Khám phá tại lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã mở ra những câu chuyện về sự ảnh hưởng của ngoại quốc và việc kế ngôi đẫm máu sau cái chết của vị hoàng đế đầu tiên.
Trong vòng bốn thập kỷ kể từ lần đầu tiên phát hiện ra những bức tượng đất nung bí hiểm phía bắc Trung quốc, các nhà khảo cổ đã khai quật được cả một đội quân thực sự. Tuy vậy, đây không phải là bí mật duy nhất được chôn giấu.
Những khám phá đang dần định hình lại lịch sử về vị vua và đội quân canh giữ nơi yên nghỉ của ông. Một giả thuyết mới cho rằng có sự tham gia của các nghệ nhân nước ngoài vào việc đào tạo công nhân bản địa.
Tần Thủy Hoàng được biết đến như là vị hoàng đế đầu tiên, di sản mà ông để lại tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lịch sử.
Trước khi băng hà năm 210 trước Công nguyên, ông đã thống nhất các vương quốc riêng rẽ thành một quốc gia, chấm dứt phong kiến cát cứ, xây dựng Vạn lý trường thành.
Tuy nhiên, dự án đồ sộ nhất của ông phát lộ đầu tiên năm 1974 khi nông dân phát hiện ra những bức tượng kì lạ trong khi đào giếng tại thành cổ Hàm dương.
Dần dần từng phần khu lăng mộ được khám phá qua quá trình khai quật. Ba khu vực rộng lớn với hàng ngàn chiến binh đất nung, tất cả được xem như lính canh bảo vệ hoàng đế.
Những bức tượng này là độc nhất, không giống bất kì cái nào khác từng được tìm thấy. Câu hỏi được đặt ra là: Bằng cách nào các nghệ nhân cung đình lại đưa ra một ý tưởng táo bạo như vậy?
Các nhà khoa học đã thu thập đủ loại dữ liệu và bằng chứng. Tượng đất nung, tượng đồng vịt, thiên nga, sếu nằm trong khu lăng một có thể liên tưởng đến ảnh hưởng của Hy lạp. Ngoài ra, dấu vết ADN người châu Âu còn được tìm thấy trên những bộ xương vùng Tây bắc.
Nhờ vậy, các chuyên gia đặt ra giả thuyết: Ý tưởng về đội quân đất nung có thể đến từ những nghệ sĩ ngoại quốc. Họ đi từ vùng Hellen của Tây á và đến Trung quốc trước cả Marco Polo đến 1500 năm. Họ có thể chính là những người huấn luyện thợ thủ công địa phương, để rồi sau này tạc tượng cho lăng mộ hoàng đế.
Sử dụng công nghệ cảm biến từ xa, rada xuyên đất và lấy mẫu đất đã giúp các nhà khoa học biết được quy mô khu lăng mộ, nó lớn hơn rất nhiều suy đoán trước kia, gần 98 kilomet vuông.
Tại trung tâm là lăng mộ bằng đất, đến nay vẫn còn phong kín. Ngoài hoàng đế, rất nhiều người khác cũng được chôn tại khu lăng mộ này.
Các nhà khảo cổ phát hiện ra cả những khu mộ tập thể, nơi chôn cất thợ thủ công, tội phạm, những người chết trong ba thập kỷ xây dựng lăng tẩm. Một vài điểm chôn cất khác dường như là chứng tích của việc tranh giành ngôi báu hoàng đế.
Trò chơi vương quyền
Bất chấp quyền uy và sự thông minh của mình, Tần Thủy Hoàng không thể truyền ngôi cho người con cả. Thất bại này dẫn đến hàng loạt hệ quả khôn lường. Các chuyên gia tin rằng chính việc đó đã dẫn tới cuộc tắm máu, cũng như sự kết thúc nhanh chóng của triều đại nhà Tần.
Theo sử chép của Tư Mã Thiên năm 89 trước Công nguyên, triều đại thứ hai nhà Tần, một trong những người con của Tần Thủy Hoàng cấu kết với hoạn quan hạ sát thái tử rồi chiếm ngôi.
