Hiện nay, Tổng công ty Điện lực (EVN) đang áp dụng hình thức thu tiền điện tại nhà. Theo đó, nhân viên đi thu tiền sẽ sử dụng một thiết bị cầm tay để kết nối, in trực tiếp biên lai thanh toán. Nhưng cách thức thu tiền mới này lại tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những vụ lừa đảo…
Mới đây, một bạn có tên là Nguyễn Tiến Đạt, tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện gia đình mình bị lừa đảo thông qua việc thu tiền điện trên trang facebook cá nhân. Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là lợi dụng lúc trời nhập nhoạng tối để đến thu tiền điện. Theo anh Đạt, bởi khi đó trời tối và do đang vội việc riêng, nên mẹ của anh đã nộp tiền (khoảng 1,2 triệu đồng) mà không kiểm tra kỹ tờ biên lai biên nhận đã thanh toán tiền điện. Phải đến vài ngày sau, khi có người thu tiền điện “xịn” đến thì gia đình Nguyễn Tiến Đạt mới phát hiện ra việc bị lừa.
Thêm một điều đáng nói là khi kiểm tra lại tờ biên lai giả thì gia đình Nguyễn Tiến Đạt phát hiện ra không hiểu tại sao kẻ gian lại ghi đúng tên chủ hộ, cho dù tờ biên lai này không theo đúng chuẩn biên lai “xịn” của EVN (in khá mờ và chỉ in mặt trước, không có mặt sau như biên lai thật). Điều này cho thấy kẻ lừa đảo đã có sự chuẩn bị khá tinh vi kỹ càng trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Thậm chí, cá nhân bạn Nguyễn Tiến Đạt còn nghi ngờ đã có nhân viên EVN tham gia vào vụ việc, nên kẻ gian mới biết được chính xác tên của người đứng tên hợp đồng với EVN.
Nếu so sánh hình ảnh 2 tờ biên lai thì có thể thấy biên lai giả này có rất nhiều điểm khác so với biên lai thật. Tuy nhiên, có lẽ người nộp tiền cũng chỉ phát hiện ra nếu chủ tâm đề phòng, để ý. Còn trong trường hợp cả tin và vội vàng, chỉ đọc lướt thấy đúng thông tin chủ hộ trên hóa đơn là đã nộp tiền thì rất dễ sập bẫy. Thêm vào đó, ngay bản thân mặt trước của tờ biên lại thật cũng có lúc in bị mờ, không hiển thị rõ các thông tin. Vì vậy, người dân cũng có tâm lý chủ quan, không nghi ngờ trước tờ biên lai giả không mấy sắc nét.
Như vậy có thể thấy việc chuyển sang hóa đơn điện tử và in biên lai biên nhận thanh toán trực tiếp, thay vì tiếp tục sử dụng loại hóa đơn truyền thống có dấu đỏ dù rất tiện dụng, nhưng cũng lại cũng là khe hở cho kẻ gian lợi dụng để trục lợi. Nhất là khi chất lượng in trực tiếp từ thiết bị cầm tay đôi khi cũng không được tốt. Vậy người dân phải làm thế nào để phòng trách việc trở thành nạn nhân của những vụ việc tương tự?
Để phòng tránh việc mất tiền oan, người dân cần phải áp dụng những biện pháp như sau:
1. Thường thì các nhân viên, cộng tác viên thu tiền điện đều được giao phụ trách một khu bàn nhất định. Do đó, một địa bàn cụ thể sẽ chỉ do 1 người thu tiền cố định trong suốt một thời gian dài. Trong trường hợp người đến thu tiền là một người lạ mặt khác thì bạn cần phải cẩn trọng, nghi ngờ. Dù vậy, cũng cần đề phòng xảy ra tình huống là người thường xuyên nộp tiền điện không có nhà, nên người thanh toán hóa đơn sẽ không biết được người đến thu ngân là lạ hay quen.
2. Vì thế trong mọi trường hợp, bạn vẫn cần phải kiểm tra kỹ biên lai, xem có dấu hiệu gì bất thường của tờ hóa đơn: như in mờ, chỉ in một mặt, thông tin ngày tháng không chính xác…Thậm chí nếu cần bạn cần mang tớ hóa đơn thật của một tháng nào đó trong quá khứ để so sánh. Nếu hóa đơn có dấu hiệu bất thường thì kiên quyết không nộp tiền, đồng thời đề nghị người đi thu tiền này ở lại (nhất là khi đó là một kẻ lạ mặt) để liên hệ các cơ quan chức năng làm rõ.
3. Hiện nay bên cạnh hình thức thu tiền trực tiếp này thì EVN cũng đang áp dụng các hình thức khác như thanh toán trực tuyến không sử dụng tiền mặt qua các ngân hàng hoặc các công cụ thanh toán khác. Người dân có thể sử dụng hình thức tiện lợi này để tránh việc bị lừa đảo như ở trên. Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp với những hộ gia đình trẻ, hoặc có người trẻ, còn với những gia đình chỉ có người già thì sẽ ít nhiều gặp khó khăn trong việc thao tác trên internet cũng như giao dịch với ngân hàng.