Sau nhiều tháng ròng chống chọi với bệnh tật từ sau sự cố bị kẻ nghi nhiễm HIV chích kim vào ngực, cô gái 21 tuổi Nguyễn Thị Kim Liên đã qua đời.
Nguyễn Thị Kim Liên (quê Quảng Ngãi, vốn là công nhân Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM) là nhân vật trong bài “Tuổi 20 của cô gái bị kẻ nghi nhiễm HIV chích kim vào ngực”. Cô là một trong chín nữ công nhân trẻ trên đường đi làm bị một kẻ lạ mặt nghi nhiễm HIV chích kim tiêm vào ngực vào tháng 12-2015 tại Khu công nghệ cao quận 9, khi đó Liên tròn 20 tuổi.
Kim Liên đã phải vào viện nằm nhiều đợt do từ bệnh nền là xuất huyết giảm tiểu cầu sinh ra nhiều bệnh khác: xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm màng bồ đào, viêm dạ dày, tiểu đường…Ngày cuối năm 2016, trong cái rét lạnh căm và cơn mưa mùa đông ở quê nhà xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Liên về với đất trong cảnh đầu bạc tiễn tóc xanh.
Những người ở lại lòng dạ rối bời, đau đớn và day dứt, bởi khi sống Liên chịu bao nhiêu cảnh khổ cực, đến lúc lìa trần cũng để lại bao tiếc nuối.Trong những ngày cuối cùng điều trị ở Bệnh viện Thủ Đức (TP. HCM), Liên bị suy tim, suy thận nặng. Nhận thấy con khó qua khỏi, các bác sĩ đồng ý cho gia đình đưa Liên về quê nhà. Hành trình trở về quê dịp cuối năm của Liên sau 5 năm làm công nhân nơi phố thị là 6 bình khí oxy trợ thở. Nhưng chỉ tới bình oxy thứ tư, Liên trút hơi thở cuối cùng.
Bà Kim Thông, mẹ của Liên, nhìn di ảnh của con rơi nước mắt: “Những người không hiểu chuyện cứ đồn Liên bị nhiễm HIV khiến tôi vô cùng đau xót. Con bé đã hết lòng vì gia đình mà ra đi cũng không thanh thản, lại chịu tiếng đời”.
Chuyện không khó hiểu khi làng Hà Nhai, xã Tịnh Hà là một làng quê thuần nông, những câu chuyện “tam sao thất bản” khiến Liên phải chịu tiếng oan khiến nhiều người xa lánh. Cô gái kiên cường ấy trong giờ khắc cuối cùng của đời mình vẫn thấy cô đơn.
Một số người làng hiểu chuyện, họ đến đưa tiễn Liên về nơi an nghỉ và kể về cuộc đời của cô gái trẻ rằng nhiều năm qua, Liên đã là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa của những em nhỏ ở nhà. Liên gắng sức làm việc với ý nguyện là các em được học hành đến nơi đến chốn.
Nỗi đau thể xác và sự hi sinh của người chị khiến các em Liên suy sụp khi chị ra đi.
Lúc Liên được đưa lên xe từ TP. HCM về quê cũng là ngày Nguyễn Thị Kim Đoàn, em Liên có lịch thi môn thứ 3 của kì học đầu tiên tại Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật.
Đoàn bỏ dở kì thi để về quê cùng chị những ngày cuối. Đoàn bảo sẽ kiên cường như chị mình, sẽ làm kiến tiền đi học.
Liên qua đời, Đoàn thay Liên vai chị cả. Nhìn di ảnh chị với đôi mắt đỏ hoe, Đoàn nghẹn ngào: “Em nhất định phải học để đền đáp sự hi sinh và ý nguyện của chị. Nhưng chắc em phải bảo lưu một kì vì giờ em không còn tinh thần nào để học cả…”. Liên mất đi, để lại một khoảng trống và nỗi đau quá lớn cho gia đình. Trong lòng bà Kim Thông là bao nhiêu rối bời, trước mắt Đoàn là bao nhiêu ngổn ngang đang chờ đón. Phía tương lai chẳng ai nói trước được điều gì khi Liên không còn là chỗ dựa của gia đình như trước nữa.
Nguồn:blogtamsu