Những bức tranh đính đá này được cậu bé Tống Việt Nhật (15 tuổi) làm bằng một cánh tay còn lại vì bệnh ung thư xương giai đoạn cuối.
Thời gian với em giờ đây vô cùng hữu hạn và mong ước lớn nhất của Nhật là bán được nhiều tranh, giúp mẹ chuộc lại ngôi nhà đã bán đi để chạy chữa cho cậu.
4 năm chạy chữa kiệt quệ và mọi thứ quay về vạch số 0 tròn trĩnh
9h sáng tại phòng số 4, khoa Nhi, bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội), không gian chợt như vắng vẻ hơn thường ngày vì có một số bệnh nhân xuất viện. Sau một thời gian dài điều trị, một vài em nhỏ ra về không phải vì bệnh tình thuyên giảm mà bởi các bác sĩ ở đây đã lực bất tòng tâm.
Cầm trên tay giấy xuất viện, chị Võ Thị Thu Hương (46 tuổi, mẹ bé Nhật) không giấu nổi vẻ thất vọng. Chiều nay chị sẽ đưa con trai về lại Bôn Đôn, Đắc Lắc, kết thúc hành trình 4 năm chạy chữa không ngừng nghỉ với bao hy vọng rồi lại thất vọng. Lần trở về này, họ không còn nhà để ở, không có gì trong tay và căn bệnh ung thư xương của Nhật đã di căn nhanh chóng sang hai lá phổi.
“Năm con 11 tuổi, trong một lần đi học về không may bị ngã gãy xương cổ tay, tôi đưa đi khám, bác sĩ bảo bình thường. Phải đến lần tái khám sau đó, họ mới nghi ngờ ung thư. Vậy là từ bệnh viện trong Sài Gòn, tôi đưa thẳng con ra viện K ngoài Hà Nội và… choáng váng khi biết rằng con bị ung thư xương”, chị Hương bắt đầu kể lại chặng đường chạy chữa cho con trai.
Để trị bệnh, ngay trong năm đó, Nhật phải tháo bỏ một cánh tay phải. Trải qua 6 đợt xạ trị đầu tiên, sức khỏe em dần hồi phục. Tháng 9/2014, Nhật xuất viện, mang theo bao hy vọng của cả gia đình.
“Lúc đó nhà nợ nần nhiều lắm. Tôi vừa đi dạy học, vừa làm thêm đủ nghề kiếm sống lại lo duy trì chế độ ăn kiêng, tập thể dục, chăm sóc cho con…”. Bằng sự tần tảo ấy, cuộc sống gia đình chị Hương đang dần ổn định trở lại và hy vọng về cuộc sống mới chỉ đang bắt đầu. Nhưng tất cả đã một lần nữa bị dập tắt khi vào tháng 1/2016, căn bệnh của Nhật tái phát.
Đối với nhiều bệnh nhân, việc ung thư quay lại đồng nghĩa với cơ hội sống của họ càng mong manh. Dù biết phía trước nhiều chông gai nhưng chị Hương vẫn nhất quyết nghỉ việc, bán nhà, cầm cố hết mọi tài sản, thậm chí vay nợ ngân hàng, lặn lội đưa con ra Hà Nội chạy chữa.
Sau tất cả, khi đã đánh đổi mọi thứ, bệnh tình của Nhật vẫn không thể cứu vãn. Thay vì xuất viện trong tâm thế hồ hởi như lần đầu, lần này chị đưa Nhật ra về vì hiểu rằng: thời gian của con không còn nhiều.
“Hiện tại, cả hai lá phổi của Nhật đều có tế bào ung thư di căn. Các tế bào hiện tại còn nhỏ nhưng tốc độ phát triển rất nhanh. Chúng tôi quyết định cho cháu ra viện vì đã sử dụng tất cả các phác đồ, tuân thủ đúng quy trình nhưng vẫn không ngăn chặn được”, bác sĩ Trần Văn Công (Trưởng khoa Nhi, bệnh viện K3 Tân Triều) cho biết.
Những bức tranh đính đá làm bằng một cánh tay yếu ớt
Mang trong mình nỗi đau bị bệnh tật, nỗi buồn vì gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ nhưng Nhật vẫn luôn giữ thái độ sống lạc quan, tích cực. Cậu nói về cái chết bằng thái độ “dửng dưng” mà không hề sợ hãi. “Con biết nói thẳng ra thì con bị bệnh viện trả về đúng không? Chắc là con sẽ chết nhưng con chẳng sợ, chết cũng chỉ như ngủ một giấc khó chịu, mệt mỏi thôi”.
Nhật nói khi ra viện, việc đầu tiên muốn làm là đi ăn thật nhiều món ngon ở quê như bánh khọt, bánh hỏi thịt heo, bún chả cá Nha Trang, bánh canh bột lọc… “Ăn hết ngần ấy món, con sẽ vào chùa sống thanh tịnh, ăn chay trường để giảm cân”, Nhật cười vui vẻ.
Cậu nói bây giờ không dám ước mơ sẽ khỏi bệnh vì hiểu điều ấy sẽ thật khó khăn. Mong muốn lớn nhất của Nhật là làm ra thật nhiều bức tranh đính đá, đem bán chúng để kiếm tiền giúp mẹ chuộc lại căn nhà đã cầm cố.
Mỗi bức tranh mẹ Nhật mua nguyên liệu đã hết gần 2 triệu, Nhật chỉ mong có thể bán được nó với giá 5 triệu nhưng vài ngày qua, 3 bức tranh cậu làm đã có người hỏi mua với giá 30 triệu. Nhật vui mừng nhẩm tính, nếu mọi việc cứ như thế, chỉ cần cậu sống thêm 1 năm nữa, sẽ tậu lại nhà cho mẹ.
Mỗi bức tranh, Nhật phải làm mất hơn nửa tháng. Cậu dùng cánh tay yếu ớt còn lại, tỉ mẩn đính hàng nghìn viên đá nhỏ. “Nghề làm tranh này do con tự mày mò đấy. Con có giỏi không? Cứ thế này, chắc chỉ một năm thôi là mẹ và anh có nhà để ở… à còn tiền lãi ngân hàng nữa, chắc phải mất 1 năm 3 tháng…”.
Nghe đến đây, tôi chợt rơi nước mắt xót xa. Lần này xuất viện, làm sao biết Nhật sẽ còn bao nhiêu thời gian. Bác sĩ nói các khối u di căn của em đang phát triển nhanh chóng. Chưa kể đến bệnh tình, cuộc sống của em sau ngày ra viện sẽ ra sao khi cả gia tài, nhà cửa, gia đình đều đã đem cầm cố.
Vậy mà trong bước đường cùng như thế, một cậu bé mới chỉ 15 tuổi vẫn luôn nuôi hy vọng, tính toán làm cách nào để dùng sức lao động của mình, giúp đỡ gia đình khắc phục phần nào hậu quả của ung thư.
Theo Trí Thức Trẻ