Giải đáp thắc mắc về vấn đề cho vay nặng lãi có kiện ra tòa được không?
Câu hỏi:
Mọi người ơi, mình đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khốn khổ, muốn nhờ mọi người và những bạn đọc trên trang web lanhmanh.com giải đáp thắc mắc giúp mình. Chồng mình có vay một món nợ 100 triệu, vay nặng lãi của xã hội đen, lãi lên đến 10%/tháng cơ ạ. Chồng mình giấu gia đình trả nợ lãi hàng tháng, nhưng thời gian vừa qua chắc không trả được hết. Tuần vừa rồi có một đám thanh niên mặt mày hầm hố đến đòi nợ nhà mình, đòi trước Tết phải trả hết cả gốc và lãi.
Chồng mình không có nhà khi đám thanh niên đến, chỉ có bố mẹ mình. Bố mẹ mình tuyên bố nợ ai người đó trả, hiện nay chồng mình đã bỏ đi biệt xứ rồi.
Đám thanh niên dọa nạt nếu trước Tết mà gia đình mình không lo đủ số tiền thì họ đến sẽ phá nát nhà mình, cho nhà mình không thể yên ăn Tết.
Vậy cho mình hỏi hiện nay nếu họ đến phá nhà mình, nhà mình có thể kiện được không. Kiện bọn chúng ra tòa vì tội cho vay nặng lãi, nhưng hiện nay giấy tờ cho vay chồng mình kể lại là giấy không ghi rõ số lãi là bao nhiêu ạ? Mong nhận được sự trợ giúp của mọi người?
Thứ nhất, về việc chủ nợ tự ý đến phá nhà bạn
Theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu tài sản bị hủy hoại có giá trị dưới 2 triệu đồng và không gây hậu quả nghiêm trọng, chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này.
Trong trường hợp tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng của gia đình bạn có giá trị từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây thì chủ nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của gia đình bạn; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với gia đình bạn.
Như vậy, với hành vi cố ý đập phá tài sản của gia đình bạn, bạn có quyền yêu cầu cơ quan công an tiến hành khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đó theo đúng quy định của Bộ luật hình sự.
Thứ hai, về hành vi chủ nợ cho vay nặng lãi
Căn cứ khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 thì lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2010, lãi suất cơ bản là 9%/ năm.
Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận sẽ không được vượt quá: 9% x 150% = 13,5%/ năm
Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 13,5:12 = 1,125%/tháng
Chủ nợ yêu cầu phải trả lãi suất 10%/tháng đã vượt quá mức lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép.
Tại Điều 163 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 có quy định người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi.
Lãi suất vay của chồng bạn hiện gấp lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định là: 10% : 1,125% = 8,89 (lần) do đó tính đến thời điểm hiện tại chủ nợ của chồng bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chồng bạn không trả được nợ và bên chủ nợ khởi kiện ra Tòa án thì pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên chủ nợ trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép. Phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Ngoài ra, nếu kể từ ngày 1/1/2017 trở đi, bên chủ nợ vẫn tiếp tục yêu cầu chồng bạn trả khoản nợ cũ với lãi suất 10%/tháng thì bạn có thể báo với cơ quan công an để truy cứu bên chủ nợ về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.
- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 là 20%/năm của khoản tiền vay.
Trong trường hợp trong giấy vay nợ không ghi rõ số lãi là bao nhiêu thì gia đình nhà bạn có thể ghi âm lại đoạn trò chuyện mà bên chủ nợ yêu cầu chồng bạn phải trả lãi khoản nợ với lãi suất quá cao để làm bằng chứng khi tố cáo hành vi này với cơ quan công an.
Hi vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn tìm được phương án tốt nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn.
*Trích thông tin trên tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN