Mỗi năm, có hàng trăm triệu người trên thế giới phải sống trong cảnh ‘địa ngục’ do bạo lực gia đình gây nên. Câu chuyện có thật về một người phụ nữ đã từng phải cay đắng chịu đựng sự bạo hành của chồng dưới đây sẽ khiến bạn phải rơi nước mắt…
Helen không được may mắn như nhiều phụ nữ có gia đình khác, cô là nạn nhân của bạo hành gia đình trong suốt 8 năm dài đằng đẵng. Nhưng sau rất nhiều khổ đau và mất mát, cuối cùng cô cũng có thể dũng cảm và kiên cường tìm cho mình một lối thoát…
Dưới đây là những dòng tâm sự đẫm nước mắt của Helen…
“Trước khi gặp chồng cũ, cuộc sống của tôi diễn ra rất bình thường. Mối quan tâm duy nhất của tôi là chăm sóc đứa con gái nhỏ của mình. Dù một thân một mình nuôi con, tôi vẫn giữ thái độ sống rất tích cực vì tôi tin tưởng vào bản thân mình và những điều tốt đẹp.
Lần đầu tiên tôi gặp chồng cũ là ở tại căn hộ của một người bạn. Khi trông thấy anh ta tôi đã nghĩ, “Anh chàng này là ai vậy nhỉ? Sao tôi chẳng thích anh ta chút nào cả.” Tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó tôi lại nghĩ như vậy, nhưng tôi cũng không mấy để tâm.
Đó không phải lần đầu tiên chúng tôi biết về người còn lại vì gia đình chúng tôi quen nhau từ trước đó. Trước đây anh em trai của anh ấy đã kể với tôi về anh, và cũng nói với anh ta rằng: “Anh phải gặp Helen, cô ấy xinh và dễ thương vô cùng.”
Cuộc hẹn hò đầu tiên của chúng tôi vào đúng ngày sinh nhật của anh ấy. Anh ấy nhanh chóng tạo cho tôi cảm giác gần gũi, anh cũng thường xuyên gọi cho tôi, và hỏi tôi có khỏe không. Tôi cảm thấy được bảo vệ quá mức và thầm nghĩ rằng mọi phụ nữ đều ước ao một người đàn ông như vậy để chia sẻ những chuyện buồn vui mỗi ngày.
Không lâu sau, chúng tôi chuyển đến sống chung với nhau, sau đó tiến tới hôn nhân và có một đứa con trai. Tôi đã rất hy vọng vào một cuộc sống gia đình tràn ngập tình yêu thương và sự yên bình. Nhưng không thể ngờ rằng, sự bạo hành cũng bắt đầu diễn ra từ ấy.
Ban đầu, anh ấy muốn kiểm soát tất cả mọi thứ như việc tôi chuẩn bị đi đâu và gặp những ai. Sau đó, anh ta bắt đầu dùng đến vũ lực. Anh có những hành động mạnh như giữ tôi lại và đánh lên tay tôi, hoặc đẩy tôi ngã xuống. Có lúc còn rất hung hăng, anh ta rút con dao sắc nhọn ra hăm dọa và nhục mạ tôi.
Tôi biết điều này là không đúng, đó không phải là một mối quan hệ lành mạnh mà tôi nên tiếp tục duy trì, nhưng tôi không biết phải làm gì – vì đây là gia đình của tôi và tôi muốn gìn giữ, vun đắp nó.
Sau rất nhiều đắn đo, tôi đã thử tâm sự với một người bạn rằng tôi muốn thoát khỏi anh ta, nhưng ngay lập tức cô ấy nói rằng: “Làm sao cậu chắc rằng nếu cậu bỏ anh ta và gây dựng một mối quan hệ mới thì những điều tương tự như vậy sẽ không xảy đến với cậu nữa? Nó thậm chí còn có thể tệ hại hơn, và lúc ấy cậu sẽ nhận ra mối quan hệ mà cậu đang có còn tốt đẹp hơn nhiều. Lúc ấy thì hối hận không kịp đâu…”
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: Tôi đã ràng buộc mình với mối quan hệ này, và như vậy nghĩa là tôi sẽ tiếp tục phải ngậm miệng lại, che giấu sự thật qua năm tháng – cho dù đó sẽ là 30, 40, hay 50 năm.
