Giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Việc nắm được cách ứng xử đúng đắn, biết lắng nghe nhiều hơn và thấu hiểu nhiều hơn đều khiến chúng ta dễ dàng kết nối với người khác.
Nếu mắc một sai lầm nhỏ trong giao tiếp cũng sẽ kéo theo vô vàn những rắc rối khác nhau, thậm chí có thể phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ của bạn. Tuy nhiên, nếu nắm được và thay đổi 12 lỗi giao tiếp dưới đây thì bạn hoàn toàn có thể tự tin vào khả năng ứng xử của mình.
1. Thay vì nói “chúng ta” thì liên tục sử dụng “tôi”
Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra rằng, rất nhiều người thường có thói quen “Theo tôi…”, “Tôi nghĩ….”, “Tôi muốn…”, “Tôi cần…”, “Anh/chị sai hoàn toàn….”, “Tốt hơn nên”… khi làm việc nhóm. Thực tế, chẳng ai thích suốt ngày phải làm theo ý kiến của người khác, vì vậy, đừng quên là bạn đang làm việc nhóm và bạn là một thành viên trong đó. Làm việc để giải quyết vấn đề chứ không phải để khẳng định bản thân hay nỗ lực để đánh bại ai cả.
2. Nhìn sang một hướng khác khi nói chuyện
Đừng tập trung vào điện thoại hay máy tính khi đang nói chuyện với người khác. Dù vô tình hay cố ý thì chắc chắn cử chỉ này cho thấy bạn thiếu tôn trọng người đó. Việc xem đồng hồ trong khi nói chuyện với người khác là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng, mất kiên nhẫn và cái tôi quá lớn. Cử chỉ thiếu thân thiện này cũng gửi đến một thông điệp đối với người đối diện rằng bạn đang muốn làm những việc khác thay vì nói chuyện với họ.
Quay lưng lại với người đối diện trong các cuộc trò chuyện cũng là một trong những điều tối kỵ. Hành vi này còn khắc nghiệt hơn cả lời nói thẳng “Tôi không muốn tiếp tục câu chuyện nữa”.
3. Ngắt lời người khác
Ngắt lời người khác dường như là thói quen của rất nhiều người. Có thể, do đối phương chưa biết cách trò chuyện một cách cuốn hút hay đơn giản là bạn nóng lòng muốn đưa ra quan điểm của mình. Phụ nữ có xu hướng ngắt lời người khác vì họ sợ quên điều tiếp theo cần nói và họ muốn nói khi đang có hứng. Trong khi đó, nam giới thường ngắt lời người khác vì muốn khẳng định uy quyền của mình. Cho dù là lý do gì thì hình như bạn vẫn chỉ muốn chứng tỏ “Tôi quan trọng hơn bạn”. Đây là một thói quen vô cùng xấu cần thay đổi ngay lập tức.
4. Sử dụng quá nhiều ngôn ngữ cơ thể
Nếu bạn khua chân múa tay quá nhiều, bạn lắc đầu, bắt chéo chân, bịt tai, nhắm mắt hay đảo mắt liên tục… sẽ khiến người cảm khác cảm thấy rằng bạn đang không thực sự chú ý vào câu chuyện họ đang nói, chẳng hạn như:
Khoanh tay hoặc khoanh chân ở một mức độ nào đó cho thấy bạn không muốn đón nhận những gì người khác đang nói.
Nhăn mặt là một cử chỉ mà bất cứ ai cũng nên tránh. Bởi vì, khi khuôn mặt nhăn nhó và có vẻ không hài lòng vì một điều gì đó thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mọi thứ xung quanh bạn.
Gật đầu lia lịa mặc dù không quá quan trọng, tuy nhiên nếu trong cuộc đàm phán hoặc giao tiếp với khách hàng, việc gật điều quá nhiều sẽ tạo ra những nghi ngờ không đáng có.
Vò đầu bứt tóc trong các cuộc đối thoại có nghĩa bạn đang lo lắng điều gì đó? Liệu rằng bạn đang có những cuộc hẹn khác hoặc một công việc nào đó đang dở dang? Cho dù là gì thì một khi đang nói chuyện với người khác, bạn cũng không nên thể hiện điều đó ra ngoài, trừ khi đó là những người rất gần gũi với bạn.
