Chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan đã có kết luận về loài cá chim trắng phóng sinh ở sông Hồng hôm 5/2.
Trao đổi với chúng tôi vào sáng 11/2, ông Hoàng Tiến Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) cho biết, chiều 10/2, các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp kín để xác định rõ số cá phóng sinh xuống sông Hồng hôm 5/2 có nguy hại hay không.
Theo ông Minh, cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cùng Chi cục Bảo vệ môi trưởng Hà Nội, Chi cục Thuỷ sản Hà Nội, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản 1, đại diện UBND TP. Hà Nội.
Tại cuộc họp, theo báo cáo của lãnh đạo xã, huyện thì số cá được thả phóng sinh trong lễ ngày 5/2 do nhà chùa thực hiện là cá mè, trắm, trê, chép.
“Ngoài ra, cá chim trắng có thể có nhưng rất ít và do người dân, phật tử các nơi đi lễ mang về thả còn các nhà sư làm lễ không mua cá này về thả, cùng như không nắm được đó là cá gì.
Hiện nay, Chi Cục sẽ có báo cáo Thành phố và Bộ rõ về việc này“, ông Minh cho hay.
Ông Minh thông tin, trong cuộc họp, các chuyên gia xác định, đối tượng cá chim trắng phóng sinh xuống sông Hồng trong buổi lễ ngày 5/2 theo hình ảnh được đăng tải không phải là loài chim trắng toàn thân có tên khoa học Piaractus brachypomus bị cấm mà đây là loài cá chim trắng được nuôi.
“Các nhà khoa học cũng như các bên cũng xác định loại cá chim trắng như hình ảnh phản ánh là loài cá chim trắng có tên khoa học là Colossoma Brachypomum.
Đây là loài cá được nuôi, sản xuất, kinh doanh theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 và Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 2/5/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Giống cá này cũng là giống truyền thống, được đưa về Việt Nam nuôi từ năm 2000 chứ không còn là mới“, ông Minh nêu rõ.
Ông Minh cũng bác bỏ một số thông tin cho rằng, có 10 tấn cá chim trắng được thả xuống sông Hồng trong buổi lễ ngày 5/2.
“Cá chim này cũng nói rõ là không sống được trong mùa rét, chỉ 11 – 12 độ C là nó có thể chết rồi. Cùng với đó, bảo có 10 tấn cá chim để thả xuống như thế thì phải khẳng định ngay là không thể có được và không thể lấy đâu ra có số lượng cá lớn như thế.
Việc thông tin như vậy là không chính xác...”, Chi Cục trưởng thủy sản Hà Nội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó Đại đức Thích Nghiêm Giám cho rằng, số cá chim trắng được thả tại lễ phóng sinh ngày 5/2 tại sông Hồng là do người dân mang đến và đây là loại cá được phép nuôi.
Ngày 5/2 (mùng 9 tháng Giêng), hàng ngàn người từ các tỉnh, thành đã đổ về bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) tham dự lễ phóng sinh do Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì.
Cũng theo thông tin được đăng tải đã có 8 xe tải chở gần 10 tấn cá đã được phóng sinh, trong đó, có cả loài cá chim trắng.
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Nghiêm Giám, đệ tử của Thượng tọa Thích Chân Quang (chùa Phật Quang – núi Dinh, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, việc phóng sinh là truyền thống tốt đẹp, thể hiện lòng từ bi của người con Phật.
Về việc phóng sinh ở khu vực sông Hồng của Bát Tràng (Hà Nội), theo Đại đức Nghiêm Giám, đó là truyền thống của nhà chùa, đã diễn ra được 3 – 4 năm nay.
“Trong Kinh Phật đã dạy phóng sinh là để mình gieo thiện nghiệp, tạo phước báu và bệnh tật được tiêu trừ…
Việc chùa thực hiện lễ phóng sinh ở khu vực Bát Tràng đã diễn ra được 3 – 4 năm qua và nhân dân quanh đó đều biết, hưởng ứng rất đông, mỗi lần tổ chức đều có từ 3.000, thậm chí đến 5.000 – 6.000 người tham dự”, Đại đức Nghiêm Giám nói.
Về lễ phóng sinh diễn ra vào ngày 5/2 vừa qua tại sông Hồng, theo Đại đức Nghiêm Giám, buổi lễ được Thượng tọa Thích Chân Quang cùng các thầy trụ trì chùa Tương Mai, Bát Tràng thực hiện.
“Buổi lễ hôm 5/2 tổ chức, nhà chùa có đặt mua theo đầu mối khoảng 7 tấn cá các loại để tiến hành phóng sinh. Trong đó, có khoảng 2 tấn cá mè trắng, 2 tấn cá trôi, 1,5 tấn cá chép, 1,5 tấn cá trê.
Các loại cá được chọn phóng sinh đều đã được tham khảo và phù hợp với môi trường ở đây chứ không phải thả bừa, không tham vấn”, Đại đức Nghiêm Giám thông tin.
Cũng theo Đại đức này, thì trong quá trình buổi lễ diễn ra, một số gia đình phật tử, người dân có gửi kèm vào các loại ốc, cá và các loại thủy, hải sản sống dưới nước được để phóng sinh.
“Ở đây, chắc có lẽ không biết nên trong lúc đông người, một số người dân mới mua loại cá chim trắng rồi chuyền xuống để thả. Việc này là ngoài sự kiểm soát của chúng tôi và cũng nằm ngoài lượng cá mà đã đặt mua đúng chúng loại trước đó.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin đăng tải, chúng tôi cũng đã có liên lạc với cơ quan chức năng của ngành thủy sản thì được biết, loại cá chim trắng mà hình ảnh chụp đó là loại được phép nuôi trồng và không nằm trong danh mục cấm, gây hại cho môi trường.
Còn loại cá bị cấm là loại cá hổ hay cá cọp ở Nam Mỹ cũng nguy hiểm như rùa tai đỏ nên không có chuyện thả loại này.
Chúng tôi cũng mong rằng, mọi thông tin cần được tìm hiểu rõ ràng chứ không nên đưa như vậy, khiến mọi người hiểu chưa đúng vấn đề”, Đại đức Nghiêm Giám bày tỏ.
Trước đó, một phật tử của chùa Phật Quang tham gia giúp đỡ việc liên hệ, đặt mua cá cũng khẳng định, số cá chim trắng được chụp ảnh trong buổi lễ phóng sinh tại sông Hồng ngày 5/2 không phải do chùa đặt mua mà do một số phật tử, người dân tự mang đến.
Còn sư thầy Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Tương Mai (Hà Nội) cũng khẳng định, số cá chim trắng phóng sinh hôm 5/2 ở sông Hồng không phải của nhà chùa mà của Phật tử mang đến thả cùng, gây nhầm lẫn.
Theo Soha