Nếu ở Việt Nam các cống rãnh chủ yếu toàn rác thải và mùi hôi thối bốc lên thì ở Nhật Bản, nơi đây chính là khu vực đẹp và ấn tượng nhất của toàn khu phố.
Đã không ít lần người Nhật Bản khiến cả thế giới “ngả mũ” khâm phục và học theo những cách bảo vệ môi trường sạch sẽ đến “đáng kinh ngạc” của mình. Có những điều dù tận mắt chứng kiến, không ít người vẫn chưa tin nổi vào mắt mình, thậm chí thốt lên rằng: “Chỉ có thể là người Nhật Bản”.
Nuôi cá chép trong… rãnh nước thải ven đường
Nghe đến điều này, nhiều người sẽ cho là hoang đường, bởi rãnh nước thải trong suy nghĩ thông thường của mọi người vô cùng bẩn thỉu và thậm chí bốc mùi hôi thối mà không một loài cá nào có thể sinh sống. Thế nhưng điều này hoàn toàn là có thật ở Nhật Bản.
Hình ảnh những chú cá Koi – một loài dễ nuôi nhưng ưa nước sạch – sinh trưởng và phát triển tốt trong rãnh nước thải trong veo không một mẩu rác, khiến cả thế giới phải khâm phục người Nhật bởi cách họ giữ gìn môi trường.
Không chỉ vậy, tuy là một thành phố nổi tiếng về ngành công nghiệp chế tạo cơ khí và ô tô, nhưng thiên nhiên và cảnh vật ở Shizuoka vẫn luôn xanh – sạch – đẹp đến bất ngờ.
Ở đất nước mặt trời mọc, những rãnh nước “đẹp hơn bể cá cảnh” như vậy rất phổ biến. Nó thường được sử dụng để dẫn nước mưa, nước tuyết tan chảy ra các con kênh lớn, giúp đường xá luôn sạch sẽ khô ráo.
Dù không biết ý tưởng thả cá bắt nguồn từ đâu, nhưng hình ảnh những đàn cá Koi đủ sắc, tinh nghịch trong rãnh nước thải trong veo đã thực sự khiến khách tham quan bốn phương thích thú và ngạc nhiên, khiến hình ảnh của “xứ sở hoa anh đào” càng đẹp thêm bội phần.
Cả một thị trấn không hề có…rác thải
Điều này thoạt nghe cũng có vẻ “không tưởng”, nhưng thị trấn Kamikatsu, vùng Tokushima, Nhật Bản chính là nơi được mệnh danh “thị trấn không rác thải” nổi tiếng. Nếu như thông thường ở nhiều nơi hay phân loại 3 loại rác thải, thì ở đây, với quy trình tái chế rác hết sức nghiêm ngặt, người ta phân đến… 34 loại rác.
Ở thị trấn này không hề có xe chở rác, người dân sẽ tự rửa sạch, phân loại và mang rác thải của họ đến trung tâm xử lý, và công nhân giám sát sẽ theo dõi, giúp đỡ người dân làm cho đúng.
Tại trung tâm, các sản phẩm giấy thậm chí còn được phân thành: giấy báo, tạp chí, bìa các tông, tờ rơi. Chai nhựa và nắp chai cũng được phân vào nhiều thùng khác nhau.
Với tiêu chí “cũ người mới ta”, những vật đã dùng có thể tái sử dụng sẽ được bán lại cho các cửa hàng quần áo, phụ kiện, đồ chơi. Hiện nay, với dân số hơn 1.700 người, thị trấn Kamikatsu đã tái chế được hơn 80% rác thải và chỉ 20% trong số ấy được đưa tới bãi rác.
Kamikatsu đang thực sự tiến đến rất gần mục tiêu “cộng đồng không rác thải đầu tiên trên thế giới” vào năm 2020.
Theo Evavn
Xem thêm: Tiết lộ không ngờ của MC Lại Văn Sâm