Từ lâu em đã nghe nói ở Hà Nội người ta phân biệt nguồn gốc dữ lắm. Giữa “phố” và “quê”, giữa dân “Hà Nội gốc” và dân “nhà quê” có sự phân biệt đối xử rất rõ ràng nha mấy chị. Bữa nay coi được một cái clip em mới tin chuyện này là có thật. Người chia sẻ clip này kể rằng mình cùng một người bạn đi ăn bánh khoai thì bị một bà cô tự xưng là “dân Hà Nội gốc” ngồi bàn kế bên mắng là “bọn tỉnh lẻ nhà quê”. Lý do họ bị mắng chỉ vì thay vì ăn bánh khoai không đúng với cách ăn của “dân Hà Nội gốc”!
Suốt mấy phút đồng hồ ngắn ngủi, người phụ nữ “Hà Nội gốc” kia không ngừng tuôn ra những lời khó nghe mang nặng sự kỳ thị về nguồn gốc, quê quán – vốn là một hiện tượng nhức nhói ở Hà Nội. Người ta có thể thấy rõ sự kì thị này trong những câu chuyện nhỏ nhặt hàng ngày, chẳng hạn như câu chuyện đi ăn bánh khoai của hai bạn trẻ trong clip.
Họ không hiểu tại sao chỉ đi ăn có cái bánh khoai mà lại bị bỉ bai, xỉa xói như thế? Và khi nghe những lời kiểu như: “Ăn bánh này mà ăn tương ớt là không đúng kiểu, phải để nguyên ăn cả cái chứ cái bọn sinh viên ở tỉnh lên đây ăn xong cho đẫm tương vào mất hết nét cổ truyền” thì liệu người ta có còn nuốt nổi nữa hay không? Rồi chỉ vì ăn bánh khoai không đúng với cách ăn thông thường, cả nguồn gốc dòng họ tổ tiên của họ bị đào xới lên, bị xúc phạm và khinh thường.
Nhiều người Hà Nội thường vin vào nguồn gốc của mình, vin vào “cái mác” Hà Nội để tự cho mình cái quyền coi thường, đối xử trịch thượng, kẻ cả với người khác. Vì thế nhiều người dân từ các vùng khác đến sinh sống tại Hà Nội, dù đã nỗ lực đóng góp không ít cho sự phát triển của thủ đô, họ vẫn cảm thấy bị phân biệt đối xử và không được thừa nhận. Điều này quả thực vô cùng bất công với họ!
Những người Hà Nội còn có tư tưởng kỳ thị gốc gác nặng nề thường là những người bị ám ảnh về vị thế vẻ vang của văn hóa Hà Nội xưa, cho rằng văn hóa Hà Nội đích thực có giá trị cao hơn văn hóa của những vùng miền khác. Họ không thôi tự mãn với những điều được cho là “nét tao nhã, tinh tế, sâu sắc” trong cốt cách và phong thái của người Hà Nội gốc mà thực ra chính bản thân họ cũng không biết những nét ấy là cái gì!!!
Tâm thế ấy không phải xuất phát từ sự hoài niệm đối với văn hóa Hà Nội xưa mà sâu xa hơn đến từ óc bảo thủ của một số người dân Hà Nội không đủ bao dung để chấp nhận những sự khác biệt đến từ bên ngoài và cả những người dân nhập cư đến từ vùng miền khác. Một phần khác là do sự tự ti và ganh tị khi chứng kiến những người nhập cư đạt được thành công và có cuộc sống tốt hơn.
Nếu người phụ nữ trong clip hiểu được thế nào là “cốt cách và phong thái” của người Hà Nội xưa thì hẳn đã không buông ra những lời kỳ thị gốc gác làm tổn thương người khác như thế và cả những lời trịch thượng, tự đề cao gốc gác bản thân và hạ thấp giá trị của người khác: “Chúng tao là dân gốc, có tiền từ tấm bé. Cái thời ông bà, cha mẹ của mày còn đang rất khổ, tức là cái thời bao cấp, nhà tao dân Hà Nội gốc đã buôn bán rồi.
Người Hà Nội đây không phải người Hà Nội nào cũng biết thưởng thức. Hà Nội bây giờ người Hà Nội gốc rất ít. Người như cô đây rất ít, toàn là dân tỉnh chúng mày lên đây. Có khi bố mẹ của chúng mày là dân Hà Nội nhưng cụ kị chúng mày là ở nhà quê, chứ cụ kỵ nhà tao đã ở Hà Nội rồi. Dân Hà Nội gốc bây giờ toàn ở Pháp, Mỹ hết rối chứ nó không ở đây nữa. Tao hồi nhỏ ham chơi nên thất học mới ở đây, chứ học hành tử tế thì ra nước ngoài rồi”.
Vì một người Hà Nội gốc thực sự, “đẹp như một hạt bụi vàng” (cách gọi của nhà văn Nguyễn Khải) chỉ nói những lời lịch sự, nhẹ nhàng, những lời thể hiện sự khiêm cung, rộng lượng và tôn trọng người khác!
HÌNH ẢNH CHỈ NHẰM MỤC ĐÍCH MINH HỌA.
Theo Webtretho
Xem thêm: Người nhập cư Hà Nội bị chửi là “nhà quê” khi ăn bánh khoai sai cách.