Nhưng điều đáng buồn là sau nhiều lần chứng kiến cảnh tượng bạo lực ấy, con trai tôi cũng trở nên hung hăng hơn. Nó chỉ mới 2 tuổi khi các cuộc bạo hành diễn ra, nhưng trong đầu nó đã hình thành một suy nghĩ rằng đàn ông có thể đánh phụ nữ, và cảm thấy chuyện đó rất bình thường. Khi nó thấy cảnh sát đến nhà chúng tôi, nó thậm chí còn đứng về phía cha nó.
Con gái riêng của tôi, đứa lớn tuổi hơn thì lại bị ảnh hưởng theo một cách khác. Khi mọi người xung quanh nó hét lên, nó sẽ thấy rất khó chịu. Ngay cả khi mọi người nói chuyện chỉ hơi lớn tiếng, nó cũng cảm thấy không thoải mái chút nào và cũng bắt đầu mất bình tĩnh theo.
Dẫu vậy, tôi đã cố gắng nhẫn nhịn, ngày qua ngày đều tự nhủ rằng mình có thể chịu đựng được chuyện này. Nhưng đến một ngày, khi anh ấy đánh vỡ xương mũi tôi, tôi biết mình phải làm gì đó để thoát khỏi anh ta, dù điều đó không dễ dàng gì. Tôi biết người khác sẽ nghĩ rằng: “Cô ấy thật là điên, tại sao không tránh xa anh ta ra?” Tôi cũng đã từng nghĩ tới việc này hàng nghìn lần, nhưng lời nói luôn dễ dàng hơn hành động. Cái mà mọi người không hiểu là tôi đã phụ thuộc vào anh ta quá nhiều, không chỉ là vật chất, tài sản, mà còn là những thứ vô hình khác. Nếu ly dị, tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới thế nào, và 2 con của tôi sẽ ra sao? Dường như tôi không dám nghĩ xa hơn nữa…
Rồi khi không chịu được, tôi đành phải gọi cảnh sát. Đó là lần thứ ba tôi nhờ đến sự trợ giúp của họ. Tôi đã suy nghĩ rằng liệu việc tôi báo cáo với cảnh sát về anh ấy có mang lại rắc rối hơn cho tôi không. Lúc đó, một nhân viên quan chức đã trấn an tôi rằng tôi có cơ hội để thoát khỏi cảnh tăm tối này.
Tôi đã phải đến tòa án để hoàn thành một số giấy tờ về việc bạo hành, và đó là lúc tôi được giới thiệu với tổ chức Safe Horizon. Lúc đầu, tôi chỉ muốn tìm một nơi an toàn để ngủ lại cùng các con tôi, nhưng sau đó tôi được họ khuyên dùng liệu pháp tâm lý. Nhờ họ, tôi được hiểu rằng những trận đánh bạo lực xảy ra bao nhiêu năm qua không phải là lỗi của tôi, mà chính là lỗi của anh ta. Đó là một điều tưởng như hết sức đơn giản mà bất kỳ người ngoài nào cũng hiểu được, nhưng đối với một người phụ nữ yếu đuối liên tục bị mắng chửi, dọa nạt và đánh đập, thật khó thể phân biệt được đúng sai…
Đối với tôi, chứng trầm cảm và sự chán nản chính là điều khó khăn nhất để vượt qua. Mọi người thường nghĩ đơn giản rằng nó chỉ xảy ra ngày hôm nay thôi, rồi ngày mai nó sẽ biến mất, nhưng tôi phải mất một thời gian rất lâu mới có thể đối mặt và vượt qua nỗi đau này.
Tôi đã hết sức cố gắng để bình thường trở lại. Tôi đã sợ hãi trong một thời gian dài khi cứ nghĩ đến việc hễ gặp chồng là lại bị đánh. Tôi sử dụng rất nhiều liệu pháp cũng như lắng nghe câu chuyện của những người khác để hiểu ra rằng tôi chính là nạn nhân của bạo hành gia đình. Nhưng rồi, tôi không còn muốn tiếp tục làm nạn nhân nữa.
