Theo các chuyên gia luật, việc can ngăn kịp thời những vụ xô xát, ẩu đả là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên cũng cần hiểu rất rõ can ngăn thế nào để không bị biến thành hành vi trái pháp luật.
Những hành vi ẩu đả, chửi bới đánh nhau ở nơi công cộng luôn gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự. Bên cạnh đó, việc gây gổ đánh nhau từ những xích mích tuy nhỏ nhưng mang đến những hậu quả khôn lường.
Cách đây khoảng 2 tháng, hai nữ sinh đánh nhau trước cổng trường THPT trên đường Hậu Giang (quận 6, TP. HCM) gây náo loạn cả khu phố. Trong vụ xô xát giữa hai nữ sinh cũng có sự tham gia của bậc phụ huynh với tư cách là những người can ngăn. Tuy nhiên việc can ngăn này với mục đích hoàn toàn tiêu cực khi họ trực tiếp dùng hung khí lao vào đánh nhau để bảo vệ con em mình. Sau đó bị cơ quan chức năng bắt giữ để xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Vụ nữ sinh đánh nhau là việc ẩu đả xảy ra ngoài đường, trong khi đó tại các nơi công cộng khác như sân bay, nhà ga, bến xe, bệnh viện… cũng có nhiều trường hợp tương tự.
Hiện nay các vụ gây gổ giữa các thanh niên ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Như vậy khi chứng kiến một trường hợp ẩu đả, đánh nhau hay trường hợp phụ nữ bị đánh giữa nơi công cộng như tại sân bay thì phải can ngăn như thế nào cho đúng pháp luật?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Tri Đức (hãng luật 360, đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, hành vi can ngăn vụ việc ẩu đả hay đối tượng khác tấn công người thứ 3 là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên theo luật sư Đức, việc can ngăn đó kèm theo tấn công đối tượng đang hành hung người thứ 3 là trái pháp luật.
Theo luật sư Đức, trong trường hợp can ngăn mà tùy theo hậu quả gây ra đối với người đó thì người can ngăn có thể bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo điều 104 bộ luật hình sự hiện hành.
Còn theo chuyên gia pháp luật Nguyễn Trung Tín, theo quy định của “Tội gây rối trật tự công cộng” thì hành vi giải cứu người là phòng vệ chính đáng để bảo vệ người khác. Trường hợp được xem là gây rối trật tự nếu như có xô xát, cãi vã đánh nhau xảy ra do lỗi cố ý thì người giải cứu mới xem xét hành vi gây rối.
“Trong trường hợp, nếu như việc đánh nhau giữa người này với người kia mà gây thương tích trên 11% thì mới có cơ sở xem xét tội cố ý gây thương tích cho người khác. Như ví dụ trường hợp giải cứu người ở sân bay mà gây thương tích cho người đó thì có thể bị xem xét xử lý hình sự vì đó không còn là hành vi phòng vệ chính đáng nữa”, luật gia Tín cho hay.
Theo luật gia Tín, nên can ngăn nhưng không để lại thương tích cho người khác, đồng thời hành vi can ngăn tương ứng với hành vi nguy hiểm mà phía bên kia gây ra.
Trường hợp nếu người kia cầm hung khí thì có thể lên tiếng can ngăn, hoặc giữ cho lực lượng công an gần nhất để xử lý. “Như vậy hành động can ngăn nhưng dùng vũ lực là không đúng. Nếu dùng vũ lực trong mọi tình huống sẽ không được, phải tùy vào hoàn cảnh cụ thể”, luật gia Tín nói thêm.
Theo Kenh14