Khi chồng chuẩn bị cưới thêm vợ hai, một mình bà Thanh đứng ra lo liệu. Ngày rước dâu, ông Hương mượn chiếc xe Honda Cub 81, đèo bà Thanh và cô dâu về nhà. Trên quãng đường 15km đó, hai người phụ nữ ấy phải ôm chặt lấy nhau… vì sợ rơi.
Vợ hiếm muộn khuyên chồng lấy thêm vợ hai
Chúng tôi tìm về xóm 8 xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, nơi có người đàn ông nổi tiếng trong vùng vì một lý do rất đặc biệt: 15 năm qua, ông và hai bà vợ vẫn ngủ chung một giường. Đặc biệt hơn, người vợ hai là do vợ cả đứng ra cưới về cho chồng.
Ngôi nhà của ông Vũ Văn Hương (56 tuổi) và hai người vợ là Võ Thị Thanh (53 tuổi) và Nguyễn Thị Hương (41 tuổi) nằm nép mình sau dãy nhà cao tầng trong con ngõ sâu hun hút. Mới đi đến đầu cổng, chúng tôi đã nghe tiếng ông Hương giục các con làm việc nhanh tay.
Tiếp đó là tiếng dép của trẻ con chạy loẹt quẹt trên nền nhà, kèm theo là những tiếng cười giòn tan. Chỉ khi bước vào khoảnh sân gạch nhỏ, chúng tôi mới biết thì ra bố con ông Hương đang làm kẹo lạc để ăn chơi trong lúc rảnh rỗi.
Ba bố con ông tất bật đến độ, ông chỉ kịp ngước nhìn khách rồi bảo đứng chờ một lát. Hai cậu con trai thì tỏ ra thích thú, làm theo từng động tác của bố.
Làm xong mẻ kẹo, ông bảo hai cậu con trai lấy riêng ra đĩa mời khách thưởng thức. Bên tách trà nóng, nhâm nhi miếng kẹo lạc nóng giòn, ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cuộc đời, duyên số gắn kết với hai bà vợ hiện tại và bí quyết “chung sống hòa bình” đã 15 năm.
Năm 1982, sau khi giải ngũ về quê và từ bỏ ý định học sĩ quan vì nhà quá nghèo, ông lấy vợ. Bà Thanh là người phụ nữ đẹp người, đẹp nết, lại rất đảm đang. Cưới nhau được 1 năm, ông Hương quyết định đến một huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình làm nương lập nghiệp.
Kí ức của ông về 4 năm ở mảnh đất đó là những ngày đói khổ, làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Ông nhớ lại: “Thời ấy đói khổ lắm, nấu cơm gạo một phần thì độn ngô đến 2,3 phần. Nhưng chẳng hiểu sức đâu ra mà tôi làm khỏe thế”.Ở quê nhà, một mình bà Thanh thay chồng cáng đáng công việc đồng áng và chăm sóc chu đáo bố mẹ chồng.
Thế nhưng trời chẳng đáp lòng người, sau 4 năm xa quê lập nghiệp, ông đành quay về với số tiền vỏn vẹn chỉ đủ để đong mấy yến thóc. Tuy thất vọng nhưng vợ chồng ông vẫn động viên nhau chịu khó cày cuốc, kiếm kế mưu sinh.
Ngày ông về, bố mẹ ông là người vui mừng nhất. Bởi họ luôn mong mỏi trước khi nhắm mắt xuôi tay, được bế bồng đứa con của “thằng út” trên tay (ông Hương là con út trong gia đình có 3 anh em trai).
Cũng đến lúc này, vợ chồng ông mới giật mình nghĩ đến chuyện tại sao mãi đến giờ mình vẫn chưa có con. Bởi sau khi cưới hai người cũng đã sống với nhau được 1 năm, rồi ông mới vào Ninh Bình. Thế nhưng, dù cố gắng thế nào, 1 năm, 2 năm, 3 năm sau ngày ông về, bà Thanh vẫn chưa có tin vui.
Đến lúc này, vợ chồng ông mới quyết định đi thăm khám vô sinh. Đêm hôm đó, vợ chồng ông ngồi thẫn thờ khóc thâu đêm khi biết bà Thanh không thể mang thai. Dù buồn, nhưng ông không dám trách vợ nửa lời. Mấy năm sau, bố ông mất mang theo nỗi buồn còn day dứt mãi.
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi bà Thanh đi làm về. Vừa thấy vợ ở cổng, ông vội đứng lên hỏi:“Bà về rồi đấy à! Rửa tay chân rồi vào đây nhé”.
Đáp lại lời ông là một giọng phụ nữ nhẹ nhàng: “Dạ, anh chờ em lát”. Lúc này, chúng tôi mới biết hai cậu bé lúc nãy là con của bà Hương – vợ hai của ông. Chờ bà Thanh vào ngồi cạnh, ông pha một lượt trà mới rồi tiếp tục câu chuyện.
Tôi thoáng thấy đôi mắt bà Thanh đỏ hoe khi nghe chồng kể về chuyện con cái. Rồi đến lúc không kìm nén được, bà bộc bạch, sau lần đi khám, bà bị sốc nặng khi biết mình không thể sinh con. Mặc dù chồng vẫn yêu thương và không oán trách, nhưng bà vẫn luôn canh cánh trong lòng và coi đó là một tội lỗi.
Bà kể: “Hằng đêm, khi nghe tiếng trẻ con nhà hàng xóm khóc, vợ chồng tôi chỉ biết thở dài nhìn nhau”. Đó cũng là lý do khiến người phụ nữ này quyết định làm một chuyện mà hiếm ai có thể làm: Khuyên chồng đi lấy vợ hai. “Mới đầu ông ấy giận lắm, nhưng sau vài tháng, ngày nào tôi cũng động viên, cuối cùng ông ấy cũng đồng ý”, bà Thanh kể.
