Cứ ngỡ như mọi chuyện chỉ có thể xảy ra trong mơ: 1 người mẹ đơn thân, 1 tay bế đứa nhỏ, 1 tay dắt đứa lớn, 3 mẹ con lang thang trong đêm mưa gió. Một chàng Tây bước xuống từ ô tô chìa bàn tay đón lấy cả 3 mẹ con đang rét run vì mưa lạnh…
Cách đây vài năm, khi cuộc sống hôn nhân với người chồng Việt trở nên ngột ngạt và bế tắc, chị Ngọc quyết định ly hôn dù thời điểm đó hai con còn rất nhỏ. Chồng trước của chị khi ấy không đồng ý nên quá trình ly hôn kéo dài suốt 2 năm. Thời gian đầu, bố mẹ trợ giúp chị rất nhiều trong vấn đề tài chính và pháp lý nhưng sau đó bố mất nên chị không còn chỗ dựa. Người chồng cũ thấy thế, bèn cố ý bỏ mặc 3 mẹ con để chị nếm thử cảm giác không tiền, không gia đình, không nhà cửa là thế nào. Chị Ngọc gần như không có lối thoát, nhà không về được vì bên chồng muốn giành quyền nuôi con. Cùng đường, chị dẫn con trốn lên Đà Lạt, mong yên ổn cho đến khi giấy tờ ly hôn hoàn thành. Thế nhưng giấy tờ cứ trục trặc hoài vì theo lời chị Ngọc là chồng cũ của chị rất giàu có và cố tìm cách phá.
Một đêm mưa gió ở Đà Lạt, chị Ngọc một mình dẫn con nhỏ lang thang ngoài đường vì tiền hết, chủ trọ không cho vào. Gọi anh em bạn bè giúp đỡ thì lúc ấy không ai đến được ngay. Lúc đó tay phải chị ẵm đứa nhỏ mới 3 tuổi, tay trái dắt đứa lớn 4 tuổi đi quanh hồ Xuân Hương. Vô duyên là khu đó không có căn nhà hãy chỗ trú mưa nào. Mấy mẹ con vừa đi vừa chạy mà vẫn ướt. Thấy taxi qua khu đó nhưng không dám gọi vì trong túi có 20 ngàn chỉ đủ chút nữa mua cơm. Chị cứ vừa đi, vừa ôm con mà khóc vì tủi thân quá. Chị chưa từng nghĩ sẽ có một ngày ra nông nỗi này.
Đột nhiên, một chiếc xe taxi đỗ lại. Một người đàn ông ngoại quốc mở cửa, chạy ra hỏi chị có muốn giúp đưa đến nơi gần nhất để trú mưa không. Và đó chính là anh – người chồng mà chị hết mực yêu thương ở thời điểm hiện tại. Khi ấy, chị không nghĩ được gì hơn ngoài việc không muốn các con bị mắc mưa nên gật đầu ngay. Lên xe, anh hỏi chị muốn đưa về đâu không, chị không nói được gì, chỉ khóc. Đi được 5 phút, anh cho xe dừng lại ở quán cà phê ngay đó, anh lấy áo khoác lau khô hai đứa nhỏ rồi kêu đồ ăn đồ uống. “Mình nói anh đừng có kêu gì vì mình không có tiền trả đâu. Anh lúc đó chỉ cười, kêu mình đừng lo” – chị Ngọc nhớ lại. Sau đó, thấy anh đút cho hai đứa nhỏ ăn ngon lành thì chị cảm động lắm. Khi anh hỏi chuyện, chị chỉ nói sơ sơ, còn phải dùng tay chân để diễn tả vì khi đó tiếng Anh chị không rành. Nghe xong, anh trấn an, bảo chị đừng lo gì cả.
Sau hôm đó, anh lo cho chị tiền nhà, tiền xe, đưa mẹ con chị về lại Sài Gòn, đóng hết các khoản phí li dị đơn phương cho chị. Chị lúc đó đột nhiên cảm thấy nghi ngờ vì sao trên đời lại có một người tốt đến như vậy. Chị cảm ơn và hỏi anh: “Em có thể làm gì để trả ơn anh không? Em có thể làm việc nhà, nấu ăn hay dẫn anh đi vòng vòng Sài Gòn nhưng em không làm việc bậy bạ”. Anh nói là chỉ cần gửi tặng anh một tấm hình chị cười tươi vui vẻ vì trong mấy ngày quen nhau anh chưa thấy chị cười bao giờ. Chị nghe xong mà cảm động muốn khóc. Đúng là những ngày qua chị không hề mỉm cười vì có quá nhiều chuyện không vui xảy ra.
Sau đó, tuy đã quay lại Anh vì chuyến công tác đã kết thúc nhưng thỉnh thoảng anh vẫn đáp máy bay sang Việt Nam để thăm chị cùng các con. Rồi anh cho lũ trẻ đi học, bảo vệ ba mẹ con như bảo vệ gia đình mình. Có một lần, anh ở nước ngoài gọi điện về cho chị. Nghe chị hát ru con ngủ, anh khóc. Anh nói anh đã 45 tuổi rồi nhưng chưa từng có con.
