì ông nỗ lực, cố gắng đều chỉ là mong muốn mang tới những điều tốt nhất cho vợ và cô con gái nhỏ bé của ông – bé Neha.
Sau khi sinh Neha, bà Vishal đổ bệnh và không thể có thêm cho ông đứa con nào nữa. Chính bởi vậy, hết thảy tình thương yêu ông đều dành cho cô bé. Người ta bảo, ông chăm sóc Neha còn hơn cả bàn tay người phụ nữ. Ông bế ẵm Neha ngay từ những ngày đầu bé bỏng, giúp bé tập đi, dạy Neha những trò chơi dân gian, những bài hát về quê hương đất nước. Ngay cả khi cô bé đã lớn lên, dù khó khăn đến mấy, ông vẫn luôn săn sóc, chăm lo cho thiên thần nhỏ của ông từng bữa ăn, giấc ngủ đủ đầy.
Đáp lại sự quan tâm hết mực của ông, Neha thực sự ngoan ngoãn và có được thành tích học tập rất tốt ở trường. Như một minh chứng rõ nét, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Neha đã đạt được số điểm cao nhất toàn tỉnh Gurajat. Trước thành tựu đó, thật khó có thể diễn tả được niềm vui và tự hào trong lòng ông Vishal. Đặt một nụ hôn trìu mến lên trán Neha, ông nói:
“Hôm nay cha rất tự hào và hạnh phúc. Hãy nói một món quà con thích, cha nhất định sẽ mua nó tặng cho con.”
Neha nghiêng đầu một lát rồi nói, “Cha còn nhớ chiếc váy hôm cha con mình xem ở cửa hàng trên phố chứ, con chỉ thích chiếc váy đó thôi, nhưng…”
“Nhưng sao con?” – ông Vishal đáp lời
“Dạ…dạ… giá của nó là hơn 1500 rupi cơ ạ, con sợ ba không có tiền.”
Ông Vishal lặng đi một lúc rồi nói, “Không sao, ba có thể lo đủ được, ba chắc chắn sẽ mua nó cho con.”
Vào ngày hôm sau, ông lên phố huyện từ sớm rồi trở về mang theo chiếc váy đó cho Neha. Nhìn cảnh cô con gái vui mừng trong chiếc váy mới, vợ ông biết rằng ông hạnh phúc lắm. Nhưng với trách nhiệm của mình, bà yêu cầu ông phải cho bà biết, từ đâu ông có tiền để mua chiếc váy, bởi trong nhà đâu còn chút tiền nào?!
Biết không thể giấu giếm, cuối cùng ông Vishal cũng đành phải thành thật:
“Bà à, là tôi đã xin ứng một phần tiền làm công, sau đó qua bệnh viện huyện, bán cho họ một chút máu của tôi để có đủ tiền mua quà cho Neha. Tôi không muốn con bé phải thất vọng”
“Nhưng ông làm thế nhỡ chăng đổ bệnh thì sao?”
“Bà quá lo rồi! nhìn xem, tôi chịu khổ một chút, nhưng Neha rạng rỡ thế kia chẳng tốt quá hay sao. Sau này tôi già cả, ốm yếu đi chăng nữa, con bé nhất định sẽ là chỗ dựa cho chúng ta, sao phải lo chứ!”.
Nghe những lời của ông Vishal, vợ ông chỉ còn biết nghẹn ngào nước mắt, bà vui lắm vì tình cảm của hai cha con.
Năm năm Neha ở Delhi học đại học là 5 năm ông Vishal xoay sở đủ cách để có tiền cho con gái yêu ăn học. Ông không quản ngại nắng mưa, làm còn hăng say hơn nữa. Ông đi bốc vác, đi gặt, đi hái quả thuê, đi phu hồ… việc gì ông cũng làm, ai thuê gì ông cũng không từ chối. Cả đời ông đã tảo tần, khó nhọc, ông muốn Neha được an học, được bằng bạn, bằng bè, được có cái chữ để có một bức tranh tương lai không còn những gam màu tối tăm, u ám.
Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó mà đã tới học kì cuối. Chiều hôm đó, đang lúi húi ngoài đồng thì người bưu tá đưa thư tới. Ông biết đó là thư của Neha, nhưng không biết rằng, trong đó lại là một thách thức vô cùng khó khăn cho lão nông đang ngày càng già đi ấy. Tối cuối đông lạnh, trong ánh lửa bập bùng, tiếng đọc thư của cậu học trò nhà bên chầm chậm vang lên. Ông lặng đi khi biết Neha cần có 80.000 rupi (khoảng 27 triệu đồng) để có thể chạm tay tới tấm bằng đại học. Với ông Vishal, đó là cả một gia tài. Nhà ông đâu còn gì đáng giá, ông biết vay ai nơi cái xóm nghèo này, ông biết kiếm đâu ra số tiền để Neha bé nhỏ của ông hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ.
Những đêm dài không ngủ rồi cũng qua đi, ông cuối cùng cũng tìm ra lời giải cho mình- một quyết định khiến ai biết được cũng đều sẽ thấy cảm động nhưng vô cùng xót xa – ông sẽ bán đi một quả thận của mình để lo học phí cho con gái. Vợ ông, bà Vishal khi hay biết quyết định của chồng thì đã quá muộn, bà đã khóc rất nhiều.
“Tất cả là tại tôi, nếu tôi không đau yếu, thì sao ông phải cực khổ thế này!”.
“Không bà nó ạ, đây hoàn toàn không phải lỗi của bà đâu, con người khi đến thế gian này đâu có ai là toàn vẹn. Thần linh đã ban cho tôi được sống sót qua chiến tranh, Người ắt yêu cầu tôi phải hoàn thiện bản thân qua những khó khăn thách thức của cuộc đời. Chúng ta đã đến đích rất gần rồi, tôi đã không thể cho bà một cuộc sống đủ đầy, nên dù bất cứ giá nào, tôi cũng phải lo cho con gái chúng ta đến nơi đến chốn. Tôi muốn được nhìn thấy con bé cười. Bà nó hứa với tôi nhé, nhất định không được nói chuyện này với con bé”.
Cuối cùng ngày đó cũng tới – ngày Neha bé nhỏ của ông bà tốt nghiệp. Ông bà Vishal đã đợi con cả một ngày dài, mong ngóng được nhìn thấy con gái yêu trở về, rạng rỡ trong chiếc áo blouse trắng. Chỉ giấy lát nữa thôi, hai người sẽ được ôm cô con gái nhỏ của mình vào lòng mà vỗ về cho thỏa những tháng ngày chia xa đầy mong nhớ.
Nhưng ông bà không biết rằng Neha sẽ không trở về. Hôm nay hay ngày mai cô bé cũng không về nữa, mãi mãi không về. Tối hôm đó, vợ chồng ông Vishal đã ngất lịm đi khi hay tin dữ – con gái ông bà đã tự vẫn vì bị người yêu phụ bạc. Cô đã vội vã bỏ lại cả một tương lai đầy tươi sáng, cùng hai con người già yếu đã chịu đựng khổ đau hơn nửa đời người để cô được hạnh phúc… Sự thật này như sét đánh ngang tai, hai con người chân chất đầy vị tha ấy sẽ sống như thế nào những ngày còn lại khi vắng bóng đứa con gái thương yêu?
Có câu rằng “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Tình cảm của cha mẹ dành cho con vĩ đại đến nhường nào, sẵn sàng hi sinh tất cả mọi thứ chỉ để con mình được hạnh phúc. Nhưng cuộc sống không phải mãi chỉ có màu hồng, nó luôn là sự đan xen của những gam màu sáng tối. Dẫu cho có điều gì xảy ra, tự vẫn luôn luôn không phải là cách giải quyết vấn đề. Đặc biệt là tình yêu – thứ mong manh nhất trên cõi đời này. Hãy luôn biết trân trọng những gì mình đang có, hãy luôn có trách nhiệm với bản thân, luôn nhớ rằng phía sau luôn có những con người sẵn sàng chở che và dõi theo từng bước đi của bạn. Vì vậy, đừng bao giờ phụ bạc tấm lòng của họ chỉ vì một phút nông nổi không thể cứu vãn…
Theo DKN
Xem thêm: Cao thủ nịnh mẹ dễ thương nhất quả đất