Thõng vai là một dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng. Chắc chắn bạn sẽ không bao giờ có đủ tự tin để nói với ông chủ rằng “Tôi không hiểu tại sao tôi phải lắng nghe ông” nhưng nếu bạn thõng vai thì thực sự là bạn đã phản ứng một cách mãnh liệt hơn cả những gì bạn muốn nói.
Việc bắt tay quá nhanh, mạnh hoặc quá yếu cũng khiến người khác có cảm giác rằng, bạn thiếu thân thiện. Đặc biệt, có trường hợp một cái bắt tay e dè còn khiến đối phương nghĩ rằng họ có vấn đề gì đó không vừa lòng bạn.
Khi nói chuyện với người khác, hãy cố gắng đừng đứng quá gần họ. Nếu bạn làm ngược lại sẽ khiến họ cảm thấy không thoải mái.
5. Trả lời một cách bâng quơ
Đừng chỉ trả lời những câu cụt ngủn như “Mmmmm hmmmm…” hoặc “vâng…” mà hãy cố gắng nói thêm một vài câu khác như “Vâng, điều mà tôi nghe được là khi tôi đến muộn, bạn sẽ lo lắng phải không? Tôi có nghe chính xác không?”. Hãy lựa chọn cách nói dài ra phù hợp, điều này sẽ khiến họ hiểu rằng bạn không chỉ nghe họ nói mà còn cố gắng diễn đạt lại để nói với họ rằng bạn đã nghe chúng.
6. Tỏ ra là người “biết tuốt”
Bạn trợn tròn mắt với người khác và nói rằng “Cho dù tôi chưa nghe hết câu chuyện nhưng tôi thừa hiểu chuyện bạn sắp nói tiếp”. Có thể bạn hiểu, có thể không nhưng đừng bao giờ làm điều đó. Khi người khác đang muốn chia sẻ, hãy lắng nghe, đừng ngắt lời và đừng tỏ ra mình “trên thông thiên, dưới tường địa lý”.
7. Để cảm xúc chi phối những gì bạn nói
Một sự việc nhỏ nhưng vì không biết kiềm chế cảm xúc nên bạn đã để nó “bùng cháy” và rồi công việc, cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng. Một cuộc tranh luận nhẹ nhàng nhưng chỉ vì cái tôi quá lớn khiến bạn sử dụng những từ ngữ thô kệch và ngôn ngữ cơ thể quá đà, gây phản cảm trước đối phương. Tất cả đều là những thói quen cần thay đổi.
8. Không thể hiện ý muốn lắng nghe
“Hãy chia sẻ với tôi về điều đó” hay “Vậy bạn cảm thấy thế nào về chuyện này?” là một trong những cách khá hay để khiến người khác hiểu rằng bạn muốn nghe tiếp câu chuyện.
9. Liên tục kể về câu chuyện của mình
Bạn chỉ liên tục nói về các vấn đề của mình mà không quan tâm tới việc người khác có đang nghe hay họ có thực sự hiểu hết những gì bạn đã nói? Đừng bao giờ coi mình là trung tâm của câu chuyện.
10. Tập trung “soi” tính cách của người khác mà không lắng nghe điều họ nói
Khi ai đó đang chia sẻ hay trò chuyện với bạn, hãy thực sự lắng nghe thay vì cố gắng “soi” tính cách của họ. Hiểu tính cách của người khác để biết cách chèo lái câu chuyện theo hướng tích cực là điều tốt nhưng đừng quá lạm dụng.
11. Quá nhiều từ “nhưng”
Nghe có vẻ khó hiểu nhưng sẽ đơn giản hơn nếu bạn chú ý vào ví dụ này “Tôi xin lỗi nhưng liệu tôi có làm phiền bạn không”; “Đây thực sự là một ý tồi nhưng…” Liệu bạn đã hiểu vấn đề? Hãy hạn chế từ “nhưng”, thay vào đó là sự kiên định và chắc chắn.
12. Không giao tiếp bằng mắt
Thường nếu bạn không nhìn người khác khi nói chuyện thì bạn có thể bị cho là đang có điều gì muốn giấu giếm. Việc tránh giao tiếp bằng mắt cũng sẽ giảm sự tự tin của bạn trong các cuộc đàm phán.
Một điều thêm nữa là việc nhìn xuống, trừng mắt, hoặc trợn tròn mắt trong khi có ai đó đang nói chuyện với bạn về công việc của họ thì cũng sẽ khiến bạn có những hình ảnh xấu trong mắt người khác.
Theo Daikynguyen