Việc đông đảo ý kiến phản đối cách đưa tin rốt ráo, hồ hởi quanh chuyện trở về của Minh Béo cho thấy xã hội rồi cuối cùng cũng sáng suốt nhận ra những thứ xấu xa cho dù được thế giới ảo vô tâm cổ xúy.
Tôi đang nói về tượng đài Glam Rock của thế giới cách đây hơn 30 năm, Paul Francis Gadd, với nghệ danh là Gary Glitter.
Và một bên là nghệ sĩ hài Hồng Quang Minh, nghệ danh Minh Béo, với địa hạt biểu diễn giới hạn trong một khu vực nghệ thuật thuộc vùng trũng thế giới.
Đặt 2 nhân vật này bên nhau quả là một sự so sánh khập khiễng. Nhưng họ đều có một điểm chung: tội phạm ấu dâm.
Và đối với giới truyền thông phương Tây, tuy được điều chỉnh theo những bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp khác biệt theo từng hãng và từng quốc gia, nhưng đều có một điểm thống nhất chung đối với loại tội phạm này: không thể cảm thông, không thể tha thứ!
Điều này xuất phát từ thực tế là đặc thù của đa số người mắc bệnh ấu dâm là thích giao cấu với trẻ em – điều phạm vào luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em của nhiều nước trên thế giới. Không những thế, có rất ít người mắc bệnh có thể hiểu được luật và có khả năng tự kiểm soát bản thân, dẫn đến tỷ lệ tái phạm rất cao.
Và nếu người của công chúng mắc bệnh ấu dâm mà trở thành tội phạm ấu dâm, như Gary Glitter, sự truy lùng của truyền thông càng trở nên quyết liệt, với phương châm “hắn có thể chạy, nhưng không thể trốn”.
Lý do là những đối tượng này bản thân đã có sức hút đối với dư luận. Nhưng điều quan trọng hơn, là khiến chúng không thể lẩn trốn, âm thầm gây thêm tội ác, đặc biệt tại địa bàn những quốc gia đang phát triển, chưa có sự quan tâm đúng mức đến sức khoẻ tinh thần của trẻ em.
Và hãy xem truyền thông phương Tây đã truy lùng “ca sĩ ác quỷ” Gary Glitter ngay khi được phóng thích tại Việt Nam như thế nào, để công bố cho cả thế giới biết lộ trình chạy trốn của ông ta, để những tội phạm ấu dâm không còn nơi ẩn náu trên khắp thế giới.
Ngày 17/8/2008, kể từ khi thông tin Gary Glitter được phóng thích được công bố, toàn bộ Ban lãnh đạo, các cán bộ, chiến sỹ Trại giam Z30D đã bị “bủa vây” bởi vô vàn cú điện thoại dò hỏi thông tin cụ thể của giới báo chí nước ngoài.
Tối 18/8, ngồi cùng các chiến sỹ của Z30D, anh em tâm sự là rất ngạc nhiên khi các phóng viên nước ngoài biết được số điện thoại của từng người, gọi điện hỏi thăm dò thông tin từng tý một, thậm chí họ còn biết được cả những mối quan hệ riêng tư của anh em, rồi nhờ chính người đó gọi điện tác động. Dưới sự quán triệt nghiêm khắc của Ban Giám đốc, bất kỳ ai cũng không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào liên quan đến thời gian biểu trong quá trình dẫn giải Gary Glitter.
Đứng trước thực tế là diện tích của Trại giam Thủ Đức, trại giam lớn nhất Việt Nam, lên tới trên dưới 700 hécta, cộng thêm các nguồn thông tin tiếp cận luôn là con số 0, ngay từ đêm 18/8, rất nhiều phóng viên ảnh đã phải hủy bỏ phương án đón sẵn ở cổng trại, thay vào đó là trở về TP Hồ Chí Minh và phục sẵn ở trụ sở Cục An ninh Xuất nhập cảnh và sân bay Tân Sơn Nhất.
Có những hãng thông tấn nước ngoài đã kỳ công đến mức chấp nhận ở lại đến tận chiều ngày 19-8, chia làm 2 cánh phục ở 2 cửa trại cách nhau đến hàng chục cây số.
Theo thông tin riêng của phóng viên vào thời điểm đó, đã có gần 30 phóng viên nước ngoài vào Việt Nam theo con đường “phi chính thống” là bằng visa du lịch để “bo” Gary Glitter tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Thất bại trong việc đón Gary Glitter trong phòng cách ly, ngay lập tức, vé trên chuyến bay của hãng hàng không Thai Airways đã được đặt cho các phóng viên này để tác nghiệp. Ngay đêm 19/8, trở về từ Bangkok sau khi hoàn thành nhiệm vụ “tóm” Gary Glitter bằng mọi giá, một phóng viên ảnh của một hãng thông tấn lớn đã kể lại những khoảnh khắc đáng nhớ trên chuyến bay tối 19/8 đó.
Máy quay loại nhỏ đã được sử dụng một cách “trái phép” (trái với quy định về an toàn bay của hãng hàng không) để ghi lại những hình ảnh đầu tiên của Gary Glitter trên máy bay.
Đặc biệt, phóng viên này kể lại, khi tiếng “boong” báo hiệu máy bay đã đạt độ cao an toàn và hành khách có thể tháo dây an toàn, một tiếng roạt gần như là đồng thời vang lên và tiếng đèn flash nổ liên tục. Và trong khoảnh khắc ấy, Gary Glitter khốn khổ tuyệt vọng kéo chiếc khăn rằn lên che mặt trước ánh đèn, chiếc khăn mà ông ta kể với tôi là người bạn tù đã tặng ông để chúc một chuyến bay may mắn.
Cuối cùng, Gary Glitter đã phải trở về nước Anh, mẫu quốc nhưng cũng là mảnh đất ông ta không hề muốn đặt chân tới vì phải đối điện với sự trừng phạt của pháp luật và phải ký vào bản danh sách tội phạm tình dục. “Gã có thể chạy nhưng gã không thể trốn” là lời tuyên bố của một tờ báo lá cải của Anh, thể hiện quyết tâm săn đuổi Gary Glitter đến cùng.
Chứng kiến hình ảnh biểu tượng Glam rock một thời phải cạo bộ râu ông ta vốn tự hào, bị truy đuổi đến thất thần và bạc nhược, mới thấy cái giá ông ta phải trả cho những tội ác ghê tởm của mình đắt đến mức nào.
Và câu chuyện ấy, lại khiến chúng ta liên tưởng đến một số bài báo trên truyền thông của chúng ta, hân hoan thông tin đăng tải cả trạng thái của Minh Béo trên Facebook. Tôi vạn lần mong đó chỉ là sự vô tâm thuần tuý!
Việc đông đảo ý kiến phản đối cách đưa tin rốt ráo, hồ hởi quanh chuyện trở về của Minh Béo cho thấy xã hội cuối cùng cũng luôn sáng suốt nhận ra những thứ xấu xa cho dù được thế giới ảo vô tâm cổ xúy.
Theo Vietnamnet