Những chứng cứ khảo cổ gần đây còn cho thấy mức độ tàn bạo khủng khiếp hơn những gì Tư Mã Thiên ghi lại. Một nhóm hài cốt và tư trang hoàng tộc được tìm thấy.
Hầu hết là nam giới, có thể là những người con trai của hoàng đế. Một hộp sọ đã tiết lộ manh mối về định mệnh bất hạnh, nó bị xuyên thủng bởi mũi tên, có vẻ như bị bắn ở tầm gần. Chuyên gia khảo cổ tin rằng hoàng tử trẻ bị ám sát bởi người anh em đang tìm cách tranh giành ngôi báu.
Tại một khu vực khác, rất gần lăng mộ, các nhà khảo cổ đã xác định được một nhóm gần trăm hầm mộ. Tuy nhiên sau khi khai quật một số hầm mộ, họ vẫn chưa giải thích được điều bí ẩn. Trong mộ trống rỗng, hài cốt vương vãi dọc hành lang cùng với ngọc trai và vàng trang sức.
Liệu có phải đây là tì thiếp được chôn cùng hoàng đế để phục vụ ngài ở thế giới bên kia? Hay những hầm mộ này còn tiết lộ âm mưu gì?
Hộp sọ có thể thuộc về một hoàng tử bị giết để tranh ngôi báu
Theo sử chép của Tư Mã Thiên, hoàng đế cướp ngôi mới lên đã giết rất nhiều tì thiếp của tiên vương. Dĩ nhiên ông ta đã giết thái tử và những người anh em khác.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tì thiếp mang thai? Đứa con ấy nếu được sinh ra và che giấu, huấn luyện để trở thành chiến binh thì một ngày sẽ danh chính ngôn thuận quay về đoạt lại vương quyền.
Không còn sự lựa chọn nào khác, những phụ nữ đó phải chết. Nhưng vì sao hài cốt bị vương vãi thì không rõ nguyên nhân. Có lẽ phải chờ khai quật tại những hầm mộ tiếp sau.
Cho dù vậy, cuối cùng thì cuộc tắm máu cũng không đem lại kết quả gì. Kẻ cướp ngôi, Tần Nhị Thế đã không thể nối gót cha mình là Tần Thủy Hoàng. Ông ta chỉ cai trị được ba năm, triều đại nhà Tần sau đó bị lật đổ.
Lăng mộ hoàng đế đầu tiên vẫn còn lưu giữ nhiều bí ẩn, nhưng các nhà khoa học chưa có kế hoạch khai quật trong tương lai gần.
Đưa ra khỏi lăng mộ những cổ vật mong manh có thể khiến chúng bị phá hủy mãi mãi, do vậy hầm mộ chính sẽ được lưu giữ tới khi công nghệ bảo tồn mới được thực hiện trong tương lai.
Hài cốt không nguyên vẹn có thể là của tì thiếp trong khu lăng mộ
Tư Mã Thiên ghi lại rằng hoàng đế được an nghỉ trong quan tài bằng đồng, hầm mộ được phủ kín đồ dùng đặc biệt, tạo vật quý hiếm. Nhưng tất cả chỉ được viết lại sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà cả trăm năm, liệu ông đã ghi lại hết những chi tiết quan trọng?
Một vài ghi chú dường như bị phóng đại, như chuyện hoàng đế ép buộc 700.000 nhân công vào phục vụ cho việc xây dựng lăng mộ là một ví dụ. Và Tư Mã Thiên dường như bỏ qua một vài chi tiết quan trọng, không một chữ nào được viết về việc tạo ra những chiến binh đất nung.
Qua những chứng cứ khảo cổ về cuộc thanh trừng hoàng tộc trước khi lên ngôi, dường như những miêu tả về lăng mộ hoàng đế là xác thực, và một ngày nào đó các nhà khảo cổ sẽ mở ra kho tàng huyền bí của Tần Thủy Hoàng.