Hoàn cảnh xô đẩy khiến họ gặp nhau, thay vì ghen tuông hằn thù, họ chung sống hòa thuận suốt 24 năm qua. Cả hai người đàn ông đều chia sẻ gánh vác việc nhà. Có điều lạ là cả hai ông cùng ngủ với bà trên một chiếc giường đôi.
Trong ngôi nhà ba gian cấp bốn lụp xụp chắp vá đầu làng Yên Xá (Thanh Tuyền, Thanh Liêm, Hà Nam), họ đã chung sống hòa thuận. Chủ nhân ngôi nhà ấy là bà Phạm Thị Thịnh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ của bà trôi đi dịu êm bên cạnh con sông Đáy hiền hòa. Đến tuổi cặp kê, bà đã trao tình yêu cho ông La Văn Khảm, quê ở Xuân Trường (Nam Định). Khảm đã qua một đời vợ, hơn Thịnh 10 tuổi, làm nghề lái tàu thủy chở cát và vật liệu xây dựng của Hợp tác xã Bắc Hà, thường xuyên đi qua dòng sông Đáy cạnh nhà Thịnh.
Cảm kích cái tình của cô chủ nhà, Khảm thường xuyên qua lại xin ấm nước uống cho ấm bụng và rồi tình yêu giữa hai người nảy nở lúc nào không hay. Chỉ biết rằng “mỗi ngày không được nhìn thấy nhau một lần là nhớ không chịu được”, bà Thịnh nhớ lại. Năm 1980, họ làm lễ thành hôn (không có hôn thú).
Do phải thường xuyên đi xa nhà nên hai người bàn nhau xin một miếng đất bãi tại thôn Yên Xá (Thanh Tuyền, Thanh Liêm, Hà Nam) làm nhà ở. Năm 1982, Thịnh đã sinh cho Khảm một cậu con trai kháu khỉnh, thông minh và đặt tên là La Văn Minh, chưa đầy hai năm sau lại sinh tiếp một bé gái.
Niềm vui chưa dứt thì nỗi buồn chung ập đến. Năm 1985, cả khu vực mất mùa đã làm cho cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng rất nhiều gia đình, trong đó có gia đình nhà bà Thịnh. Chồng phải bươn bả ngược xuôi kiếm từng đồng về nuôi vợ, nuôi con. Một thời gian sau ông vắng nhà rất lâu… Một mình ở lại gánh vác đồng ruộng không đành, bà phải cắn răng gửi hai đứa trẻ miệng còn khát sữa cho ông bà ngoại để kiếm tiền sinh sống.
Những ngã rẽ cuộc đời
Lúc đó, bà được một người đàn ông đưa xuống tàu để quét sơn cạo gỉ tàu. Đó là ông Nguyễn Văn Nhất, thợ sửa chữa tàu quê ở Chợ Sông (Bình Lục, Hà Nam). Lửa gần rơm cộng với sự khao khát của người phụ nữ thiếu vắng hơi ấm đàn ông lâu ngày khiến cho người đàn bà không thể cưỡng nổi lòng mình. Họ đưa nhau lên bờ về ngôi nhà hạnh phúc của bà đang sinh sống. Hai đứa nhỏ được ông Nhất chăm sóc chu đáo tận tình, đều rất yêu ông và coi ông như cha đẻ.
Được hơn hai năm, người chồng chị tưởng đã chết bỗng dưng trở về vào một buổi trưa. Vào nhà thấy vợ mình đang nằm cạnh một người đàn ông khác, ông không nỡ làm vỡ mảnh hạnh phúc nhỏ nhoi mà mình đã trót xao nhãng. Sự xuất hiện của ông làm cả ba người khó xử. Ông đã lầm lũi ra chợ mua đồ ăn và chai rượu về và làm một bữa liên hoan gọi là “gặp mặt thân mật”. Sau bữa “liên hoan” ấy ông Khảm và ông Nhất đều chung sống với bà Thịnh.
Bà Trần Thị Diễm, một người hàng xóm thân cận cho biết: “Trong suốt hơn 20 năm, cả ba người luôn sát cánh bên nhau để xây dựng gia đình mà không có lấy một tiếng cãi vã. Chúng tôi một vợ, một chồng thỉnh thoảng còn va chạm”.
Còn bà thổ lộ bí quyết giữ gìn hạnh phúc: “Bản thân tôi phải luôn là người cầm cân nảy mực của hai ông”. Bà đã không sinh thêm con với một ai nữa. Năm 1988 bà còn được Hợp tác xã Thanh Tuyền thưởng cho 50 kg lúa về việc sinh đẻ kế hoạch.
Sau 24 năm chung sống hòa thuận, năm ngoái (tháng 11/2006), khi ông Nhất về hưu đã về quê Bình Lục để sống với họ hàng. “Chúng tôi cũng không đồng ý để ông về sống một mình. Hồi trẻ đã có nhau, nay già rồi còn mong mỏi gì nữa, nhưng ông ấy đã quyết rồi thì không có ai cản nổi. Thường ngày ông ấy bảo thủ lắm”, bà Thịnh kể.
Bà Nguyễn Thị Lam, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Tuyền, cho biết, thực ra chính quyền và bà con biết họ chung sống với nhau từ hơn hai mươi năm nay. Cuộc sống của họ luôn yên ấm. Cả hai người đàn ông đều rất hạnh phúc. Về công việc họ luôn luôn chia sẻ cho nhau. Có điều lạ là cả hai ông cùng ngủ với bà ấy trên một chiếc giường đôi.
Bà Lam cho biết, bản thân họ không kiện cáo gì nên xã không thể tham gia giải quyết. Bên cạnh đó cả hai ông là người địa phương khác, song đều có giấy tạm trú nên không thể can thiệp.
Hiện ông Khảm bà Thịnh nuôi một đứa cháu ngoại. Bố cháu chết vì nhiễm HIV. Mẹ cháu bị lây bệnh, bỏ lại con để đi làm ăn xa. Bà Thịnh kể: “Từ năm 1998 tôi đã đón ba đứa cháu con em gái tôi (bố mẹ nó chết do bệnh) từ trên Yên Bái về nuôi và xây dựng gia đình cho chúng. Đến nay chúng đều yên bề gia thất”.
Bà kể, cả hai ông chồng đều đồng ý nuôi các cháu. “Tôi rất mừng và thực sự cảm ơn họ. Không có họ, mình tôi không thể vượt qua những gian khó trong cuộc đời”, nói rồi bà Thịnh đưa tay lên lau những giọt nước mắt đang lăn trên đôi gò má bắt đầu nhăn nheo.
Theo webtretho
Xem thêm video đàn ông cố gắng 1, phụ nữ cố gắng 10