Khi cuộc sống đã tạm ổn định, chị biết anh mến chị và muốn tiến xa hơn. Lúc này, đối với mẹ con chị, anh cũng đã trở thành một người cực kỳ đặc biệt. Cuộc hẹn đầu tiên của hai người, chị dắt luôn hai đứa nhỏ đi cùng. Chị hỏi anh có chấp nhận được không, “vì em bỏ chồng thì được chứ con em không bao giờ bỏ, con là mạng sống của em”. Câu trả lời của anh một lần nữa lại khiến chị bất ngờ. Anh nói chính vì điều đó mà anh thương em.
Khi đã trở thành vợ chồng, ban đầu chị lo lắng lắm, vì anh chưa từng có con, giờ đột nhiên phải lo cho một lúc mấy người, rất tốn kém và đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn. Nhưng cũng chính anh lại là người trấn an. Anh nói anh coi con của chị như con ruột. anh thấy mình phải có trách nhiệm lo cho tụi nhỏ đến hết cuộc đời. Anh còn nói anh mới là người may mắn vì được làm cha của những đứa con xinh đẹp và có một gia đình hạnh phúc. Và anh đã làm đúng y như vậy. Cuối cùng sau nhiều năm kết hôn, giờ đây chị Ngọc và người chồng Tây đã có thêm một bé trai. Vậy là gia đình anh chị có đến 3 nhóc tỳ vừa đáng yêu vừa nghịch ngợm.
Trải qua một lần hôn nhân đổ vỡ, cuộc sống của chị sau khi tái hôn thay đổi hoàn toàn. Anh cư xử với vợ con khiến chị ban đầu rất ngạc nhiên. “Lúc trước mình ước chi chồng tặng mình dù chỉ một bông hoa vào ngày sinh nhật nhưng không bao giờ có. Bây giờ anh ấy tuần nào cũng tặng hoa, hoa chưa cũ thì đã có hoa mới. Thấy mình không vui, anh lặng lẽ dẫn 3 đứa nhỏ tránh chỗ khác cho mình nghỉ. Là người có chức vụ trong một công ty lớn nhưng chưa bao giờ anh đem công việc về nhà. Tối nào anh cũng dùng hai tiếng đồng hồ để dạy các con học. Đó là những điều từ xưa đến nay mình chưa bao giờ được hưởng. Anh còn làm nhiều điều lãng mạn lắm! Có hôm trời mưa rất to mà mình thì đi giày cao gót. Anh liền ẵm mình lên, chạy thật nhanh đến chỗ trú mưa, không để giọt nước nào bắn lên chân mình. Mình có một tính rất xấu là cứ ngày “đèn đỏ” sẽ trở nên cực kỳ cáu gắt. Mỗi lần như vậy, anh lần nào cũng mặc những bộ đồ trông rất dở hơi để chọc mình cười” – chị Ngọc đúc rút sau khi trải qua hai cuộc hôn nhân như thế.
Đến bây giờ, khi đã có một cuộc sống hạnh phúc, mỗi lần nghĩ đến đêm mưa gió năm đó, chị Ngọc đều cảm thấy rất xúc động và biết ơn. Mọi thứ đến với chị giống như một phép màu: một người mẹ đơn thân dắt con đi lang thang trong đêm mưa, một anh Tây bước xuống từ ô tô, chìa bàn tay ướt mưa đón lấy chị và mấy đứa nhỏ.
Sau khi đã trải qua đủ mọi thăng trầm của cuộc sống, chị Ngọc đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm cho mình. “Là phụ nữ phải luôn tôn trọng và yêu thương bản thân. Đừng bao giờ nói câu “vì con nên chịu đựng”, vì thực ra những đứa trẻ cũng không thể sống tốt trong môi trường đầy miễn cưỡng như thế. Phụ nữ hãy vì bản thân trước. Nếu người mẹ có cuộc sống tốt, đời sống vợ chồng hạnh phúc, các con sẽ được thừa hưởng lây những thứ tích cực đó. Phụ nữ cũng chỉ cần quản tốt bản thân mình là đủ chứ chẳng cần phải đi quản đàn ông” – chị chia sẻ.
Là một người đã từng đi qua đổ vỡ và đứng dậy một cách thành công, chị Ngọc khuyên những người đã và đang trong cùng cảnh ngộ như mình ngày xưa đừng nên bỏ cuộc. “Vì chắc chắn điều cũ qua đi điều mới sẽ tới. Hãy cố gắng vun đắp hạnh phúc hết khả năng của mình, nhưng một khi đã mất thì đừng níu kéo làm gì. Chỉ cần giữ cho mình luôn xinh đẹp và tài giỏi thì những trang sách cuộc đời tiếp theo đều sẽ do chính tay mình viết!”