Cho dù đã trải qua hơn 80 năm, hình ảnh 11 người công nhân xây dựng ngồi ăn trưa trên thanh dầm sắt nằm cao chót vót trên tòa tháp Rockefeller ở Manhattan, New York vẫn làm thót tim người xem mọi thời đại. Bởi đằng sau bức ảnh nổi tiếng này còn nhiều điều bí ẩn.
Ngày 20/9/1932, giữa trung tâm Manhattan, New York, Mỹ, 11 người công nhân đã cùng nhau dùng bữa trưa trên một thanh dầm sắt cao hơn cả đỉnh toà tháp Rockefeller. Những công nhân này đã quá quen thuộc với việc di chuyển trên thanh dầm sắt nhỏ bé. Vào ngày đẹp trời đó, bức ảnh có tên gọi “Bữa trưa trên tòa nhà chọc trời” ra đời nhưng đến thời điểm này tác giả của bức ảnh vẫn là một ẩn số. Bức ảnh chụp 11 công nhân xây dựng bình thản ngồi ăn trưa, đọc báo, hút thuốc và tán gẫu với nhau trên một thanh xà trên công trường ở độ cao hơn 250m tại Manhattan, Mỹ. Tấm hình được chụp trên tầng 69 của tòa tháp Rockefeller đi tiên phong trong các tòa nhà chọc trời ở Mỹ. Đây cũng là bức ảnh quảng cáo cho các dự án xây dựng tổ hợp nhà cao tầng thời bấy giờ.
Video:
Truyền thông Mỹ cho rằng những người công nhân đang nghỉ và dùng bữa trưa một cách thoải mái trên thanh dầm đã trêu đùa với một nhiếp ảnh gia, là người đang háo hức với dự án chụp ảnh công trình sắp hoàn thiện. Nhiếp ảnh gia này đã mạo hiểm thân mình để trèo lên ở một độ cao tương đương với đỉnh của toà tháp và chụp bức hình 11 công nhân ngồi ăn trưa với đôi chân treo vắt vẻo trên thanh dầm sắt cao chót vót gây tranh cãi. Bức ảnh đã trở thành một biểu tượng của nhiếp ảnh Mỹ trong thế kỷ 20.
Những bí ẩn đằng sau bức ảnh nổi tiếng này cũng là một phần gây nên sự tò mò với người xem trong suốt hơn 80 năm qua. “Còn nhiều điều bí ẩn chưa được tiết lộ đằng sau bức ảnh này”, nhà làm phim người Ireland Seán Ó Cualáin nói. “Ai là tác giả của bức ảnh? Và những người đàn ông trong bức ảnh là ai?”
Trong bộ phim tài liệu “Men at Lunch” của mình, Ó Cualáin cho biết : “Đó là một sự tình cờ thú vị”. Ông nói về sự tình cờ khi phát hiện ra 2 trong số 11 người đàn ông trong bức hình nổi tiếng khắp thế giới. “Khi tôi và em trai của mình đi vào một câu lạc bộ ở Galway (Ireland), chúng tôi nhìn thấy một bức ảnh chụp lại từ tấm hình nổi tiếng và được treo ở một góc phòng. Phía sau bức hình có một dòng ghi chú từ người con của một người đàn ông di cư từ Ireland tới New York vào những năm 1920: “Đây là bố tôi, Sonny Glynn, người ngồi ở phía bên phải tay cầm chai nước và đây là dượng tôi, Matty O’Shaughnessy, ngồi ở góc bên trái đang châm điếu thuốc”. Chúng tôi hỏi người pha chế về tờ giấy và “cũng giống như những con người tốt bụng ở Ireland”, chúng tôi được cho số liên lạc với Pat Glynn.
So sánh với những tấm ảnh gia đình của Pat Glynn thì Ó Cualáin xác nhận sau 80 năm đi qua thì đã nhận diện được 2 người đàn ông trong số 11 người công nhân ăn trưa trên thanh dầm cao chót vót trong bức hình làm bao con tim “giật thon thót”.
Ó Cualáin có một bản sao của bức hình thứ 2, chụp chỉ vài giây sau bức hình nổi tiếng khắp thế giới. Đó là khoảnh khắc điếu thuốc được châm lửa, và người đàn ông ngồi ở góc trái bức hình tỏ khuôn mặt hài hước cứ như thể nhiếp ảnh gia đang nói với họ: “Đừng nhìn vào chiếc máy ảnh này”.
Điều khiến bức ảnh trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết là tầng 30 sắp hoàn thành của tháp Rockefeller Plaza có rất nhiều hình ảnh được chụp, và các bức ảnh chụp chỉ cách xa nơi chiếc dầm treo có 11 công nhân đang ăn trưa. Bức hình gây thu hút này nằm trong bộ sưu tập ảnh của Rockefeller gửi tới giới truyền thông để quảng bá về bất động sản của mình, nhà thầu giàu nhất nhì nước Mỹ. Tuy nhiên, tác giả của tấm hình chưa bao giờ được xác nhận mặc dù nhiếp ảnh gia tham gia chụp trong bộ sưu tập ảnh của Rockefeller gồm có Charles Ebbets, William Leftwich và Thomas Kelley.
Hơn 80 năm tồn tại, bức hình không có chủ sở hữu vẫn luôn nằm trong Top 100 bức hình có ảnh hưởng trong lịch sử.
Theo daikynguyen