Năm 1999, sau những lần vào thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng) mua lạc, ông Hương quen được một người phụ nữ hiền lành cũng tên Hương.
Trước khi ngỏ lời, ông nói rõ: “Ở nhà tôi đã có vợ rồi. Nếu em đồng ý theo tôi về thì phải chấp nhận làm em”. Dù là gái còn son, nhưng trước lời “tỏ tình” của một người đàn ông thật thà, bà Hương liền gật đầu.
Một đám cưới gần 30 mâm cỗ nhanh chóng được tổ chức. Tất cả mọi việc trong đám cưới đều do bà Thanh đứng ra lo liệu. Ngày “rước dâu”, ông Hương mượn chiếc xe Honda Cub 81, đèo bà Thanh và “cô dâu” về nhà. Trên quãng đường 15km đó, bà Thanh và bà Hương phải ôm chặt lấy nhau…vì sợ rơi.
Đêm ngủ không biết nghiêng về bên nào
Đêm “tân hôn”, cả ba người cùng ngủ chung vì nhà chỉ có một chiếc giường duy nhất. Được chừng 1 tuần, ông Hương gọi hai bà vợ lại, nói rõ “quan điểm”: Ông đều xem cả hai là vợ nên sẽ sống chung, còn nhà thì không thể ngăn đôi được. “Lúc đầu tôi cũng sợ “căng thẳng” lắm, nào ngờ tôi vừa dứt lời, hai bà đều đồng thanh “Dạ”, ông Hương kể.
Thời điểm này, ông Hương đang buôn lạc và trồng mấy sào na ở khu đất thuộc thị trấn Ba Sao, cách nhà chừng 20km nên phải đi thường xuyên. Những ngày đó, ông rất sợ ở nhà có biến. Vì thế, không ít lần ông về nhà bí mật rồi đứng ở ngoài cổng nghe ngóng “tình hình”.
Nhưng có vẻ ông đã quá lo xa, bởi dù bao nhiêu lần “rình” ở cổng thì ông vẫn chỉ nghe được tiếng bà Hương “một dạ hai vâng” với bà Thanh. Ngược lại bà Thanh cũng nhẹ nhàng “một chị hai em” với vợ hai của chồng.
Hằng ngày, mọi việc trong nhà, hai bà đều sắp xếp gọn gàng và sẵn sàng làm thay nhau khi người kia bận. Người dân xóm 8 chẳng ai còn lạ với hình ảnh vào ngày mùa, bà Hương và bà Thanh cùng đi gặt, cười nói, quan tâm nhau như chị em ruột.
Ngược lại, ông Hương cũng không “ỷ thế” mình có tận hai bà vợ mà lười biếng. Ông sẵn sàng làm mọi việc kể cả lo cơm nước, giặt giũ cho con khi hai vợ đi làm về muộn.
Chỉ tay về phía hai đứa con trai đang chơi ngoài sân, ông Hương nói: “Đó, nhờ có hai thằng con mà ba chúng tôi mới đỡ ngại”. Sợ chúng tôi không hiểu nên bà Thanh nói thêm, thời gian đầu, chỉ có ba người với nhau nên mỗi khi ngồi ăn cơm hoặc uống nước cứ ngại ngùng sao ấy.
Đêm đến cũng vậy, mọi người lên giường theo thứ tự: Bà Thanh trong cùng, ông Hương ở giữa, rồi đến bà Hương nằm ngoài. “Lắm khi bị muỗi đốt, tôi còn không dám gãi vì sợ mất lịch sự”, bà Thanh cười kể.
Còn ông Hương lắc đầu: “Hai bà nằm hai bên, đêm ngủ dù mỏi rã rời, tôi cũng không dám trở mình, vì chẳng biết nên nghiêng về bên nào”.
Đến năm 2002, 2003, hai cậu bé lần lượt ra đời không chỉ mang lại niềm hạnh phúc riêng cho ông Hương và vợ hai mà bà Thanh cũng vui không kém. Thời điểm bà Hương mang bầu, đến khi sinh, bà Thanh là người chăm sóc và lo ẵm bồng cho cả hai đứa nhỏ.
Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi hai cậu bé đều gọi bà Thanh là mẹ. Khi chúng tôi hỏi về bà Thanh, hai cậu con trai của ông Hương hồn nhiên trả lời: “Mẹ Thanh yêu chúng con lắm. Chẳng bao giờ mẹ mắng hay đánh đòn và Tết nào mẹ cũng sắm quần áo mới cho chúng con”.
Tiếc là câu chuyện của chúng tôi không có đủ mặt cả ba người, bởi bà Hương làm công nhân ở thành phố Phủ Lý đến tối mịt mới về nhà. Cuộc sống của gia đình ông Hương hiện khá yên ả, chứ không nổi sóng như nhiều người tưởng tượng.
Hai bà vợ đều làm công nhân, còn ông Hương ở nhà chăm lo cho hai cậu con trai đang học lớp 7 và lớp 8. Bên cạnh đó, ông cũng quán xuyến việc đồng áng và một tay chăm đàn lợn 15 con.
Bà Nguyễn Thị Vân – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhật Tân cho biết: “Trước đây, chính quyền đã đến tuyên truyền, vận động và giải thích việc ông Hương lấy vợ hai là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên, hoàn cảnh của ông Hương như thế nên mọi người cũng hiểu và thông cảm. Hơn nữa, việc vi phạm này lại có sự đồng thuận của bà Thanh nên chính quyền mới nương tay mà không xử lý.15 năm qua, vợ chồng họ sống rất hạnh phúc và chưa để xảy ra điều tiếng gì”.
Nguồn tamsugiadinh.vn