Nhìn vào cuộc sống hiện tại, ai cũng nghĩ Thanh Tuyền sung sướng, hạnh phúc, có những đứa con đẹp như thiên thần và gia đình đầm ấm đáng ghen tị. Thế nhưng, chỉ ai thân thiết mới biết rằng, chị từng trải qua bao năm tháng đau đớn vô cùng, luôn trăn trở với ước nguyện được gặp lại mẹ đẻ, dù là trong mơ…
Tôi vô tình quen chị vào một ngày Hà Nội hơi hanh hao, những hàng hoa sữa lác đác toả hương nồng nàn. Chị là một người phụ nữ trẻ, xinh đẹp, phong thái dịu dàng, sâu lắng, khiến người đối diện bị thu hút ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Chị tự nhận mình là một bà mẹ bỉm sữa không có gì đặc biệt, thậm chí rất bình thường so với nhiều mẹ khác. Chị không nổi tiếng vì kinh doanh giỏi, sưu tập hàng hiệu, hay có máu nghệ sĩ trong người.
Chị có một công việc văn phòng ổn định, một tổ ấm hạnh phúc với chồng và 2 nhóc tì đủ nếp đủ tẻ, bố mẹ 2 bên tâm lý, cuộc sống thoải mái, không giàu có nhưng vui vẻ, ít ưu phiền. Chị rất hay cười, cởi mở với mọi người xung quanh, khiến ai cũng cảm thấy gần gũi, yêu mến.
Song, đối lập với tất cả những điều an bình như mơ ấy, chị đã từng là đứa trẻ bị bỏ rơi. Tất cả những mảnh ký ức vụn vỡ chị đang có, mơ hồ và trống trải, đều do người khác kể lại, chắp nhặt thành tuổi thơ quá đỗi bất hạnh, xót xa. Người ta bảo, bố đẻ chị làm lái xe tuyến Hà Nội – Hải Dương. Nam 1986, cuộc sống vẫn còn nghèo nàn, đơn sơ, ai ai cũng lao động vì đất nước đổi mới. Bố đẻ chị cũng là một thanh niên sôi nổi ngày đó, trong một lần dừng chân ở Hải Dương đã quen một cô thôn nữ xinh đẹp có tiếng, chính là mẹ ruột chị.
Dù đã có gia đình nhưng bố chị vẫn theo đuổi, qua lại với mẹ chị, rồi sinh lần lượt 2 người con là anh trai và chị. Qua thời bao cấp, bố chị không làm việc trên tuyến xe liên tỉnh quen thuộc nữa, biến mất mãi mãi, bỏ lại 3 mẹ con chị ở quê. Lúc ấy, chị mới 17 tháng tuổi. Nhiều người sẽ thắc mắc vì sao lại có những chi tiết như thế? Như trên đã nói, tất cả chỉ là lời kể lại của những người biết chuyện từ khá lâu rồi.
Chị lúc nhỏ gầy còm ốm yếu, lở loét khắp người, mẹ chị đã quyết định đem 2 con đến cơ quan bố chị trên Hà Nội để trả. 2 đứa trẻ ngơ ngác dưới một gốc cây, sau đó thì mẹ chị quay lại đón anh trai, bỏ chị lại một mình. May mắn sao, một người phụ nữ đi qua chỗ chị bị bỏ lại, chính là bà ngoại nuôi bây giờ, liền đưa chị về nhà. Những tưởng gia đình bà sẽ đảo lộn vì sự có mặt của chị, một cô bé lở loét chẳng phải ruột thịt nên họ sẽ bỏ rơi chị lần thứ 2.
Nhưng không, bố nuôi chị khi ấy còn trẻ, vừa cưới vợ, chưa có con nên xin bà nhận chị làm con nuôi. 6 năm sau, chị có thêm 1 em trai nữa, nhưng bố mẹ nuôi vẫn đối xử rất tốt, chưa một lần phân biệt kỳ thị với chị, nuôi chị ăn học đàng hoàng, thậm chí còn chiều chuộng, yêu thương chị vô cùng.
