Mai là đứa con duy nhất trong gia đình học giỏi và đỗ vào một trường đại học lớn ở thành phố. Khỏi phải nói, mẹ cô và anh chị cô vui mừng như thế nào khi biết tin. Nhưng nhà Mai nghèo lắm, mẹ cô chỉ có 3 sào ruộng, anh cô thì đi làm phụ hồ ở miền Nam, chị thì lấy chồng xa rồi cũng ở nhà làm thuê làm mướn. Bố Mai mất sớm nên mẹ con cô cứ phải rau cháo nuôi nhau qua ngày.
Mai đi học ở thành phố, nhà nghèo nên một tháng, mẹ cô chỉ gửi được cho cô 900 ngàn. Với số tiền đó, Mai phải giật gấu vá vai lắm mới tồn tại được. Cô ở ký túc xá, suốt ngày chỉ chăm chỉ học mà không dám đi đâu vì sợ tốn tiền. Nhưng số tiền mẹ gửi lên không phải tháng nào cũng cố định, có tháng mẹ Mai chỉ gửi được 500 ngàn, 600 ngàn. Thường những lúc đó Mai chỉ ăn mỳ tôm, có khi cả ngày chỉ ăn một gói chia hai bữa cho tiết kiệm tiền.
Được năm đầu ngoan ngoãn, đến năm thứ hai Mai bắt đầu mặc cảm với chúng bạn về hoàn cảnh nghèo khó của mình. Cô thấy tủi thân khi bố mẹ bạn bè ai cũng có điều kiện, một tháng ít nhất cũng gửi cho họ 1 triệu chứ chẳng ai như cô, cứ phải giật gấu vá vai từng đồng một. Hơn nữa, bạn bè trong phòng cô ai cũng có thẻ ATM rồi bố mẹ cứ chuyển tiền vào đó rất tiện nhưng mẹ cô thì chả biết cái ATM là cái gì, tháng nào bà cũng gửi tiền bằng bưu điện rồi gửi cho cô một lá thư nhỏ, dặn dò các kiểu.
Mẹ Mai ít học, viết thư đôi khi còn sai lỗi chính tả nhưng khi nào bà cũng viết vài dòng cho Mai. Lúc mới lên thành phố, đó là niềm an ủi cho Mai để cô đỡ nhớ nhà, nhưng sau này, cứ mỗi lần nhìn thấy lá thư đó là Mai lại cảm thấy tức giận và xấu hổ. Cô thường giấu bạn bè mang về giường rồi bật đèn lên đọc, đọc xong cô cất vào cái rương của mình và thường thì không cho ai biết nội dung dù bạn bè cũng hay hỏi.
Đợt đó, Mai gọi điện về nhà hàng xóm rồi nhờ người gọi mẹ mình sang nghe. Thấy mẹ vừa bắt máy, Mai đã nói luôn:
– Mẹ, mẹ lên huyện làm cái thẻ ATM rồi gửi tiền vào cho con đi, tháng nào mẹ cũng gửi bằng bưu điện thế mệt lắm.
– ATM là cái gì hả con? Mẹ không biết cái đó. Mà huyện xa lắm con ạ, phải đạp xe 15km đó.
– Trời ơi, tháng đi có 1 lần thôi mà mẹ. Bạn con ai cũng rút tiền bằng cái thẻ đó oách thế, con thì cái gì cũng không có. Tiền thì được mấy trăm.
Mai thấy mẹ mình không nói gì nữa, cứ nghĩ bà đã đồng ý rồi. Thế mà tháng sau vẫn thấy mẹ gửi tiền bằng bưu điện rồi kèm theo lá thư. Mai điên lắm, cô thấy mình thật thiệt thòi so với chúng bạn. Rõ là cô học hành thuộc dạng tanh tưởi nhất lớp mà cái áo, cái quần không có mà mặc, cái gì cũng tụt hậu, đến cái thẻ ATM cũng không có, thật là không còn từ nào để diễn tả được nữa.
Tháng tiếp, mới được nửa tháng nhưng Mai đã hết sạch tiền. Cô gọi về cho mẹ bảo:
– Con cần tiền để làm tiểu luận, mẹ gửi lên cho con chút đi.
– Mới nửa tháng mà tiêu hết tiền rồi hả con?
– Mẹ khi nào cũng nói câu đó. Mẹ có biết con chỉ được cho số tiền bằng một nửa bạn con không? Con không biết đâu, mẹ gửi lên cho con hoặc là con nghỉ học về quê.
2 ngày sau, có thư thông báo Mai đến bưu điện nhận tiền. Lúc đó Mai đang đi với cô bạn cùng lớp, vì đi nhờ xe nên bạn của Mai chở cô đến bưu điện luôn. Mai thấy không thoải mái lắm vì cô bạn của cô đi cùng với cô vào trong bưu điện, bạn Mai nói rằng cô ấy thích xem thư mẹ Mai viết vì lâu rồi cô ấy chẳng nhận được thư của ai nhưng Mai gạt đi:
– Có gì đâu mà xem.
Mai vào nhận tiền xong, thấy lá thư sai chính tả chi chít, viết nguệch ngoạc của mẹ thì giấu nhẹm đi, cô lấy 500 ngàn đồng bỏ vào ví rồi xé vội lá thư, vứt nó vào thùng rác trước sự ngỡ ngàng của bạn.
Mai cầm 500 ngàn về tiêu, cô vẫn hậm hực lắm vì mẹ cô chỉ gửi cho cô chừng đó tiền. Nhưng cô không gọi về cho mẹ để phàn nàn vì ghét mẹ. Đến 15 ngày sau, Mai gọi điện về nhờ hàng xóm qua gọi mẹ thì nghe bác hàng xóm bảo:
– Mẹ cháu ốm nặng lắm, trước có gửi thư lên cho cháu mà chẳng thấy cháu về?
– Mẹ cháu ốm ấy ạ? Ốm như nào hả bác. Thế anh chị cháu có biết không?
– Bà ấy chỉ cho cháu biết vì cháu ở gần nhất, nhưng cháu không liên lạc lại nên cũng chịu. Chắc mẹ cháu chả còn mấy thời gian nữa đâu. Họ nói là ung thư gan.
Mai buông điện thoại xuống rồi ôm mặt khóc thổn thức. Cô nhớ lại bức thư đầy lỗi chính tả của mẹ có chữ “gan” mà hối hận tột cùng. Chỉ vì xấu hổ với bạn, không thèm đọc thư mẹ mà Mai đã không về thăm bà. Mai nghe điện thoại xong thì lao ra bến xe, dùng những đồng tiền cuối cùng để mua vé về với mẹ. Ngồi trên xe, cô chỉ cầu trời sao cho mình về kịp và vẫn còn cơ hội để chuộc lỗi với mẹ mà thôi.
Theo Webtretho
Xem thêm: Đám cưới có 1 không 2 ở Việt Nam. Tình yêu đã vượt lên trên tất cả