Trong 100 mẫu thử ở tại BVĐK Xanh Pôn, 8 mẫu có nguy cơ bị ung thư cao, vấn đề an toàn thực phẩm lên tới mức báo động đỏ.
Đây là thông tin được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Đức Hiển cho hay trong buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Quốc hội với Thành phố Hà Nội diễn ra chiều 6/1.
Đoàn giám sát Quốc hội đã chia làm 4 tổ, mỗi tổ trực tiếp kiểm tra từ 6-8 điểm (gồm: siêu thị, chợ, bếp ăn tập thể, lò giết mổ, cơ sở thức ăn đường phố). Nhận định chung của đoàn giám sát cho thấy, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Đức Hiển nhấn mạnh: “Vấn đề ATTP của Hà Nội đã đến giới hạn đỏ, nguy cơ liên quan đến sức khỏe. Vừa qua, tại BVĐK Xanh Pôn, tiến hành thử 100 test có 8 test có nguy cơ biểu hiện ung thư, đó là tỷ lệ cao. Tiến tới phải kiểm tra tất cả”.
Ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, thành viên Tổ giám sát số 1 khi tiến hành kiểm tra tại cơ sở giết mổ Mạnh Quang (Tri Tương, Phú Xuyên- Hà Nội) cho hay, chỉ có một công đoạn được xử lý theo công nghiệp (đưa con bò lên), còn khi thả con bò xuống thì lại “tiếp đất” xuống nền xi măng rất bẩn. Công nhân dù có đi ủng khi tham gia giết mổ bò, nhưng lại đi lại rất nhiều trên nền xi măng lênh láng nước bẩn. Cơ sở này có mùi rất kinh khủng, nước lênh láng trên nền.
“Thậm chí, mùi hôi thối này còn lên theo xe của tổ giám sát về tới nhà” – ông Nguyễn Vinh Hà cho biết.
Đánh giá công tác giám sát của tổ 2, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường cho biết, khi đi khảo sát các cơ sở vẫn còn tình trạng chai lọ thuốc bảo vệ thực vật còn vứt vương vãi trên bờ mương. Tại chợ dân sinh, hàng hóa quy mô sạch sẽ nhưng thực phẩm được bày bán chưa đúng quy định, còn nhiều thực phẩm không có nguồn gốc… Riêng tại chợ đầu mối Hải Bối (huyện Đông Anh), mỗi ngày giết khoảng vài chục nghìn con gia cầm, nhưng quá trình giết mổ tràn lan trong khi công tác bảo vệ môi trường tại khu vực này còn hạn chế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH – CN- MT của Quốc hội Phùng Đức Tiến cho biết, đoàn tiến hành kiểm tra 2 cơ sở giết mổ gia cầm Thịnh An và Vạn Phúc của Thanh Trì cho thấy toàn lò mổ như một công trường, cơ sở “nhìn mất vệ sinh lắm”. Khảo sát cở sở giết mổ Hữu Văn (Chương Mỹ) với 2 cơ sở trực tiếp kiểm tra và quan sát một số cơ sở khác thấy công nghệ thủ công, quy mô nhỏ lẻ (khoảng 20- 30 con/cơ sở). Các cơ sở nằm trong khu dân cư nên ô nhiễm nặng: từ ô nhiễm tiếng ồn thậm chí tiếng lợn kêu khi bị giết nghe rùng rợn, ô nhiễm chất thải rắn và ô nhiễm mùi một cách kinh khủng. Theo ông Minh thì “các cơ sở này không đủ cấp giấy chứng nhận ATTP. Sản phẩm của các cơ sở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu ATTP”.
Hà Nội tiến tới sẽ chỉ bán rau ở siêu thị
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, trên Thành phố dù chưa có vụ ngộ độc tập thể nào lớn nhưng nguy cơ là rất cao.
Về việc quản lý chất lượng rau, hoa quả trên địa bàn TP, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc tiêu thụ rau hiện chưa kiểm soát được. Một bộ phận người trồng rau dù đã xây dựng được thương hiệu, nguồn gốc nhưng vẫn tranh thủ bán cho tư nhân, chở vào các chợ đầu mối.
“Tới đây, bước đầu TP Hà Nội sẽ thí điểm quản lý kinh doanh hoa quả, không thể bày bán ngoài vỉa hè, lòng đường mà phải đưa vào trong nhà, có tủ bảo quản đảm bảo quy chuẩn, kiểm soát chặt xuất xứ. Còn với các chợ, quy hoạch của TP dứt khoát không thể để phường nào cũng có chợ, tương lai vẫn phải tạo thói quen cho người dân mua bán thực phẩm trong siêu thị” – ông Chung cho biết.
Hiện nay, tổng diện tích canh tác rau của Hà Nội là 12.000 ha, trong đó có 5.044 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 224 ha rau VietGAP và gần 50 ha rau hữu cơ. Thành phố đã xây dựng 8 cơ sở sơ chế gắn với vùng sản xuất tập trung và 64 cơ sở sơ chế nhỏ của hợp tác xã và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong năm 2017, thành phố quyết tâm xây dựng 4 trung tâm giết mổ tập trung.
Nguồn Báo Mới