Người bố nuôi tốt bụng ấy đã đặt tên cho chị là Nguyễn Thanh Tuyền, và chọn ngày tìm thấy chị 25/6 làm ngày sinh, coi như chị tái sinh một kiếp người mới, rũ sạch những khổ đau trong quá khứ. Tuyền kể chuyện một cách bình thản, nhẹ nhàng, chỉ có ánh nhìn đượm buồn xa xăm, nhưng tôi biết, để làm được điều ấy, chị đã đi qua những tháng ngày cô đơn.
Bố mẹ nuôi không giấu, nhưng cũng không tiết lộ thân phận thật của chị. Cho đến một ngày, khi đang học lớp 12 mọi người bảo chị là con hoang, chị buồn khóc bỏ đi, bố mẹ chị đi tìm về và nói: “Con do bố mẹ sinh ra hay mang về không quan trọng, quan trọng tình cảm chúng ta dành cho con, chẳng lẽ con không cảm nhận được tình yêu ấy, trái tim con không ấm lên khi ở nơi này sao con”.
Chị oà khóc, hiểu ra mình đã ích kỉ thế nào… Cha sinh không bằng mẹ dưỡng, chị đã cố gắng cân bằng lại tâm lý, sống lạc quan hơn, bởi chị biết bố mẹ nuôi thực sự tốt với chị, còn hơn cả dứt ruột đẻ ra.
Mọi người thường hỏi chị có buồn, có hận người sinh ra chị rồi lại bỏ rơi hay không. Mà không phải 1 lần, nỗi đau với chị còn nhân đôi vì bố đẻ chị bỏ đi không mảy may thương xót, còn mẹ chị, đã lựa chọn người anh trai thay vì đứa con gái nhỏ bệnh tật… Thế nhưng, Tuyền chỉ cười: “Mình không hận thù không oán trách gì cả, chỉ mong một lần gặp lại mẹ ruột để nói cảm ơn bà, cảm ơn vì đã sinh ra mình trên cuộc đời này, cảm ơn vì đã chọn cách bỏ lại mình nơi đó, để có cơ hội gặp được bố mẹ nuôi bây giờ.
Thực tế thì gia đình mới của mình quá tốt, mình đã được hưởng sự quan tâm chăm sóc, cảm giác hạnh phúc, đầm ấm và bình thường như bao đứa trẻ khác. Mình cũng đã làm mẹ, mình hiểu cảm giác của một người mẹ phải chọn cách bỏ lại đứa con để mong con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chắc khi bỏ lại đứa con mình sinh ra, người đàn bà đó cũng đau khổ lắm, mình không hận bà mà chỉ thấy thương cho hoàn cảnh của bà thôi”.
Nhiều lần nằm mơ thấy bóng dáng mẹ đẻ, nhưng chị không thể nhìn rõ mặt. Người ấy bất chợt đến gặp chị, nhưng quay lưng đi ngay, chị muốn nhìn khuôn mặt bà nên gọi mãi gọi mãi, nhưng chưa một lần thỏa ước nguyện. Tỉnh dậy, chị lại bàng hoàng, tiếc nuối… Một cô bé 17 tháng tuổi thì nhớ sao được? Gần 30 năm tìm kiếm, nhiều lúc chị cảm thấy tuyệt vọng, dù bố mẹ nuôi cố gắng bù đắp cho chị bằng mái ấm đủ đầy, chan chứa tình thương, nhưng Tuyền vẫn luôn băn khoăn trăn trở. May mắn nữa là chị gặp được người chồng bây giờ, tuy ít nói, lãnh đạm nhưng yêu chị rất nhiều, cảm thông với những tổn thương quá khứ, và cùng chị mang đến thế giới này 2 thiên thần đáng yêu là bé Bông, bé Coca.
Lũ trẻ rất ngoan, yêu thương mẹ, chị luôn dành tất cả những gì mình có để các con hạnh phúc, không phải chịu đựng thiệt thòi như chị ngày xưa.
Chia sẻ thêm về bố mẹ nuôi, đôi mắt Thanh Tuyền lấp lánh nước. Chị kể, nhà bố mẹ ở Chương Mỹ, Hà Tây cũ. Trong trái tim chị, họ luôn là bố mẹ đẻ, còn hơn cả đẻ ra chị, bởi tình thương bao la chân thành họ dành cho chị trong kiếp sống thứ 2 này. Bố nuôi chị sống cực kỳ tình cảm, còn mẹ chị thì lại là người ít bộc lộ cảm xúc. Ông bà đều rất hiền, riêng mẹ chị là hình mẫu mà chị thần tượng, bởi bà tần tảo, chịu thương chịu khó, chẳng bao giờ nghĩ đến mình mà lúc nào cũng chỉ hi sinh cho chồng con.
Chị lên ĐH, mẹ cố tình chỉ cho 50 ngàn mỗi tuần, để con gái không đủ tiền tiêu, về nhà với gia đình dịp cuối tuần. Bố chị biết được, thương con gái lắm, toàn gọi ra cơ quan cho thêm. Hồi ấy mới lớn, ham chơi, chỉ nghĩ cho mình, nên có lần chị dỗi mẹ không về. Sau này chị mới hiểu, mẹ làm thế vì thương mình quá. Ra nhà trọ, chị toàn ôm chăn nằm khóc nhớ bố mẹ, biết ơn họ vô cùng.
Nhà bố mẹ nuôi cũng gọi là có điều kiện, nhưng mẹ chị rất tiết kiệm, quần áo vài bộ mặc quanh năm ngày tháng, không sắm sửa bao giờ. “Mẹ bảo, bà nhịn ăn nhịn mặc để dành dụm cho các con, chẳng may lúc các con khó khăn mẹ sẵn sàng cho hết. Nhắc đến mẹ là mình không cầm được nước mắt. Bố đi công tác hay du lịch nước ngoài, muốn đưa mẹ theo, bà toàn từ chối vì sợ tốn kém thêm chi phí”.
Em trai nuôi cũng rất thương chị. Dù không máu mủ ruột rà, nhưng từ nhỏ đến lớn cậu rất hiểu chuyện, chưa bao giờ nói một câu khiến chị tổn thương. Chị đi học xa, biết cuộc sống sinh viên ngoài thành phố lớn khó khăn nên em trai chị toàn nhịn ăn sáng, chờ chị về lại dúi vào tay, dặn chị cầm ra trường mà tiêu thêm. Chị lấy chồng cách đây 7 năm, bầu bí về nhà, sờ đến mâm bát là bị em trai mắng không cho làm, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ, cậu tranh làm hết mọi thứ, khiến chị cảm động vô cùng.
Bà mẹ 2 con tự nhận mình là người phụ nữ đa sầu đa cảm. Nhìn lại mọi thứ quanh mình, Tuyền cảm thấy hài lòng với những gì chị đang có. Niềm vui mỗi ngày của chị là cuối ngày được trở về nhà với các con, tắm rửa, chơi đùa, đưa chúng đi khắp nơi. Không bao giờ chị quên được thân phận của mình, nhưng bù lại điều đó, chị có người thân, bạn bè giúp chị tái sinh, sống cuộc đời mới lạc quan, có ích.
Chẳng ai hình dung được, bà mẹ 2 con xinh đẹp rạng rỡ này lại mang trong mình nỗi đau quá lớn, phải kìm nén suốt bao năm và vẫn đau đáu mong mỏi được gặp lại người thân sinh ra mình. Hi vọng sẽ đến ngày cõi lòng chị được thanh thản, bình yên, ngủ một giấc không trăn trở mộng mị, dù bố mẹ đẻ còn sống hay đã mất chị vẫn muốn một lần được gặp lại, để nói lời cám ơn đấng sinh thành…