Một năm 2016 đau thắt lòng đồng bào Việt với sự ra đi đột ngột của ba trí thức trẻ ở đất khách quê người, bỏ lại cả tương lai tươi sáng ở phía trước.
Ba giấc mơ dang dở nơi xứ người
12 giờ khuya 24/12, du học sinh Nguyễn Đình Liên (21 tuổi, quê quán Cửa Lò, Nghệ An) bị đánh thức bởi một cuộc điện thoại kêu cứu từ một người bạn cùng phòng. Vẫn chưa rõ chuyện gì, chỉ biết rằng bạn mình đang gặp nguy, Liên vội vã chạy đến thì gặp một nhóm người Việt đang xô xát với một nhóm người Thái Lan. Tưởng rằng Liên được gọi đến để “tiếp viện”, nhóm người Thái liền xông vào tấn công, gây trọng thương cho cậu sinh viên hiền lành. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng Liên đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1 giờ sáng ngày 25/12. Cuộc sống của Liên đã mãi dừng lại ở tuổi 21, ở một nơi không phải quê hương mình. Đến khoản vay mượn cho Liên đi du học nay còn chưa trả hết, gia đình cậu đã phải đau đáu xoay xở để vay một sồ tiền khá lớn để đưa cậu về nhà an táng.
Trở lại tháng 9/2016 – thời điểm đồng bào Việt như đứt từng khúc ruột trước hung tin về hai cái chết liên tiếp của hai du học sinh Việt tại Nhật Bản. Giữa tháng 9, một du học sinh tên Trần Đắc Tình (sinh năm 1993, quê tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đột ngột qua đời do bệnh cảm nặng nhưng mãi một tuần sau, đau lòng thay, gia đình Tình vẫn chưa thể đưa thi thể cậu về quê mai táng. Sang Nhật từ tháng 6/2015, vừa ổn định với nhịp sống ở xứ văn minh chưa được bao lâu thì Tình đã vội vã ra đi, bỏ lại gia đình với người mẹ vốn luôn đau yếu cùng khoản nợ không biết làm sao trả hết do vay mượn để Tình được đến với xứ người.
Vẫn chưa thể quên gương mặt sáng sủa, hiền lành của cậu du học sinh Đặng Văn Quang (quê ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Hoàn thành 12 năm đèn sách tại quê nhà, Quang được cha mẹ đầu tư cho sang Nhật học như bao bạn bè đồng trang lứa xung quanh cậu. Tương tự như trường hợp của Liên và Tình, gia đình của Quang cũng không mấy khá giả, nhưng vì tương lai của con nên đã cố gắng hết sức vay mượn, cầm cố được 300 triệu đồng.
Sang xứ người, ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, Quang lao vào học tập và tranh thủ làm thêm để trang trải việc học, đồng thời gửi về quê để giúp bố mẹ trả nợ dần. Vốn không có nhiều thời gian để đi chơi, gia đình khá yên lòng khi Quang gọi điện về báo rằng mình đang đi biển cùng bạn bè ở Koga. Nhưng họ đâu ngờ, đó là những lời cuối cùng họ nghe được từ người con trai chăm ngoan, hiền lành, bởi sang hôm sau, Quang chỉ là một cái xác không hồn do chết đuối.
Những điểm tương đồng về số phận kém may mắn của ba nam sinh khiến nhiều người không khỏi đau lòng và bàng hoàng tự hỏi: Nhật Bản hay bất kì một đất nước phát triển nào đó, có thật sự là nơi giấc mơ bắt đầu như bấy lâu nay người ta vẫn bảo nhau?
Khi “mặt trời mọc” nhưng trời vẫn không sáng
Những năm gần đây, du học cũng như xuất khẩu lao động sang Nhật dường như là một xu hướng lan ngày một rộng ở các tỉnh lẻ, một số vùng quê nghèo. Ở phạm vi làng xã nhỏ hẹp, còn mang tính cộng đồng cao, một người làm là cả làng bắt chước theo. Cũng chính từ đó mà đã có biết bao thanh niên như Liên, Tình, Quang đã háo hức lên đường sang xứ sở mặt trời mọc, với nhiều kì vọng phía trước và khoản nợ không nhỏ đằng sau.
Nhưng rồi, cuộc sống ở đất nước có trình độ công nghiệp hóa cao, phát triển hàng đầu thế giới với tính kỉ luật thép, quả thật không phải dễ thích nghi trong một sớm một chiều. Những người trẻ phải học tập và lao động gần như gấp đôi, gấp ba mới duy trì và bắt kịp nhịp sống nơi đây. Để rồi những hình ảnh du học sinh Việt co ro ngủ vội giữa các ca làm trong một kho hàng ẩm ướt, chật chội nào đó xuất hiện trên các mạng xã hội. Những câu bình luận, những cú nhấp chuột chia sẻ vẫn không thể vơi đi sự cơ cực của người trẻ Việt nơi xứ lạ.
Còn gì xót xa hơn khi tương lai rộng mở, đầy hứa hẹn đâu không thấy, mà tin về chỉ là những hình ảnh như thế, đáng buồn hơn là những trang tin bằng ngôn ngữ xứ người về những du học sinh Việt bị bắt vì tội ăn cắp – một trong những tội bị khinh rẻ nhất ở xứ văn minh. Và thậm chí là những hung tin về một mái đầu xanh nào đó đã vĩnh viễn từ biệt cõi đời nhưng không thể đưa thi thể về với đất mẹ vì không đủ tiền trang trải…
Tạm kết
Du học – đi là để trở về, đi để hấp thụ nền giáo dục tiến bộ từ xứ người, để mang về cống hiến cho đất nước. Có lẽ ngày xưa, cũng như bao du học sinh khác, ba bạn trẻ này cũng từng háo hức với chuyến hành trình đến một phương trời mới, để thử thách bản thân, học hỏi và trở về trong một ngày không xa. Nhưng rồi, cuộc đời không ai lường trước được điều gì. Ba bạn trở về với đôi mắt nhắm nghiền, cơ thể đã cứng đơ, không chút sinh khí, chờ ở sân bay không phải là những giọt nước mắt hạnh phúc của bậc sinh thành, mà là nỗi đau của kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh. Và rồi, những giấc mơ, hoài bão còn dang dở của các bạn mãi mãi ở lại nơi xứ người…
Dẫu biết rằng, trong xã hội hay thời đại nào cũng thế, một khi đã dám đi xa, dám mơ lớn thì rõ ràng đoạn đường phía trước sẽ không hề bằng phẳng, thậm chí còn lắm truân chuyên, nhưng vẫn không thể thôi xót lòng cho những người trẻ lăn lộn đến bán mạng ở đất khách quê người. Cuộc sống xa gia đình, xa đồng bào ở một nơi không nói cùng ngôn ngữ với mình, chưa kể khác biệt văn hóa, xét cho cùng vẫn là khá đắt, khi đặt ngang hàng với một giấc mơ chưa chắc đã thành hiện thực, với những kì vọng chưa chắc bao năm “cày cuốc” đã đáp ứng được. Nhất là khi, những ước mơ và kì vọng ấy, lại phải trả bằng cả tuổi thanh xuân và mạng sống như thế này.
(Ảnh: Internet, Beatvn, Facebook)