Hiện, trên thị trường xuất hiện một số cơ sở kinh doanh gas “chui” dùng các mánh khóe để buộc người dân thay thế phụ tùng với giá cao, thậm chí còn mạo danh các thương hiệu nổi tiếng, in đè số điện thoại lên các bình gas…
Và chính điều này đã khiến cho người tiêu dùng và các đại lý kinh doanh gas chân chính bức xúc. Khi giao gas, nắm bắt tâm lý kém hiểu biết về thiết bị sử dụng gas của người tiêu dùng (chủ yếu phụ nữ và người già) nên nhân viên giao gas của các cơ sở “chui” hay nói rằng van gas, dây gas bị hỏng, có hở mùi để người tiêu dùng phải thay với giá quá cao so với thực tế, trong khi van gas và dây gas vẫn sử dụng tốt. Mỗi lần thay van mới như vậy, nhân viên “chém” giá 300.000 – 400.000 đồng và không quên xin lại van cũ “bị hỏng”.
Có trường hợp, nhân viên thay gas cố tình làm xì van gas nhưng không nói gì với bà nội trợ, chỉ để lại số điện thoại dán trên bình rồi dặn có vấn đề thì gọi nhân viên tới xử lý. Khi nhân viên ra về, thấy gas bị xì, bà nội trợ nào cũng hoảng hốt gọi theo số điện thoại được dán sẵn. Và nhân viên gas xuất hiện chẳng khác nào một “anh hùng”, dễ dàng kiếm lời vài trăm nghìn đồng.
Nói về các mánh khóe của “cò” gas, chị Phạm Thu Hương, ở Thanh Xuân, Hà Nội bức xúc kể: “Thủ thuật làm bếp hết gas của những “cò” tiếp thị gas rất đơn giản. Những người tiếp thị gas thường lợi dụng những lúc hộ gia đình vắng người hoặc không để ý tiến hành vặn van gas bó cứng lại khiến gas trong bình không ra được nên bật bếp nhiều lần cũng không cháy. Chưa kể, đôi khi lợi dụng sở hở họ bẻ luôn van gas khiến van hỏng và sẽ nhận sửa chữa hoặc thay ngay van mới”.
“Nhà tôi cũng bị “cò” gas hỏi thăm vài lần. Lợi dụng lúc vợ chồng tôi đi vắng, chỉ có mẹ chồng tôi ở nhà một mình, tiếp thị gas đến nhà vờ là nhân viên của hãng gas đến kiểm tra an toàn cho gia đình. Nhân lúc mẹ tôi không để ý, họ vặn kênh van khiến gas bị xì, rồi bảo đây là van Trung Quốc, không an toàn và khuyên nên thay van mới. Mẹ chồng tôi nghe thấy vậy liền đồng ý ngay. Thay xong họ bảo hết 400.000 đồng và xin luôn chiếc van cũ”, chị Hương cho hay.
Rõ ràng, việc làm của những “cò” gas không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng mà còn khiến thị trường gas loạn giá. Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ cửa hàng gas Gia Hưng ở Gia Lâm, Hà Nội cho hay: “Chưa bao giờ tình trạng buôn bán gas lại khó khăn như hiện nay. Mỗi bình gas, cửa hàng tôi nhập vào 215.000 đồng và chỉ thu lời khoảng 50.000 đồng, bao gồm cả tiền thuê nhân công, chi phí giao nhận. Cứ cho cả công vận chuyển là 230.000 đồng, song có những cửa hàng lại chỉ bán với mức giá 190.000 đồng/bình. Chắc chắn là họ phải có cách gì đó để thu lợi, chứ không ai lại đi kinh doanh kiểu giật lùi như thế”.
Vì hám những món quà khuyến mại, giá gas rẻ hơn nơi khác, nhiều gia đình đã “dính bẫy” của “cò” tiếp thị gas. Không chỉ dùng mọi chiêu trò để cạnh tranh không lành mạnh với các đại lý phân phối gas uy tín trên thị trường, nhiều cửa hàng gas rởm còn tìm cách tăng thêm thu nhập bằng cách lừa bán bếp gas rởm cho người tiêu dùng.
Các đối tượng lừa bán bếp gas rởm thường giả dạng nhân viên của các cửa hàng gas có uy tín, đến tận nhà khách hàng rồi quảng cáo là cửa hàng đang có chương trình khuyến mại bán bếp gas với giá chỉ bằng một nửa đến 2/3 giá thị trường và kèm thêm khuyến mại nước rửa bát, tạp dề, chảo chống dính… Tin tưởng cửa hàng gas, ham rẻ, thích khuyến mại, nhiều người tiêu dùng rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Có rất nhiều gia đình đã “dính bẫy” của “cò” tiếp thị gas bởi sự dỗ dành ngon ngọt với những món quà khuyến mại, giá gas rẻ hơn nơi khác. Đa số những người dân bị lợi dụng là những bà nội trợ. Vì chúng hiểu rõ tâm lý phụ nữ ham giá rẻ thích quà khuyến mại. Mặc dù những món quà tặng kèm có giá trị không cao nhưng lại có sức hấp dẫn lớn với người tiêu dùng, nhất là phụ nữ.
Chị Lê Thủy, 46 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, là nạn nhân của “cò” tiếp thị gas cho biết: “Tháng trước có nhân viên tiếp thị gas vào nhà, hỏi tôi có mua bếp gas không? Họ khuyên tôi mua bếp gas bên cửa hàng của họ với giá rẻ hơn, chỉ cần gọi sẽ có người mang bếp gas đến tận nhà, lại có thêm quà khuyến mại. Vì thấy giá rẻ, lại thêm được khuyến mại một chiếc chảo chống dính, nên tôi đã đồng ý mua một chiếc. Ngờ đâu, chưa đầy một tháng thì bếp gas đã bị hỏng hệ thống đánh lửa dù bếp vẫn còn mới tinh”.
Theo Hiệp hội gas Việt Nam, dù quy định pháp lý đã có nhưng theo điều tra của Hiệp hội, hầu hết các doanh nghiệp và đại lý đều không tuân thủ. Tình trạng bán phá giá, tự ý thỏa thuận giá cả với khách hàng, đã diễn ra từ nhiều năm nay tuy nhiên chưa có biện pháp xử lý triệt để. Trước sự phức tạp của thị trường gas, bếp gas hiện nay, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng và nêu cao cảnh giác.
Trước hết là chỉ nên gọi gas của hãng cung cấp thường xuyên và có uy tín. Khi có người tự xưng là nhân viên hãng gas đến kiểm tra thì nên gọi điện ngay đến nơi cung cấp gas để xác minh, nếu không xác minh được thì kiên quyết không cho vào nhà hay vào bếp kiểm tra. Đặc biệt là không ham rẻ, mua những hàng trôi nổi không thể kiểm tra được nguồn gốc.
Nguồn phununews