Tổ chức Safe Horizon đến với tôi như một vị cứu tinh, giúp tôi tìm lại ý nghĩa cuộc sống sau rất nhiều biến cố. Tôi phải thừa nhận rằng Jimmy (Giám đốc của Safe Horizon tại Trung tâm Tư pháp gia đình và cố vấn của tôi) giống như thiên thần đứng phía sau che chở và giúp đỡ tôi. Ông ấy đã giúp tôi bằng rất nhiều cách khác nhau. Trước đó, chỉ riêng việc bước lên một chuyến tàu cũng đủ làm cho tôi thấy căng thẳng và khóc lóc. Nhưng ông ấy đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi này và còn nhiều điều hơn thế nữa.
Vào những ngày tháng đau khổ khắc nghiệt ấy, các phụ nữ từ chương trình cũng đã đến và động viên tôi, “Helen, cô phải mạnh mẽ đứng lên”. Họ gần như đã không ngừng thức tỉnh tôi, giúp tôi nhận ra rằng mình cũng là một con người có quyền bình đẳng và quyền tự bảo vệ bản thân khỏi người khác, cho dù đó là chồng mình.
Sau một thời gian, cuối cùng tôi cũng đã nhận thức được rõ ràng những gì mình đã phải trải qua 8 năm nay, tôi thấy mình thật ngu ngốc khi ôm giữ suy nghĩ ‘đâm lao thì phải theo lao’ gần một thập kỷ qua và cắn răng chịu đựng hết trận đòn này đến trận đòn khác, hơn hết là tôi cảm thấy mình không cô đơn, và dũng cảm đối diện với sự thật, đưa ra quyết định cho cuộc đời mình.
Tôi cũng có một lời khuyên cho những phụ nữ có cùng hoàn cảnh, trước tiên hãy nhớ rằng, bạn là một người xinh đẹp – có rất nhiều nạn nhân đang cố gắng thay đổi khuôn mặt của họ, vì họ nghĩ họ không đủ đẹp nên mới lâm vào tình cảnh khốn cùng ấy, nhưng đó là một sai lầm nghiêm trọng. Chuyện này có thể xảy ra cho bất cứ ai, và điều bạn cần nhớ là ngoài kia vẫn có những tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ bạn, miễn là bạn dám lên tiếng và dám thoát khỏi cái vỏ của mình. Hãy nhớ rằng, hạnh phúc của bạn không phải chỉ cho bạn, mà còn là cho chính những đứa con và người thân của bạn.
Câu chuyện chân thật đầy xúc động của Helen đã nói lên tiếng lòng của rất nhiều người trên thế giới đang hằng ngày phải nuốt nước mắt cam chịu cảnh tổn thương về cả thể xác và tinh thần do chính chồng mình gây nên, và thức tỉnh lương tri của những người đàn ông luôn muốn giải quyết vấn đề bằng vũ lực. Cô chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình cho tất cả mọi người với hy vọng những phụ nữ đang phải trải qua nỗi bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân sẽ tỉnh táo, sáng suốt và mạnh mẽ vượt qua nỗi đau như cô đã từng để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Không chỉ riêng nước Mỹ, bạo lực gia đình là một hiện tượng rất phổ biến ở Việt Nam nhưng vấn đề này thường bị che giấu. Việt Nam chịu ảnh hưởng của nho giáo và văn hóa Đông phương, vì vậy nhiều người còn cho rằng việc kể chuyện, thông báo chuyện trong nhà cho người ngoài là “vạch áo cho người xem lưng”. Sự kỳ thị và xấu hổ khiến phụ nữ phải giữ im lặng, nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là điều “bình thường” và người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình.
Tuy nhiên mỗi chúng ta cần có một nhận thức đúng đắn về nạn bạo hành gia đình và có biện pháp phòng tránh nó. Những người phụ nữ hãy mạnh dạn chia sẻ khó khăn của mình với các tổ chức có liên quan để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, những người đàn ông cũng nên thấu hiểu người bạn đời của mình và giải quyết mâu thuẫn bằng cách chia sẻ, đồng cảm chứ tuyệt đối không phải bạo lực. Hãy hiểu rằng, người phụ nữ ở bên bạn đã trao cả cuộc đời cô ấy cho bạn, sinh con cho bạn và vun vén, chăm sóc cả gia đình, đồng thời vẫn có thể phải đi làm, nhưng vất vả trăm công nghìn việc như thế, cô ấy chỉ cần nhận được sự trân trọng và yêu thương là đủ để hạnh phúc, vì vậy người phụ nữ xứng đáng nhận được mọi sự tôn trọng từ một nửa của mình.
Theo Daikynguyen