Theo các bác sĩ bỏng bóng bay rất nguy hiểm vì có thể gây bỏng sâu, bỏng rộng. Tại các bệnh viện, chuyên khoa bỏng thường xuyên cấp cứu những trường hợp bị bỏng do nổ bóng bay.
Bỏng nặng vì bóng bay
Viện Bỏng Quốc gia từng điều trị cho nhiều trường hợp bị bỏng do bóng bay. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Yên trú tại Càu Giấy, Hà Nội nhân dịp sinh nhật cháu trai Bùi Quốc H. 3 tuổi, lúc đi đón cháu bà Yên đã mua 2 quả bóng bay mang đến lớp.
Khi cháu bà vừa cầm bóng thì bất ngờ 2 quả bóng bay phát nổ khiến cháu bị bỏng toàn bộ vùng mặt. Bà Yên ôm để che cho cháu cũng bị bỏng 2 bàn tay và cổ tay.
Hai bà cháu được đưa vào viện Bỏng Quốc gia để cấp cứu. Bác sĩ điều trị cho biết, cháu H bị bỏng độ 2-3 toàn bộ vùng mặt nhưng do bỏng khí nên có khả năng sẽ không để lại sẹo.
Hay trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Thắm, trú tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, bà Thắm mua 40 quả bóng bay đã bơm khí hydro từ một cửa hàng chuyên bán bóng bay về để bán lại cho một trường học trang trí trong lễ khai giảng.
Khi đem về nhà, bàThắm thả số bóng bay vào căn phòng rộng khoảng gần 20m2 và tiến hành buộc những quả bóng này thành từng túm.
Bỗng nhiên 1 quả bóng bay lên trên chạm vào bóng điện trên tường bị nổ và làm tất cả các quả bóng bay khác cùng nổ liên hoàn.
Hậu quả, bà Thắm cùng 2 người cháu bị bỏng nặng, tóc cháy xém. Bà Thắm được đưa vào bệnh viện Việt – Tiệp Hải Phòng cấp cứu. Hai người cháu bị bỏng nặng hơn 50% cơ thể nên đã được chuyển lên Hà Nội điều trị.
Chị Nguyễn Hồng Nhâm trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội không thể nào quên được vụ nổ bóng bay cách đây gần 1 năm khiến chồng và con chị bỏng năng. Hôm đó có đám cưới làm bằng cổng bóng bay. Một thanh niên đùa lấy bật lửa châm vào quả bóng bay và cả giàn bóng bay phát nổ.
Lúc đó, chồng và con chị Nhâm đang đứng gần và bị lửa bén vào cháy nặng cả mặt và vai. Chị Nhâm kể hai bố con điều trị ở Bệnh viện Xanh Pôn ba tuần mới khỏi, cháu bé không để lại sẹo nhưng chồng chị thì vẫn có sẹo, da dẻ bị hỏng xém vào. Từ đó đến nay, chị Nhâm cứ nhìn thấy bóng bay là sợ, ra đường ai cầm túm bóng đi cạnh chị cũng sợ.
Chị Vũ Thu Hường trú tại Tân Mai, Hà Nội từng bị bóng bay phát nổ khi chị đứng mua bắp rang bơ ở Hồ Hoàn Kiếm. Chị Hường kể mua bắp rang bơ cho con, người bán bóng đứng gần không hiểu vì sao bóng phát nổ và mặt bị bỏng, tóc cháy xém cả. May mà bỏng không nặng.
Vì sao bóng bay gây bỏng?
Bác sĩ Nguyễn Thống – trưởng khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn cứ vào dịp mùa lễ hội, tết nhất là lại có trường hợp bị bỏng do bóng bay. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng bị bỏng do bóng bay nhiều nhất.
Bác sĩ Thống cho biết bỏng bóng bay vì khí hydro dễ phát nổ gây cháy. Vì thế, khi trẻ chơi đùa với bóng bay, người lớn cần để ý, tránh chơi bóng gần nguồn nhiệt. Không nên để bóng bay ngoài trời nắng vì nhiệt độ cao sẽ khiến cho bóng bay nổ hay lưu trữ trong phòng kín bởi nếu không may chạm vào nguồn nhiệt như đèn điện,thậm chí chỉ là tàn thuốc lá cũng có thể phát nổ.
PGS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học trường Đại học Khoa hoạ Tự nhiên, Hà Nội cho biết bình thường bơm bóng bay người ta phải bơm bằng khí heli nhưng vì khí này đắt, tốn kém nên người bán lại bơm khí hydro một loại khí dễ tác dụng với oxy.
Nếu hydro gặp oxy trùng đúng tỷ lệ chuẩn, với xúc tác là ánh sáng mặt trời hoặc gặp lửa hay nóng sẽ phát nổ sinh ra lượng nhiệt lớn gây bỏng cho người dùng.
Khi sử dụng bóng bay an toàn là bóng bay bơm bằng bơm xe đạp hoặc người dùng tự thổi.
Bác sĩ Thống cho biết khi bị bỏng do bóng bay, cách sơ cứu nạn nhân cũng giống như các loại bỏng khác cần được nhanh chóng loại bỏ những chất gây bỏng trên da. Tìm cách phân vùng bỏng theo mức độ, ngâm vùng bỏng vào nước mát ngay.
Nạn nhân tuyệt đối không được bôi kem đánh răng hay bôi nước mắm lên vết bỏng sẽ dễ làm nhiễm trùng.
Theo Trí thức trẻ